Trong một tuần, ngoại giao “sói chiến” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tiếp làm nổi ba sóng gió ngoại giao, khiến châu Âu, Philippines và Hàn Quốc tức giận. Nhiều nước đã phải triệu tập đại sứ ĐCSTQ để phản đối. Giới quan sát nhận thấy có điểm chung trong ba vụ việc này là đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Đài Loan.

GettyImages 1252064597
Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Philippines xấu đi, ngày 22/4/2023 Ngoại trưởng Tần Cương (thứ 2 từ phải sang) và Đại sứ tại Philippines Hoàng Khê Liên (thứ 1 từ ​​phải sang) của ĐCSTQ đã gặp Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo tại Manila (Ảnh: Getty Images)

Ba sự cố này lần lượt là: đại sứ ĐCSTQ tại Philippines đe dọa Philippines về vấn đề an toàn của 150.000 người Philippines ở Đài Loan, tranh chấp giữa ĐCSTQ và Hàn Quốc leo thang do vấn đề Đài Loan; phát ngôn chất vấn chủ quyền Ukraine của đại sứ ĐCSTQ tại Pháp.

Đe dọa “kiểu xã hội đen” của đại sứ ĐCSTQ tại Philippines

Philippines gần đây đã công bố 4 căn cứ cho quân đội Mỹ sử dụng, trong đó có căn cứ ở phía bắc nước này gần Đài Loan khiến ĐCSTQ tức giận. Ngày 14/4, Đại sứ Hoàng Khê Liên của ĐCSTQ tại Philippines đã chỉ trích quyết định của Philippines.

Tại sự kiện quan hệ Trung Quốc – Philippines được tổ chức ngày 14/4, ông Hoàng Khê Liên đã đe dọa trần trụi kiểu xã hội đen đối với Philippines. Ông ta nói rằng nếu Philippines thực sự quan tâm đến sự an toàn của 150.000 công nhân ở Đài Loan, thì họ nên có lập trường dứt khoát hơn chống lại nền độc lập của Đài Loan thay vì mở các căn cứ quân sự gần eo biển Đài Loan cho Mỹ, điều đó sẽ chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Phát ngôn đó đã gây phản ứng dữ dội ở Philippines, làm xấu thêm quan hệ Trung Quốc – Philippines vốn đã căng thẳng. Người phát ngôn Jonathan Malaya của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines cho biết trong một tuyên bố rằng: Philippines kịch liệt phản đối đe dọa.

Thượng nghị sĩ Hontiveros của Philippines Risa đặt câu hỏi: “Sao ông ấy (Hoàng Khê Liên) dám đe dọa chúng tôi?” Bà nhấn mạnh: “Số phận của người dân Philippines không nằm trong tay chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Bà cũng bày tỏ ủng hộ quyền tự quyết của người Đài Loan: “Người Philippines chúng tôi tôn trọng quyền tự quyết của người dân Đài Loan, quyền này phải được tất cả các nước trên hành tinh này bảo vệ, kể cả chế độ độc tài của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Thượng nghị sĩ Hontiveros thúc giục Phủ Tổng thống thông báo cho Bắc Kinh triệu hồi ông Hoàng Khê Liên về nước. Bà Hontiveros nói: “Nếu ông ấy không thể giao tiếp với chúng tôi một cách tôn trọng và trang nghiêm, thì ông ấy không đủ tiêu chuẩn để trở thành một nhà ngoại giao. Ông ta cùng với các tàu và các đảo nhân tạo của Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Tây Philippines nên cùng rời đi”.

Đảng đối lập Akbayan ở Philippines ra tuyên bố nói rằng, phát ngôn của ông Hoàng Khê Liên đe dọa an toàn cho 150.000 công nhân Philippines tại Đài Loan “là tuyên bố của kẻ bắt giữ con tin”. Philippines là nước độc lập có chủ quyền, không kẻ nào có quyền ra lệnh cho Philippines.

So với người tiền nhiệm Duterte, Tổng thống Marcos Jr. đã thẳng thắn hơn về vấn đề Trung Quốc. Vào tháng 2 năm nay, ông Marcos Jr. nói “thật khó tưởng tượng” Philippines có thể đứng ngoài cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan.

Quan hệ Trung Quốc – Philippines ngày càng trở nên căng thẳng trong 2 năm qua. Hãng thông tấn AP cho biết, kể từ năm ngoái Philippines đã hơn 200 lần gửi phản đối ngoại giao tới ĐCSTQ, trong đó có ít nhất 77 phản đối kể từ khi ông Marcos Jr. nhậm chức vào tháng 6. Hầu hết các khiếu nại liên quan đến hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả vụ việc vào tháng 2 dùng tia laser cấp độ quân sự nhắm vào một tàu Cảnh sát biển Philippines.

Ông Marcos Jr. sẽ thăm Mỹ ngày 1/5 và gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Vào thứ Hai (24/4), ông Marcos Jr. cho biết, do căng thẳng gia tăng trong khu vực, trong chuyến thăm Mỹ ông sẽ thúc giục Tổng thống Mỹ Biden làm rõ mức độ mà Mỹ có thể bảo vệ cho Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ (MDT).

