Những cảnh bi thảm đã xuất hiện ở Thượng Hải khi bệnh nhân cao tuổi bị nhân viên các bệnh viện quá tải từ chối dịch vụ y tế, trong bối cảnh thành phố lớn nhất Trung Quốc đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch khắc nghiệt.

Đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, chính quyền Thượng Hải đã áp lệnh phong tỏa lên thành phố 26 triệu dân, với hi vọng gấp rút ngăn chặn mọi chuỗi lây nhiễm. Trung tâm tài chính của Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch chia đôi thành phố để tiến hành phong tỏa trong 2 giai đoạn. Nửa phía Đông phong tỏa từ thứ 2 đến thứ 6, sau đó đến nửa phía Tây. Trong khi một nửa sẽ đi vào xét nghiệm COVID hàng loạt, nửa kia được hoạt động tương đối “bình thường”.

Tính đến ngày 26 tháng 3, 36 bệnh viện ở Thượng Hải đã được chỉ định là nơi điều trị đặc biệt cho các bệnh nhân nhiễm dịch.

Để giảm nhẹ gánh nặng lên hệ thống bệnh viện, chính quyền đã trưng dụng Trung tâm Hội chợ Triển lãm và nhiều cơ sở khác để cách ly những người nhiễm bệnh “triệu chứng nhẹ”.

Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, tại một trong những bệnh viện tạm này, người dân giận dữ khi không hề nhận được chăm sóc, xét nghiệm, khử trùng, hay thậm chí là nước trong nhà vệ sinh… và mọi người đang lây nhiễm chéo cho nhau rất nhanh.

Trong khi đó, những bệnh nhân cao tuổi mắc các loại bệnh khác đang gặp phải nguy hiểm sau khi bị nhân viên các bệnh viện quá tải từ chối điều trị, và những nỗ lực tự sát đã xảy ra trong cộng đồng địa phương. Thông tin này đã được những người trong cuộc xác nhận với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, Hoa Kỳ.

Một cư dân ở Phố Đông, họ Đổng, có cha là bệnh nhân thận phải lọc máu – một biện pháp y tế để làm sạch máu – ba lần một tuần, đã phải tìm kiếm sự trợ giúp trên mạng xã hội Trung Quốc.

“Ba tôi đã không chạy thận nhân tạo bốn ngày qua và bây giờ bàn chân của ông đã bị phù nề. Kali cao trong máu cũng sẽ làm tổn thương tim và tính mạng của (bố tôi) có thể gặp nguy hiểm, ”ông Đổng nói với Epoch Times vào ngày 28 tháng 3.

“Mọi yêu cầu của tôi đều không nhận được phản hồi, nhưng tôi không thể nhìn cha tôi nằm chờ chết ở nhà”, ông Đổng nói. Bài đăng hôm thứ Hai của ông đã thu hút nhiều phản ứng dữ dội. Ông Đổng sau đó đã đăng tải một thông tin cập nhật, cho biết bố của ông tạm thời được lên lịch chạy thận vào ngày 29 tháng Ba.

Theo ông Đổng, mặc dù lọc máu là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với bệnh nhiễm trùng niệu, nhưng hiện chỉ có một bệnh viện ở quận Phố Đông tiếp nhận bệnh nhân.

Ông Đổng nói: “Có thể có hàng trăm hoặc hàng nghìn bệnh nhân chạy thận nhân tạo trên khắp Phố Đông”, và lo ngại cuộc khủng hoảng này sẽ giết chết nhiều hơn những người chết vì dịch bệnh bùng phát.

Cư dân tự tử

Trong khi đó, những hạn chế nghiêm trọng về việc đi lại và chạy chữa đã khiến một người dân lớn tuổi nhảy khỏi tòa nhà căn hộ của mình ở quận Mẫn Hàng, Thượng Hải, một video được lan truyền trên mạng cho thấy.

Cô Lâm (hóa danh), một cư dân Thượng Hải sống cùng khu phố, xác nhận vào ngày 28 tháng 3 với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, rằng người đàn ông đã qua đời sau khi nhảy lầu, khoảng 70 tuổi.

“Tôi nghe nói rằng đó là do sức khỏe của ông ấy kém, có thể bị ung thư và đau đớn quá,” cô Lâm nói, khi cơ quan hữu trách địa phương bị cáo buộc về việc từ chối cho người đàn ông được tiếp cận điều trị y tế.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, gọi đây là tin đồn. The Epoch Times nhiều lần gọi điện cho chính quyền địa phương nhưng các cuộc gọi đều không được hồi âm.

Một cư dân khác ở Phố Đông, ông Vương nói với Đại Kỷ Nguyên vào ngày 27 tháng 3 rằng, các nhà chức trách đã treo tài khoản mạng xã hội của ông sau khi ông phàn nàn về cường độ xét nghiệm COVID dày đặc.

“Người ta đã thực hiện rất nhiều lần các cuộc xét nghiệm axit nucleic lặp đi lặp lại. [Các nhà chức trách] nên suy nghĩ về những gì đang xảy ra và tìm ra nguyên nhân. Nhưng khi tôi nói điều đó trên mạng, họ đã treo tài khoản của tôi”, ông Vương nói.

Thượng Hải tiếp tục báo cáo kỷ lục 4.477 ca nhiễm COVID-19 mới vào ngày 28 tháng 3, chiếm khoảng 2/3 tổng số ca được báo cáo trên toàn Trung Quốc.

Phong Vân (t/h)