Tết Nguyên đán đang đến gần, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành ở Trung Quốc Đại Lục, các vùng nông thôn đã trở thành các khu vực có khả năng bùng phát làn sóng dịch bệnh mới khi mọi người đổ về quê ăn tết.

An Huy
Bệnh viện ở tỉnh An Huy Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình AP)

Nông thôn Trung Quốc đối mặt với khả năng bùng phát dịch bệnh

Bà Tiêu Nhã Huy (Jiao Yahui), Vụ trưởng Vụ Quản lý hành chính Y tế thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gần đây đã cảnh báo về tình hình dịch bệnh ở các vùng nông thôn, nói rằng điều đáng lo ngại nhất là sau 3 năm, mọi người cuối cùng cũng có thể về nhà đón Tết, thăm người thân, lượng lớn người ở thành phố đổ về nông thôn, “nên chúng tôi càng lo về tình hình dịch bệnh ở nông thôn hơn”.

Tổng hợp báo cáo của các kênh truyền thông đưa tin, nhiều nơi ở Trung Quốc Đại Lục đã tiến hành điều tra dịch bệnh ở nông thôn để tìm hiểu tình hình tỷ lệ nhiễm virus corona mới, nhiều nơi đã tiến hành các cuộc điều tra hộ gia đình ngoại tuyến. Theo một tài liệu do CDC huyện Huệ An (Huian), thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến ban hành vào ngày 13/1. Theo đó, nhằm nắm bắt nhanh tình hình lây nhiễm của cư dân trong khu vực kể từ tháng 12/2022 và phán đoán một cách khoa học về tình hình dịch bệnh, vào sáng ngày 12/1, huyện Huệ An đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác điều tra tình hình nhiễm virus corona mới.

Ngày 9/1, tờ New York Times đưa tin, Trung Quốc bắt đầu đợt Xuân Vận kéo dài 40 ngày bắt đầu từ ngày 7 tháng này. Hàng triệu người lao động đi tàu hỏa, xe đường dài rời các thành phố công nghiệp, công trường xây dựng và thành phố để về quê đón tết. Các khu vực nông thôn mỏng manh đang chuẩn bị đón đợt lây nhiễm tấn công. Chỉ vài tuần trước, bệnh viện ở các thành phố giàu như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đã bị tê liệt do dịch bệnh bùng phát, do đó các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nông thôn cũng được dự đoán sẽ bị quá tải.

New York Times chỉ ra, mặc dù thiếu dữ liệu đáng tin cậy của Chính phủ Trung Quốc, nhưng có những dấu hiệu cho thấy virus đã lây lan tự do ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở những tỉnh miền trung như Hà Nam, nơi có nơi có số lượng lớn lao động nhập cư trở về quê.

Ông Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong), nghiên cứu viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho biết: “Khi mọi người di chuyển, chúng ta có thể thấy số ca bệnh ở nông thôn tăng đột biến, nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nông thôn không được trang bị để đáp ứng nhu cầu điều trị gia tăng nhanh chóng.”

Ông chỉ ra rằng “nhiều vấn đề tồn tại ở các vùng nông thôn của Trung Quốc đều là những vấn đề cơ bản của cải cách y tế của Trung Quốc và không thể được giải quyết trong một khoảng thời gian ngắn”. Các biện pháp của Quốc vụ viện không hiệu quả trong việc giảm thiểu đáng kể tác hại của sự lây lan truyền virus một cách tràn lan ở nông thôn.

Tỷ lệ tử vong ở Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam tăng 1,72 so với năm ngoái

Theo tin tức, Ban chỉ huy công tác Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh viêm phổi virus corona mới của thành phố Cát Thủ (Jishou), tỉnh Hồ Nam đã tổ chức và thực hiện một cuộc điều tra kỹ lưỡng về tình hình lây nhiễm ở các vùng nông thôn. Nhóm điều tra lần lượt đi đến 15 ngôi làng ở 5 hương trấn, để tiến hành điều tra và khảo sát bằng cách điền trực tiếp vào bảng câu hỏi.

Trong đó, CDC thành phố Kỳ Dương của tỉnh Hồ Nam đã ban hành một văn bản vào ngày 13/1, nói rằng đã tiến hành một cuộc điều tra về tỷ lệ nhiễm virus corona mới trong thành phố vào ngày 5 – 6 tháng 1/2023.

Theo trang tin The Paper tại Trung Quốc đưa tin, thành phố Kỳ Dương là cấp quận với dân số 1,05 triệu người, ngày 13/1 CDC thành phố Kỳ Dương cho biết để nắm bắt tình hình lây nhiễm trong thành phố, đã tiến hành điều tra lấy mẫu về tỷ lệ mắc bệnh vào ngày 5 và 6. Họ chọn ra 30 làng trong 560 làng trên toàn thành phố, mỗi làng khảo sát 10 hộ gia đình, tổng số 1198 người được khảo sát để hiểu về tình trạng lây nhiễm, phát bệnh và điều trị y tế từ ngày 10/12/2022 đến ngày 5/1/2023; và số người tử vong liên quan đến dịch bệnh từ ngày 5/12/2022 đến ngày 5/1 năm nay.

Theo thống kê khảo sát, từ ngày 10/12/2022 đến ngày 5/1 năm nay, có tổng cộng 58.276 bệnh nhân ngoại trú đến khám tại các bệnh viện ở thành phố Kỳ Dương. Trong đó có 29.889 bệnh nhân sốt và ho, chiếm tỷ lệ 51,28%, thời kỳ cao điểm phát bệnh là từ ngày 19 – 24/12. Kết quả cho thấy 939 trong số 1.198 cư dân được khảo sát đã nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm bệnh là 78,38%.

Đồng thời, tổng cộng 79 người chết ở thành phố Kỳ Dương từ ngày 5/12/2022 đến ngày 5/1 năm nay, tăng 172,41% so với 29 người cùng kỳ năm ngoái. Trong số 79 người chết có 42 người chết do sốt và ho, chiếm 53,16%.

Ngoài thành phố Kỳ Dương, thành phố Cát Thủ của tỉnh Hồ Nam cũng đã tiến hành công việc điều tra ở các vùng nông thôn. Nhóm điều tra đã đến 15 ngôi làng ở 5 hương trấn. CDC huyện Huệ An, tỉnh Phúc Kiến, đã tiến hành điều tra dịch bệnh tại thị trấn Loa Thành (Luocheng), thị trấn Sùng Vũ (Chongwu) và thị trấn Đồ Trại (Tuzhai) từ ngày 12 – 15/1. Mỗi thị trấn đều tiến hành khảo sát 800 người và tổng cộng 2.400 người đã được khảo sát.

Tiêu chuẩn y tế giữa thành thị và nông thôn ở Trung Quốc Đại Lục có một khoảng cách rất lớn, 500 triệu người sống ở nông thôn vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn mọi thứ, từ máy thở oxy đến thuốc hạ sốt, và các cơ sở y tế nông thôn còn thiếu nhân viên. Số liệu của Chính phủ cho thấy có 1,3 triệu bác sĩ và 1,8 triệu y tá ở vùng nông thôn Trung Quốc.

Một nông dân họ Cát nói: “Bác sĩ nông thôn chỉ là công việc phụ. Bác sĩ cũng phải làm nông nghiệp.” Không thể mong đợi bác sĩ nông thôn điều trị các bệnh nặng, nhưng họ thường là nhà cung cấp thuốc duy nhất tại địa phương.