Phiên bản Hồng Kông của Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, tính đến nay đã được một năm rưỡi. Vào năm 2021, hơn 50 tổ chức xã hội dân sự ở Hồng Kông bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động. Một số học giả đã phân tích rằng sau phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ, Bắc Kinh đã sử dụng Luật An ninh Quốc gia để tiến hành thanh lọc xã hội dân sự Hồng Kông một cách triệt để và có hệ thống, nhằm “trừ tận gốc” xã hội dân sự và biến Hồng Kông thành xã hội chỉ có một tiếng nói.

p2929591a887537033
Tháng 5 năm nay, người triệu tập của Mặt trận Nhân quyền dân sự Hồng Kông Trần Hạo Hoàn (Chan Ho-wun, đứng thứ nhất từ bên phải) bị chính quyền truy tố do tham gia mít-tinh phản đối Dự luật Dẫn độ. Trước khi ra toà, Trần Hạo Hoàn cùng các thành viên của Mặt trận Kết nối Xã hội dân sự Hoàng Hạo Minh (đứng thứ hai từ trái sang), Tăng Kiện Thành (thứ hai bên tay phải) cùng căng biểu ngữ “Mít-tinh hòa bình là vô tội, truy tố chính trị đáng xấu hổ”. (Ảnh: Yu Xing / Vision Times).

Người làm báo bị cầm tù, bị đàn áp

Vào ngày 17/12 vừa qua, trong báo cáo thường niên, Tổ chức Phóng viên Không biên giới cho biết, Hồng Kông đã có một người làm báo đầu tiên bị bỏ tù sau khi Luật An ninh Quốc gia được thực thi. Đó là ông Lê Trí Anh, năm nay 74 tuổi, là một trong số ít người làm làm báo lớn tuổi nhất bị cầm tù trên thế giới.

Chia sẻ với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Phó giáo sư Trần Gia Lạc (Kenneth Chan Ka-lok), công tác tại Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Baptist Hồng Kông, cho rằng sau khi thực thi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, chính quyền này bắt đầu nhắm vào những người làm báo nhân danh an ninh quốc gia, đặc biệt là những kênh truyền thông có uy tín đã chỉ trích sự điều hành của chính phủ.

Trước thời điểm ngày 1/7/2021, chính quyền Hồng Kông đã đóng băng tài sản của Apple Daily, buộc tờ báo này phải tạm ngừng hoạt động. Đồng thời, chính quyền cũng bắt giữ ông Lê Trí Anh và các cựu và đương chức biên tập viên của Apple Daily, cáo buộc họ với các tội danh như “âm mưu cấu kết với thế lực nước ngoài” theo Luật An ninh Quốc gia.

Ông Trần Gia Lạc chỉ ra rằng vụ việc này đã gây ra một hiệu ứng ‘ve sầu mùa đông’ trong xã hội. Ông chỉ trích chính quyền, “muốn thêm tội cho người khác thì không có gì khó”, lằn ranh đỏ của Luật An ninh Quốc gia có ở khắp nơi, khiến người làm báo khó mà đề phòng. 

Xã hội dân sự bị tan rã toàn diện

Theo thống kê của giới truyền thông Hồng Kông, trong năm 2021, tổng cộng 50 tổ chức xã hội dân sự ở Hồng Kông bị “tan rã” dưới áp lực của Luật An ninh Quốc gia. Thuật ngữ “tan rã” có lẽ là từ xuất hiện thường xuyên nhất trong các bản tin thời sự trong năm nay.

Trong số các tổ chức xã hội dân sự đã tan rã này, những cái tên như Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước Trung Quốc (Chi liên hội), Mặt trận Nhân quyền dân sự Hồng Kông (Civil Human Rights Front), Liên minh Công đoàn Hồng Kông và Hiệp hội Giáo dục là những tổ chức quen thuộc nhất. Chi liên hội là một tổ chức nổi lên trong phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 và đại diện cho sự ủng hộ của người dân Hồng Kông đối với phong trào dân chủ Trung Quốc. Trong 31 năm qua, cứ vào đêm 4/6 hàng năm, Chi liên hội sẽ tổ chức buổi thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ Thảm sát Thiên An Môn.

Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập để chống lại lập pháp Điều 23. Năm 2003, CHRF lần đầu tiên tổ chức cuộc tuần hành vào ngày 1/7, sau khi phản đối lập pháp Điều 23, khoảng 500.000 người dân đã tham gia cuộc hoạt động tuần hành biểu tình. Năm đó, người dân Hồng Kông đã thành công trong việc buộc Chính phủ gác lại Điều 23 vô thời hạn. Về sau, cứ mỗi dịp ngày 1/7 hàng năm, CHRF sẽ tổ chức một cuộc tuần hành để phản ánh các yêu cầu của người dân đối với Chính phủ Hồng Kông. 

Năm nay, trong số các tổ chức bị buộc giải tán còn có Liên minh Công đoàn có lịch sử 31 năm và nhiều lần lãnh đạo phong trào công nhân; và còn có công đoàn giáo viên lớn nhất Hồng Kông, đây là tổ chức có lịch sử gần 50 năm, với hơn 90.000 thành viên – Hiệp hội giáo viên chuyên nghiệp Hồng Kông (Hong Kong Professional Teachers’ Union).

