Hôm 29/8 truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, sáng sớm cùng ngày quân đội ĐCSTQ đóng quân ở Hồng Kông đã thực hiện đợt luân chuyển quân thứ 22, những video và hình ảnh liên quan sau đó đã thành tâm điểm trên nhiều hệ thống mạng xã hội. Như vậy vào thời điểm nhạy cảm này ĐCSTQ nhấn mạnh vấn đề luân chuyển quân đội này có dụng ý gì đặc biệt? Phải chăng đã sẵn sàng dùng vũ lực đàn áp Hồng Kông?

quân đồn trú, luân chuyển quân, Hồng Kông, quân đội ĐCSTQ
Quân đội của ĐCSTQ đi cảng Hoàng Cương tiến vào Hồng Kông, thực hiện đợt luân chuyển quân đồn trú lần thứ 22. (Ảnh: XinhuaHK)

Động thái bất thường của truyền thông ĐCSTQ

Sáng sớm ngày 29/8 nhiều trang mạng xã hội (Facebook, Telegram…) xuất hiện nhiều hình ảnh về số lượng lớn xe quân sự tiến vào Hồng Kông, bao gồm xe bọc thép, xe chuyển quân, và xe rơ moóc. Sau đó trang Hồng Kông 01 (Hk01) đưa tin rằng khá nhiều xe bọc thép của ĐCSTQ đã được tập trung tại cảng Hoàng Cương (Thâm Quyến) và vào Hồng Kông, bóng dáng chạy ẩn hiện tại các tuyến đường ở Hồng Kông như Kwun Tong Bypass, East Harbor Cross, Tai Tam, Sha Tau Kiu và Sha Tin. Tân Hoa xã của ĐCSTQ cũng có thông báo cho biết, quân đồn trú Hồng Kông của ĐCSTQ vào Hồng Kông gồm cả lục quân, không quân và hải quân; cùng ngày, quân đội ĐCSTQ ở Macao cũng hoàn thành vòng chuyển quân thứ 20.

Ngày 29/8, trong một cuộc họp báo thường kỳ người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết, hoạt động luân chuyển này là “hoạt động thường lệ”, binh sĩ đồn trú tại Hồng Kông sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình theo luật pháp, các hoạt động biểu tình phải tuân thủ luật pháp Hồng Kông. Nhậm Quốc Cường cũng cho biết hoạt động tập trận của cảnh sát vũ trang ở Thâm Quyến vào giữa tháng này cũng là “thường lệ” trong kế hoạch hàng năm. Nhưng tránh không đề cập khi nào thì hoạt động kết thúc.

Về vấn đề này, hôm 29/8, tờ Hoa Nam Tảo báo (SCMP) Hồng Kông đưa tin và nhận định rằng việc truyền thông nhà nước ĐCSTQ tuyên truyền rầm rộ luân chuyển quân khi chưa hoàn thành này là có mục đích khác. Theo nhận định của chuyên gia quân sự Trung Quốc Chu Thần Minh (Zhou Chenming), nếu việc đưa quân vào Hồng Kông được thực hiện bí mật vào đêm mà không đưa tin sẽ khiến người dân Hồng Kông cảm thấy kinh hoàng và sợ hãi. Điều này có nghĩa Bắc Kinh vẫn rất cần tình hình Hồng Kông ổn định.

Đài Á Châu Tự do (RFA) dẫn ý kiến của giáo sư Lâm Hòa Lập (Lin Heli) tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Trung văn Hồng Kông cho biết mục đích của ĐCSTQ là cảnh báo người Hồng Kông không nên tiếp tục biểu tình, đặc biệt là tổ chức biểu tình lớn, quân đội đồn trú Hồng Kông có 3.000 người ở Hồng Kông và 3.000 người ở Thâm Quyến, đây đúng là hoạt động luân chuyển quân thường lệ, việc cố ý thông tin tình hình để cảnh báo những người Hồng Kông biểu tình.

Giới quan sát có lưu ý rằng việc Tân Hoa xã đưa tin vào gần 4 giờ sáng để xác thực hoạt động quân sự này là “luân chuyển theo lệ thường” là cách làm khá hiếm thấy. Do đó có câu hỏi đặt ra là vì sao hành động quân sự lần này lại được lên kế hoạch tuyên truyền trước và sớm công bố thông tin?

Tờ Vision Times tại Mỹ dẫn nhận định của nhà quan sát và bình luận thời sự quốc tế Đường Hạo chỉ ra, thứ nhất là xoa dịu lo ngại của của cộng đồng quốc tế cho rằng ĐCSTQ chuẩn bị đàn áp người biểu tình Hồng Kông; thứ hai là tạo áp lực tâm lý đối với xã hội Hồng Kông nhằm hạn chế bớt người Hồng Kông hưởng ứng biểu tình.

Tuy nhiên ông Đường Hạo cũng lưu ý rằng, “Cần quan sát thêm liệu ĐCSTQ có áp dụng chiến lược kiểu ‘tằm ăn dâu’? Có phải họ từng bước triển khai những thao tác nhỏ làm nền cho hoạt động quân sự quy mô lớn, trong quá trình này có thể theo dõi xem mức độ phản ứng của cộng đồng quốc tế ra sao mới quyết định xem có nên tiếp tục mở rộng hoạt động quân sự hay không.”

Học giả: Mục đích chính là cuộc chiến tranh tâm lý đe dọa

Như vậy vấn đề là hành động đẩy mạnh quảng bá luân chuyển quân đội này có phải là thông báo ĐCSTQ đã chuẩn bị sử dụng vũ lực để đàn áp Hồng Kông không?