Mỹ trước đây đã tuyên bố rằng nếu quân đội, tàu và máy bay của Philippines bị tấn công thì Mỹ sẽ bảo vệ Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ Mỹ – Philippines.

Quan hệ với Hàn Quốc tồi tệ hơn

Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Philippines đang xấu đi leo thang do phát ngôn của ông đại sứ Hoàng Khê Liên, thì một đồng minh hiệp ước khác của Mỹ là Hàn Quốc cũng rơi vào tranh chấp ngoại giao với ĐCSTQ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 19/4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết căng thẳng gia tăng ở Đài Loan là do ĐCSTQ sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế kiên quyết phản đối kiểu thay đổi đó. Ông cũng nói rằng vấn đề Đài Loan không chỉ là vấn đề giữa ĐCSTQ và Đài Loan, mà là vấn đề toàn cầu giống như vấn đề Triều Tiên.

Ngày 20/4, người phát ngôn Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã công kích Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, nói rằng việc giải quyết “vấn đề Đài Loan là việc riêng của người dân Trung Quốc và không ai khác có quyền xen vào”. Hàn Quốc ngay lập tức triệu tập đại sứ ĐCSTQ để phản đối “hành vi thất lễ ngoại giao” đó.

Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ĐCSTQ là Tôn Vệ Đông đã gửi công hàm phản đối tới đặc phái viên Hàn Quốc tại Trung Quốc về nhận xét của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, nói rằng vấn đề Bán đảo Triều Tiên và vấn đề Đài Loan hoàn toàn khác nhau về bản chất cùng vĩ độ và kinh độ, không thể so sánh được.

Ngày hôm sau (24/4), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên đường thăm Mỹ nhằm nâng cấp liên minh Hàn-Mỹ. Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba (25/4) rằng Tổng thống Biden sẽ công bố việc mở rộng quan hệ đối tác quân sự, an ninh và kinh tế giữa Mỹ và Hàn Quốc nhằm làm nổi bật hơn nữa bề rộng và chiều sâu của liên minh.

Embed from Getty Images

Ngày 24/4/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đến thăm Mỹ và hội kiến Tổng thống Biden (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chỉ trích người tiền nhiệm Moon Jae-in vì các chính sách thân ĐCSTQ, đồng thời ông Yoon Suk-yeol đã tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.

Nói với The China Project, Chủ biên Jada Fraser của Tạp chí Georgetown Về vấn đề châu Á (ông tập trung quan tâm an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương), cho hay Hàn Quốc dưới thời chính quyền ông Moon Jae-in đã cố gắng duy trì mối quan hệ bình đẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong khi lạnh nhạt với Nhật Bản. Ông Yoon Suk-yeol đã hồi sinh quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản và hợp tác an ninh ba bên giữa Hàn Quốc – Mỹ – Nhật Bản vượt quá mong đợi.

Ông Fraser nói rằng phương châm ngoại giao của ông Yoon Suk-yeol cũng nêu cao tinh thần tự do dân chủ,  “Ông Yoon Suk-yeol có thể cho rằng việc lên tiếng bảo vệ Đài Loan là một phần trong mục tiêu của ông ấy là đưa Hàn Quốc lên vũ đài quốc tế”.

Ông Lư Sa Dã đặt câu hỏi về chủ quyền của 14 nước

Khi xung đột giữa ĐCSTQ với Philippines và Hàn Quốc vẫn chưa lắng xuống, thì ngày 21/4 ông đại sứ Lư Sa Dã của ĐCSTQ tại Pháp lại một lần nữa gây ồn ào cho hoạt động ngoại giao của ĐCSTQ. Trả lời phỏng vấn truyền thông Pháp, ông Lư Sa Dã bày tỏ nghi ngờ về tính hợp pháp của 14 nước thuộc Liên Xô cũ – phát ngôn ngay lập tức gây “sóng thần dư luận”.

Trong suốt cuối tuần đó, phát ngôn của ông đại sứ Lư Sa Dã gây cơn giận tại châu Âu, theo đó nhiều nước đã triệu tập đại diện của ĐCSTQ và yêu cầu làm rõ quan điểm của họ. Khoảng 80 nghị sĩ châu Âu đã cùng nhau ký tên thỉnh nguyện kêu gọi trục xuất Lư Sa Dã khỏi nước Pháp.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai (24/4), phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ ngoại giao ĐCSTQ đã cố gắng xoa dịu sự tức giận của các nước. Bà nói rằng Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của các nước cộng hòa sau khi Liên Xô tan rã.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có công nhận Ukraine là nước có chủ quyền hay không, bà Mao Ninh nói rằng Ukraine là thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc, chỉ nước có chủ quyền mới có thể trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc.

Tờ The China Project cho rằng, điều đáng chú ý là phản ứng của bà Mao Ninh đối với khả năng ĐCSTQ tấn công vào Đài Loan. Đài Loan không phải là thành viên của Liên Hợp Quốc nhưng Đài Loan có chủ quyền và chưa bao giờ bị ĐCSTQ cai trị.

Ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) của Đài Loan nói với The China Project rằng: Việc phủ nhận chủ quyền của Đài Loan là “xúc phạm” người Đài Loan.

Ông Ngô Chiêu Nhiếp cũng nói rằng những nhận xét của ông Lư Sa Dã cho thấy ĐCSTQ phớt lờ hiện trạng và luật pháp quốc tế, cho dù đó là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay ở châu Âu.

“Điều đáng mừng cho Đài Loan là với việc châu Âu thức tỉnh trước những nhận xét của đại sứ Trung Quốc, người châu Âu giờ đã hiểu những vấn đề mà ĐCSTQ đặt ra, giờ đây họ có thể hiểu rõ hơn về tình hình của Đài Loan”, ông Ngô nói, “Chúng tôi hy vọng thấu hiểu mới này sẽ thúc đẩy hơn hỗ trợ chung của châu Âu đối với Đài Loan, đồng thời dẫn dắt các nền dân chủ đoàn kết chống lại xu thế bành trướng của chủ nghĩa độc đoán”.

Nghị sĩ Dovilė Sakaliene người Litva nói với The China Project rằng, “Tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Pháp là thể hiện nối tiếp quan điểm của chính phủ Trung Quốc phủ nhận luật pháp và hiệp ước quốc tế, là cổ xúy cai trị bằng bạo quyền. Litva ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa chính trị thế giới trở lại đầu thế kỷ 20”.

Phát ngôn phong cách ngoại giao “sói chiến” của quan chức ĐCSTQ chất vấn không thỏa đáng về vấn đề chủ quyền đó đã nâng cao cảnh giác của EU trước cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU là Josep Borrell cho biết nhận xét của ông đại sứ Lư Sa Dã là “không thể chấp nhận được”. Ông Borrell cũng đăng một bài báo trên tờ Journal du Dimanche của Pháp, nêu rõ châu Âu phải hết sức chú ý đến vấn đề Đài Loan và nên cử tàu chiến tuần tra eo biển Đài Loan để đảm bảo nguyên trạng hòa bình trong khu vực.

Chia sẻ với The China Project qua email, ông Dương Hàm (Han Yang) từng là nhà ngoại giao ĐCSTQ tại Sydney từ năm 1998 – 2001 (hiện đang sống ở Úc) nói rằng, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu ở Bắc Kinh bày tỏ sự thông cảm với Nga và không thích Ukraine, quan hệ Trung Quốc – Nga ngày càng gần gũi hơn đang khiến tình hình nguy hiểm luẩn quẩn. Ông cho rằng thái độ ấm lên của các nước thuộc Liên Xô cũ này đối với Đài Loan một phần là do nhìn thấy vấn đề liên minh Trung – Nga.

Sự cố ngoại giao “sói chiến” sẽ có tác động gì?

Tờ The China Project cho rằng tạm thời chưa biết tác động của những sự kiện này đối với nền ngoại giao của ĐCSTQ, nhưng có điều có vẻ rõ ràng: Đài Loan đang trở thành hòn đá thử để kiểm tra lập trường của các nước trong cuộc tranh luận giữa dân chủ và chuyên chế. Với việc Đài Loan và Mỹ chuẩn bị bầu cử tổng thống mới vào năm tới, xu hướng này khó có thể sớm giảm bớt.

Theo thông tin, xét từ phản ứng của thế giới bên ngoài, phát ngôn sói chiến của các nhà ngoại giao ĐCSTQ có thể đã khiến thái độ của châu Âu, Hàn Quốc và Philippines trở nên cứng rắn hơn. Mức độ ảnh hưởng của những xáo trộn ngoại giao này vẫn còn phải xem xét, nhưng từ kinh nghiệm trong quá khứ đánh giá cho thấy có khả năng tác động đáng kể đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới dân chủ.

Một ví dụ là sự kiện ở Litva. Do Litva cho phép Đài Loan thành lập văn phòng đại diện tại nước này dưới tên “Đài Loan” nên bị ĐCSTQ gây áp lực về kinh tế. Biện pháp cưỡng chế bao gồm không cho thông quan hàng hóa của Litva vào Trung Quốc, từ chối các đơn nhập khẩu của Litva, gây áp lực lên các công ty EU yêu cầu hàng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc không chứa các thành phần của Litva. Do đó mà EU đã kiện ĐCSTQ tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Vụ việc cũng khiến EU hồi tháng 3 nhất trí một văn bản chung về các công cụ chống thủ đoạn cưỡng ép nhằm giúp khối chống lại trò áp lực kinh tế từ nước thứ ba. Nếu cuối cùng văn bản này được thông qua sẽ cho phép EU gây áp lực lên ĐCSTQ, theo đó các nước thành viên EU có thể thực hiện biện pháp ứng phó mang tính tập thể, chẳng hạn như tăng thuế nhập khẩu và hạn chế thương mại…