Ông Trần Gia Lạc cho biết, kể từ năm 2003, mỗi một phong trào do xã hội dân sự ở Hồng Kông khởi xướng đều nhằm theo đuổi dân chủ và ngăn chặn quyền tự do của Hồng Kông bị đe dọa. Sau mỗi phong trào xã hội, sẽ có nhiều tổ chức và hội nhóm hơn ra đời. Tuy nhiên, sau phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ, Bắc Kinh đã sử dụng Luật An ninh Quốc gia để thực hiện một cuộc thanh trừng chính trị triệt để và có hệ thống đối với xã hội dân sự Hồng Kông, biến Hồng Kông thành xã hội một chỉ có một tiếng nói.

Dùng sự lãnh đạo của đảng để thay thế xã hội dân sự

Ông Lưu Tế Lương (Simon Lau), một nhà bình luận thời sự Hồng Kông và là cựu cố vấn cho Nhóm Chính sách Trung ương của Chính phủ Hồng Kông, đã chỉ ra rằng xã hội dân sự là một phần quan trọng của hệ thống hiến chính dân chủ phương Tây. Hồng Kông cũng là một xã hội dân sự. Mục tiêu của ĐCSTQ là làm tan rã toàn diện toàn bộ hệ thống xã hội dân sự của Hồng Kông, khiến tất cả các tổ chức, đoàn thể phi chính phủ tự phát biến mất, thay vào đó là sự lãnh đạo từ trên xuống của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hồng Kông từng là một xã hội dân sự, thể hiện ở chỗ người Hồng Kông có thể tự do tạo và đăng ký các nhóm, tổ chức và cơ quan khác nhau, chẳng hạn như các nhóm tín ngưỡng, tổ chức cộng đồng, đoàn thể từ thiện, hiệp hội nghề nghiệp, phòng thương mại và công đoàn. Các tổ chức phi chính phủ này có thể tập hợp các lực lượng xã hội. Lên tiếng thay cho các nhóm bị áp bức và tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành, biểu tình và các hoạt động khác một cách thường xuyên. Xã hội dân sự được coi là tiêu chí để đánh giá một xã hội có dân chủ và cởi mở hay không.

Tuy nhiên, xã hội dân sự không được ĐCSTQ dung thứ. Vào tháng 4/2013, “Thông báo về tình hình hiện nay trong lĩnh vực ý thức hình thái” do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ phát hành đã nêu rõ “những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực ý thức hình thái hiện nay” và đề xuất 7 nguy cơ lớn, đòi hỏi phải cảnh giác và trừ bỏ gốc rễ, một trong số đó là “tuyên dương xã hội dân sự”, cho rằng nó “âm mưu làm tan rã nền tảng xã hội dưới sự chấp chính của đảng”.

Ông Lưu Tế Lương chỉ ra rằng ở Đại Lục, bộ máy cầm quyền của đảng trực tiếp điều hành đất nước, trong khi các tổ chức xã hội dân sự không bị những người nắm quyền kiểm soát, đồng thời có thể cân bằng quyền lực của các nhà độc tài. Do đó, các nhà độc tài căm ghét các tổ chức và xã hội dân sự và các tổ chức do quần chúng thành lập một cách tự phát, vì những tổ chức này có sẵn “sức mạnh tập thể”, “hơn nữa ‘sức mạnh tập thể’ này có thể phản kháng lại sự thống trị của nhà độc tài”, nó có sẵn “năng lực động viên và tổ chức”, có thể chống lại nhà cầm quyền. ĐCSTQ muốn đánh tan các tổ chức xã hội dân sự này ở Hồng Kông, nếu người dân Hồng Kông trở thành một cá nhân đơn lẻ và bị đàn áp, thì “không còn có một công đoàn chuyên nghiệp nào có thể bảo vệ họ” và đối kháng lại chính phủ, cuối cùng hình thành cục diện chính phủ độc tài.

Luật An ninh Quốc gia đi ngược với xã hội dân sự

Ông Chung Kiếm Hoa, Phó giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Dân ý Hồng Kông, cho biết Luật An ninh Quốc gia là một cuộc truy tố chính trị hóa nhằm đàn áp quyền tự do ngôn luận cũng như quyền hội họp và lập hội của xã hội dân sự, hoàn toàn khác với văn hóa xã hội dân sự được thành lập ở Hồng Kông trong một thời gian dài, tạo thành làn sóng giải tán xã hội dân sự. 

Ông Chung Kiếm Hoa cũng chỉ ra rằng việc Bắc Kinh thực thi Luật An ninh Quốc gia nhằm “trừ cỏ trừ tận gốc” xã hội dân sự của Hồng Kông, nhằm loại bỏ những tiếng nói chống chính phủ, điều này đã khiến cho yêu cầu dân chủ và cải cách xã hội mất đi một nền tảng để lên tiếng. Ông cho rằng nó không hữu ích trong việc giải quyết các mâu thuẫn xã hội và sự bất mãn của xã hội và sẽ khiến cho rất nhiều mâu thuẫn xã hội và tình cảm bất mãn xã hội khó có thể được biểu đạt. Tương lai có thể xảy ra các sự kiện xã hội mà chính quyền không lường trước được.

Lý Hoài Quất, Vision Times

Xem thêm: