Hôm 1/7 vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập với nhiều sự kiện diễn ra. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khiến cho những người bất đồng chính kiến tại nước ngoài cảm thấy lo lắng về sự an toàn của thân nhân hiện đang ở Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, những người bất đồng chính kiến ​​và các nhóm thiểu số bị đàn áp ở Trung Quốc thường hay phải gặp những vị khách không mời (có thể là cảnh sát hoặc nhân viên an ninh) vào một số khoảng thời gian nhạy cảm hàng năm, thường là các ngày lễ quốc gia hoặc những ngày quan trọng đối với ĐCSTQ, chẳng hạn như hôm 1/7 vừa qua.

Năm nay, nhiều người Trung Quốc bất đồng chính kiến tại nước ngoài và thành viên của các nhóm thiểu số bị đàn áp lại cảm thấy bất an hơn về tình hình gia đình của họ ở nước nhà vào thời điểm ĐCSTQ tập trung tổ chức các sự kiện xung quanh lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, trong đó ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh việc “khắc cốt ghi tâm về sứ mệnh và ý định ban đầu của ĐCSTQ”.

Cha mẹ bị ĐCSTQ bắt giữ

Yao Yulanda, 36 tuổi, là một phụ nữ sống ở San Jose, California, nói với tờ The Epoch Times rằng cha mẹ lớn tuổi của cô gần đây đã bị cảnh sát giam giữ trong căn hộ của họ ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam, thuộc miền trung của Trung Quốc.

“Cha mẹ tôi đều tu luyện Pháp Luân Công”, Yao, cũng là một học viên Pháp Luân Công, cho biết.

Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa, gồm 5 bài công pháp (trong đó có bài thiền định) và các học viên chiểu theo nguyên lý Chân, Thiện, Nhận để hành xử trong cuộc sống hàng ngày của họ. ĐCSTQ đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999.

My trung phat quan chuc DCSTQ vi buc hai Phap Luan Cong 1
Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) đang luyện bài công pháp thứ 5. (Ảnh: Dai Bing/Epoch Times)

Yao cho biết một số cảnh sát đã gõ cửa căn hộ của cha mẹ cô vào ngày 20/6 mà không có lệnh khám xét. Khi cha mẹ cô không chịu mở cửa, các cảnh sát đã gọi chủ căn hộ và buộc người này yêu cầu cha mẹ của Yao mở cửa.

Dù đã cố gắng phá khóa cửa nhưng cảnh sát vẫn không thể vào được nhà. Rốt cuộc, họ đã phải ở bên ngoài cả ngày trước khi rời đi.

Yao cho biết cha mẹ cô vẫn không an toàn khi rời khỏi căn hộ vì cảnh sát đã nói với cha mẹ Yao rằng họ sẽ trở lại mỗi ngày trong khoảng ngày 1/7. Cha mẹ của cô đã phải gọi cho người thân để nhờ họ chuyển giúp hàng hóa.

Cha mẹ của Yao là Yao Guofu và Lian Xin, đã bị bắt vào tháng 12/2015 sau khi chính quyền phát hiện thấy tài liệu trong nhà của họ, trong đó tiết lộ sự thật về cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với môn tu luyện Pháp Luân Công. Họ bị kết án tù 4,5 năm và được thả vào tháng 6/2020.

Yao cho biết các nhân viên an ninh trong cộng đồng nơi cha mẹ cô sinh sống đã đến vài lần trước ngày 20/6 và sách nhiễu bằng cách chụp ảnh bên trong căn hộ của họ mà không được phép và yêu cầu cha mẹ cô tham gia các lớp “cải tạo”.

Yao cũng nói với tờ The Epoch Times rằng cô đã bị đưa vào trại lao động trong 1,5 năm chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Cô được thả vào tháng 6/2013 và đến Mỹ 5 tháng sau đó để tìm kiếm sự tự do.

ĐCSTQ
Vào tháng 7/1999, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân bắt đầu chiến dịch đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Công, đã bắt và kết án số lượng lớn học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: Minghui.org)

Cha mẹ trốn thoát khỏi Trung Quốc nhưng bị mất lương hưu

Zheng Yun là một nhà hoạt động vì dân chủ của Trung Quốc tại Bắc California. Cô cũng nói với tờ The Epoch Times rằng mình không muốn liên lạc với người thân ở Trung Quốc trong những khoảng thời gian nhạy cảm như những ngày xung quanh thời điểm 1/7.

“Tôi không liên lạc với người thân của mình ở Trung Quốc [vào khoảng ngày 1/7] vì sự an toàn của chính họ”, Zheng nói.

Zheng là một nhà hoạt động dân chủ ở Trung Quốc trước khi cô trốn thoát sang Mỹ vào năm 2016. Chính quyền Trung Quốc đã dàn xếp một cuộc đàn áp quy mô lớn đối với các nhà hoạt động nhân quyền vào ngày 9/7/2015, bắt giữ hàng trăm luật sư nhân quyền và chuyên gia pháp lý trên khắp đất nước. Nhiều người trong số họ sau đó đã bị kết án tù vào năm 2016 và 2017. Zheng và chồng đã trốn sang Mỹ theo diện tị nạn chính trị.

Zheng hiện là chủ tịch chi nhánh Bắc California của Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ (The Federation for a Democratic China), nhóm chính trị có trụ sở tại Canada ủng hộ việc dân chủ hóa Trung Quốc thông qua phản đối ĐCSTQ. Cô cũng là thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Giáo dục Dân chủ Trung Quốc (Chinese Democracy Education Foundation), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại San Francisco, trong đó thúc đẩy sự thịnh vượng và tiến bộ của xã hội Trung Quốc dựa trên dân chủ, tự do và nhân quyền.

Sự tham gia tích cực của Zheng vào phong trào dân chủ của Trung Quốc ở Mỹ đã thu hút sự chú ý từ bộ phận an ninh nhà nước Trung Quốc. Cơ quan này đã liên hệ với nhà máy quốc doanh nơi cô đã làm việc trước khi rời Trung Quốc và thông báo rộng rãi rằng không ai được liên lạc với cô. Họ cũng tung tin đồn rằng Zheng và chồng cô đã trở thành người vô gia cư ở Mỹ.

Cha mẹ lớn tuổi của Zheng đã nghỉ hưu sau khi làm việc tại một nhà máy quốc doanh ở Trung Quốc. Lo lắng cho tình hình của Zheng, họ đã đến thăm cô vào năm 2019. Người thân của Zheng nói với cô rằng chính quyền địa phương đã khám xét nhà của cha mẹ cô sau khi họ rời Trung Quốc. Người nhà và những người bạn thân của cô đã nhiều lần bị cảnh sát sách nhiễu.

Tại Mỹ, Zheng và cha mẹ cô nhận được điện thoại từ cơ quan cảnh sát ở Trung Quốc. Họ đe dọa cha mẹ của Zheng, ép 2 người phải quay trở lại Trung Quốc, nhưng Zheng đã thuyết phục cha mẹ cô ở lại vì sự an toàn của chính họ. Các nhà chức trách Trung Quốc sau đó đã ngăn không cho cha mẹ của Zheng nhận khoản lương hưu của họ.

Vào cuối năm 2020, những người bạn của Zheng ở Trung Quốc nói với cô ấy rằng chính quyền cảnh sát địa phương đang lan truyền một tin đồn khác: Zheng không thể sống sót ở Mỹ, đã trở về Trung Quốc và bị bắt, tống vào tù ở Thượng Hải.

Zheng cũng nói rằng nhiều người Trung Quốc tại nước ngoài ủng hộ phong trào dân chủ của nước nhà đã dần dần không còn hoạt động nữa vì gia đình hoặc người thân của họ ở Trung Quốc bị ĐCSTQ đe dọa hoặc sách nhiễu.

Hy vọng được đến thăm phần mộ của mẹ

Cheng Kai đã nghỉ hưu vào năm 2020 sau khi làm việc tại Đài Á Châu Tự do (RFA) với tư cách là một phóng viên trong hơn 2 thập kỷ. Là một người bất đồng chính kiến ​​đã trốn thoát khỏi Trung Quốc vào năm 1990, ước mơ lớn nhất của Cheng Kai là một ngày nào đó có thể quay trở lại Trung Quốc và đặt những bó hoa lên phần mộ của mẹ ông. Cheng đã không thể trở về Trung Quốc kể từ khi trốn sang Mỹ.

Khi biết tin mẹ mình ốm nặng vào mùa thu năm 2017, Cheng đã nộp đơn xin cấp thị thực tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco với hy vọng có thể về nước nhà để thăm mẹ. Tuy nhiên, lãnh sự quán đã từ chối cấp visa cho ông. Mẹ của Cheng qua đời vào tháng 1/2018 và ông đã không thể đến thăm bà trước khi bà qua đời.

Cheng một lần nữa nộp đơn xin cấp thị thực với hy vọng được dự đám tang của mẹ. Để thuyết phục lãnh sự quán cho mình quay về Trung Quốc, ông đã nộp đơn đến lãnh sự với lời hứa bằng văn bản rằng: Ông sẽ không làm bất cứ điều gì khác ở Trung Quốc ngoài việc tham dự tang lễ. Kết quả là, đơn của ông lại bị từ chối.

Trong phong trào dân chủ của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Cheng là tổng biên tập của Nhật báo Hải Nam (Hainan Daily), tờ báo thuộc tỉnh Hải Nam của nhà nước Trung Quốc.

Cheng là một người ủng hộ mạnh mẽ cho phong trào dân chủ. Ông công khai ủng hộ phong trào bằng cách đăng một bức ảnh trên trang nhất, trong đó các sinh viên và Zhao Zhiyang đứng cùng nhau tại Quảng trường Thiên An Môn. Zhao là tổng thư ký của ĐCSTQ, người ủng hộ cải việc cách chính trị trong ĐCSTQ. Zhao sau đó mất vị trí lãnh đạo và bị quản thúc tại gia cho đến cuối đời.

Cheng đã bị loại khỏi vị trí tổng biên tập sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và lãnh đạo ĐCSTQ lúc đó là Giang Trạch Dân đã ra lệnh trực tiếp điều tra Cheng. Ông đã phải bí mật rời Trung Quốc với sự giúp đỡ từ những người ủng hộ phong trào dân chủ khác.

Cheng nói với tờ The Epoch Times rằng mẹ của ông đã không ngừng ủng hộ mình. Bà đã khóc trên giường bệnh vì nhớ người con trai cả.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: