1/7 là ngày kỷ niệm Hồng Kông bàn giao chủ quyền về Trung Quốc Đại Lục. Hàng năm, cứ gần đến ngày này, cờ 5 sao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cờ Hồng Kông cùng được treo ở nhiều nơi để chào mừng. Tuy nhiên, cờ 5 sao của ĐCSTQ thường bị bôi bẩn, hoặc bị gỡ bỏ, hành vi được cho là do thể chế này không được người dân Hồng Kông tôn trọng.

id13770236 744cf551fcb5ad63707c0d3b7185067e 600x400 1
Tối 26/6, tại tòa nhà Lam Shek (Lam Thạch), làng Ping Shek (Bình Thạch), Hồng Kông, Ủy ban Tương trợ phụ trách treo cờ đã cử người đi thu cờ vì lo chúng sẽ bị phá hỏng. (Ảnh: Trần Khải / Epoch Times)

Ngày 26/6, cảnh sát Hồng Kông lần lượt nhận được tin báo vào sáng sớm rằng các lá cờ 5 sao đã bị bôi bẩn hoặc tháo dỡ tại các tòa nhà Lam Shek (Lam Thạch) và Kam Shek (Kim Thạch) thuộc làng Ping Shek (Bình Thạch) và tòa nhà Sheung Fu (Thường Phú), Sheung Shing (Thường Thịnh), Cheung Hing (Thường Hưng) thuộc làng Thượng Ngau Tau Kok.

Ước tính có khoảng 20 lá cờ được đề cập đến. Trong số đó, 12 lá cờ 5 sao bị bôi bẩn trong Tòa nhà Lam Shek (Lam Thạch), 1 lá cờ 5 sao bị nghi ngờ đã bị dỡ bỏ; và 1 lá cờ 5 sao bị nghi ngờ đã bị dỡ khỏi Tòa nhà Kam Shek (Kim Thạch).

Tại làng Thượng Ngau Tau Kok, 3 lá cờ 5 sao và 8 lá cờ Hồng Kông trong tòa nhà Sheung Fu (Thường Phú) bị nghi ngờ đã được dỡ bỏ; 1 lá cờ 5 sao ở tòa nhà Sheung Shing (Thường Thịnh) bị bôi đen; 1 lá cờ 5 sao khác đã bị đánh bật trong Tòa nhà Cheung Hing (Thường Hưng).

Cảnh sát Hồng Kông hiện đang phân loại vụ việc là “xúc phạm quốc kỳ” “trộm cắp”, đồng thời giao cho đội thứ 3 thuộc Đội điều tra hình sự quận Sau Mau Ping (Tú Mậu Bình) theo dõi, hiện vẫn chưa có ai bị bắt giữ.

Tối ngày 26/6, phóng viên của Epoch Times đã đến tòa nhà Lam Shek (Lam Thạch), làng Ping Shek (Bình Thạch), để quan sát và phát hiện có người đang thu cờ trên giếng trời của mỗi tầng.

Được biết, Ủy ban Tương trợ chịu trách nhiệm treo cờ lo lắng rằng những lá cờ có thể bị phá hỏng một lần nữa, vì vậy họ đã cử người đến thu cờ tới tận 11:00 đêm hôm đó.

Được biết, hoạt động treo cờ được thực hiện bởi Hiệp hội East Teochew Kowloon do phe Kiến Chế (thân ĐCSTQ) Hồng Kông phụ trách. Trước những thắc mắc của giới truyền thông, Hiệp hội này cho biết khoảng 11.500 lá cờ 5 sao và cờ Hồng Kông sẽ được treo trong năm nay.

Ngày 1/10 năm ngoái, khoảng 20 lá cờ 5 sao do Hiệp hội treo 2 bên đường ở làng Wang Tau Hom, Hồng Kông đã bị đốt cháy, phá hỏng và ném xuống đất. Tháng Năm năm nay, 2 người đàn ông có liên quan, mỗi người bị kết án 2 tháng tù giam và bị yêu cầu bồi thường.

Học giả Chung Kiếm Hoa: Những thứ áp đặt sẽ không được tôn trọng

Ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), cựu Phó giáo sư tại khoa Khoa học Xã hội Ứng dụng thuộc Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, rằng chỉ khi chính phủ và thể chế xã hội được người dân tôn trọng một cách chân thành, thì cờ và bài hát của họ mới được mọi người tôn trọng.

“Nhưng bây giờ không như vậy. Thông qua luật pháp, họ luôn nói rằng bạn xúc phạm quốc kỳ. Điều này không chỉ không thể hiệu triệu được người dân, mà còn tạo ra sự phản cảm lớn hơn.” Ông nói rằng trong vài năm qua, Hồng Kông cũng vậy, vừa treo cờ 5 sao hay hát “Quốc ca” thì ngay lập tức sẽ bị la ó.

Ông cảm thấy rằng dẫu cắm cả biển cờ cũng không thể khiến người Hồng Kông tôn trọng lá cờ 5 sao của ĐCSTQ hơn, cũng như chính phủ và đất nước mà nó tượng trưng, “tất cả những thứ đó đều bị áp đặt lên người dân Hồng Kông mà thôi.”

Hiện tại, cờ đang được treo khắp nơi ở Hồng Kông, điều mà ông Chung Kiếm Hoa cho là khá thô tục và phản cảm. “Khắp nơi đều treo cờ, gây trở ngại cho người khác và ảnh hưởng đến tầm nhìn của họ. Có người không thích, bạn có hỏi ý kiến của họ hay chưa? Nên tự nhiên sẽ có người phản ứng”, vậy nên chắc chắn sẽ có người phá hoại hoặc gỡ bỏ chúng.

“Liệu có giống như ở Thế vận hội Bắc Kinh, nơi nào cũng thấy cảnh sát ở các tầng giám sát. Nếu không, sẽ phải ngăn chặn hiệu quả việc công dân thể hiện sự thiếu tôn trọng và giận dữ đối với quốc kỳ này như thế nào?”

Điều khó coi nhất là việc thu lại cờ 5 sao sau sự kiện trên: “Việc lá cờ đã được thu gom trước khi hết hạn sử dụng không phải là một dấu hiệu tốt.”

Học giả Hoàng Vĩ Quốc: Công dân có quyền bày tỏ sự không hài lòng theo cách riêng của họ

Ông Hoàng Vĩ Quốc (Benson Wong Wai-Kwok), cựu trợ lý giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Baptist, Hồng Kông nói với Epoch Times, rằng những lá cờ này được treo ở nơi công cộng thì nên được sự đồng ý của người dân, không nên treo chúng bừa bãi dưới danh nghĩa “lòng yêu nước” hoặc “Ngày 1/7”, nhằm phá hoại hoặc quấy rối môi trường sống của người khác.

Về việc “xúc phạm quốc kỳ”, ông Hoàng nói rằng các nhóm thân ĐCSTQ cũng từng có những ghi chép như vậy. Ông kể lại rằng những người tham gia đã vứt bỏ lá cờ 5 sao ở khắp mọi nơi sau sự kiện và ném chúng vào thùng rác. Liệu những người dân thân thiện với chính phủ có thể phá cờ và không chấp hành pháp luật hay không? Điều này cũng cho thấy sự thiếu tôn trọng và phá hoại pháp quyền của chính quyền Đặc khu Hồng Kông.

Các cáo buộc như “xúc phạm quốc kỳ” tương đối hiếm thấy ở các nền dân chủ tự do. Khi được hỏi liệu những lời buộc tội như vậy có hạn chế quyền tự do ngôn luận hay không, ông Hoàng Vĩ Quốc đã hỏi lại: “Tại sao lại không thể xúc phạm quốc kỳ? Cũng giống như việc các nhà lãnh đạo quốc gia cũng có thể bị chỉ trích.”

Hơn nữa, khi một chính phủ làm điều ác, người dân có thể lựa chọn không yêu mến họ. “Nếu chính phủ ở đất nước này tham nhũng và giết hại người dân, thì tất nhiên người dân không có lý do gì để yêu mến những kẻ ngược đãi bạn, thậm chí là muốn giết họ.”

Ông Hoàng tin rằng người dân tuyệt đối có quyền bày tỏ sự không hài lòng của mình, bằng cách phá hủy quốc kỳ theo cách của họ, “thậm chí là biến nó thành đồ lót.”

Ông cũng nói rằng sử dụng một biểu tượng của quốc gia để hạn chế ngôn luận, tư tưởng, thậm chí là quyền tự do ngôn luận của người dân là biện pháp được một số quốc gia độc tài và toàn trị sử dụng.