Ông Bill Sharp, cựu giảng viên tại Đại học Hawaii chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và châu Á cho rằng khả năng Bắc Kinh dùng quân đội đàn áp Hồng Kông là không cao, mục đích chính là cuộc chiến tranh tâm lý đe dọa.

Tờ Vision Times chia sẻ phát biểu của ông: “Cho dù hoạt động của quân đội Trung Quốc là luân chuyển định kỳ hay hoạt động nào khác thì ý định chính của Bắc Kinh chỉ là đe dọa người dân. Tôi không nghĩ Bắc Kinh muốn tạo ra một sự kiện Thiên An Môn 4/6/1989 nào khác.” Ông cho rằng Bắc Kinh chỉ muốn đảm bảo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, điều này cũng dễ thấy qua quan điểm xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu theo lập trường diều hâu. Sự thay đổi trong xu hướng bình luận xã hội của tờ báo này gần đây nhấn mạnh “nguyên tắc khả thi duy nhất đối với Hồng Kông là bảo đảm cao độ tính tự trị của Hồng Kông”.

Giới quan sát cũng có nhận định cho rằng, những bình luận trên Thời báo Hoàn Cầu cho thấy Bắc Kinh không muốn dùng “Luật trường hợp khẩn cấp” để ứng phó biểu tình tại Hồng Kông.

Nhà quan sát Đường Hạo cũng chỉ ra động thái “công khai sức mạnh quân đội” của ĐCSTQ này có liên quan đến những chỉ đạo mới về ứng phó tình hình Hồng Kông gần đây:

Nguồn tin ngày 28/8 từ hãng tin Mirror Media của Đài Loan cho biết Ủy ban Trung ương  ĐCSTQ có công văn chỉ đạo Văn phòng Hồng Kông – Macao với nội dung có năm điểm chính: Thứ nhất là không để phong trào biểu tình phản đối luật dẫn độ tại Hồng Kông tiếp tục lan rộng, Chính phủ Hồng Kông phải kiên quyết chống hành vi phá hoại “một quốc gia hai chế độ”. Thứ hai là phải bình ổn tình hình Hồng Kông trước khi kết thúc tháng Tám. Thứ ba là hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông trong điều động cảnh sát vũ trang và công an Quảng Đông phối hợp cùng cảnh sát Hồng Kông, quá trình này thống nhất chỉ đạo từ Tỉnh ủy Quảng Đông. Thứ tư là quân đội ĐCSTQ trú tại Hồng Kông có thể hành động uy hiếp, nhưng không phù hợp cho hành động thiết quân luật. Thứ năm là thực hiện chu đáo công tác khắc phục hậu quả của quá trình giải tán biểu tình, dùng chính sách vừa mềm vừa cứng để giảm thiểu tác động và trừng phạt từ quốc tế.

Một diễn biến quan trọng khác rất đáng lưu ý là gần đây ĐCSTQ cũng có chỉ đạo mật yêu cầu đơn vị liên quan bắt giữ hai hoặc ba người Mỹ và Đài Loan, cáo buộc những người này là gián điệp của chính phủ Mỹ và Đài Loan, nhằm vu khống cho “bàn tay đen thế lực nước ngoài” trong chiến dịch biểu tình phản đối luật dẫn độ tại Hồng Kông. Gần đây xảy ra vụ việc một người Đài Loan tên Lý Mạnh Cư (Li Mengju) từ Hồng Kông vào Trung Quốc Đại Lục đã mất liên lạc. Ông Đường Hạo nhận định: “Điều này có thể chứng minh rằng ĐCSTQ muốn dẹp biểu tình Hồng Kông theo kịch bản này và đổ cho cái gọi là ‘thế lực nước ngoài’. Vì vậy có thể thời gian tới người biểu tình Hồng Kông sẽ bị dùng vũ lực đe dọa từ cảnh sát Hồng Kông và lực lượng cảnh sát vũ trang của ĐCSTQ.”

“Cảnh sát đầu trọc” chĩa súng vào người dân sẽ được mời về Bắc Kinh

Một diễn biến khác, hãng tin AP (Pháp) đưa tin rằng dự kiến ngày kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 1/10 năm nay ​​ĐCSTQ sẽ  tổ chức duyệt binh quy mô lớn hơn các đợt kỷ niệm Quốc khánh 50 năm và 60 năm cũng như duyệt binh ngày 3/9 kỷ niệm 70 năm kết thúc kháng chiến chống Nhật Bản.

Thông tin cho biết khoảng 10 sĩ quan cảnh sát Hồng Kông tích cực nhất trong đối phó với những người biểu tình sẽ được mời đến Bắc Kinh để tham gia ngày 1/10, trong số này có “cảnh sát đầu trọc” họ Lưu mà tối 30/7 đã chĩa súng vào người dân ở bên ngoài trụ sở cảnh sát tại Kwai Chung.

Được biết, tại Trung Quốc Đại Lục, “Cảnh sát đầu trọc” cũng được nhào nặn thành hình ảnh một “anh hùng”, nổi tiếng trong phong trào chống luật dẫn độ của người Hồng Kông.

Ngày 28/7 đã nổ ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa cảnh sát và người dân, tổng cộng có 49 người đã bị giam giữ, trong đó 44 người đã bị buộc tội bạo loạn và bị giam giữ tại đồn cảnh sát Kwai Chung, đến ngày 30 trước đông đảo người dân đến lên tiếng ủng hộ những người bị bắt, viên cảnh sát đầu trọc họ Lưu đã chĩa súng thật vào người ủng hộ. Phía cảnh sát giải thích anh ta làm thế vì bị mọi người bao vây, không còn cách nào mới hành động hạ sách như vậy.

 Trí Đạt

Xem thêm: