Ngày 23/5/2021 vừa qua, tờ The Epoch Times đã đăng tải một trích đoạn hồi ức của nữ nghệ sĩ Bắc Kinh Hứa Na (Xu Na) sau khi bà một lần nữa bị truy tố vào hôm 2/4/2021 chỉ vì đăng tải các bài viết và hình ảnh online phơi bày sự nghiêm trọng của dịch COVID-19 tại Trung Quốc vào năm 2020. Bà Hứa cùng chồng là ông Vu Trụ (Yu Zhou) là hai nghệ sĩ có danh tiếng tại Trung Quốc Đại Lục, đều từng bị giam giữ vì tập Pháp Luân Công. Bà Hứa đã trải qua nhiều hình thức tra tấn trong 2 lần bị bắt giam vào năm 2001 và 2008, và sau khi được thả, bà đã viết lại một số hồi ức về những quãng thời gian này.

Nữ nghệ sĩ Bắc Kinh bị tra tấn trong tù: "Tôi thà bị giam bởi phát-xít"
Bà Hứa Na. (Ảnh: Epoch Times)

Bà Hứa cùng chồng bắt đầu tập Pháp Luân Công từ năm 1995. Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra vào năm 1999, bà Hứa đã bị bắt giữ vào năm 2001 vì cung cấp chỗ ở cho người tập Pháp Luân Công tới Bắc Kinh thỉnh nguyện. Bà bị đưa vào nhà tù nữ Bắc Kinh, bị biệt giam, cấm ngủ, cấm tắm, cấm thăm nuôi. Bà bị giam giữ trong 5 năm.

Ngày 26/1/2008, bà Hứa và chồng bị cảnh sát bắt trong khi trở về nhà từ một buổi hòa nhạc. Nhà chức trách tuyên bố rằng ông Vu đã chạy xe quá tốc độ và tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trên xe. 11 ngày sau đó, ông Vu qua đời ở tuổi 42 với lý do tuyệt thực và bị tiểu đường. Tuy nhiên gia đình ông cho biết ông không bị tiểu đường, và họ đã không được phép thấy di thể của ông.

Trường hợp của ông Vu được cho là nằm trong chiến dịch đàn áp nhân quyền trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, và đã được các kênh truyền thông phương Tây như New York Times và Associated Press cùng các tổ chức nhân quyền như Amnesty International và Freedom House đưa tin rộng rãi. Ông Vu cũng được nhắc tới trong báo cáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ năm 2009.

Nữ nghệ sĩ Bắc Kinh bị tra tấn trong tù: "Tôi thà bị giam bởi phát-xít"
Ông Vu (trái) trong ban nhạc. (Ảnh: Epoch Times)

Bà Hứa không được phép dự lễ tang chồng, và sau đó tiếp tục bị tuyên 3 năm tù vào ngày 25/11/2008 và bị chuyển tới trung tâm giam giữ thành phố Bắc Kinh.

Hồi tưởng lại quãng thời gian trong tù, bà Hứa viết:

“Tôi đã ước mình bị giam trong trại tập trung Auschwitz [của phát-xít] chứ không phải nhà tù của Trung Quốc. Bởi vì trong phòng hơi ngạt của Đức Quốc xã, người ta có thể chết nhanh chóng, nhưng ở nhà tù nữ Bắc Kinh, sống còn tệ hơn là chết. Hết lần này đến lần khác, người ta phải trải qua và chịu đựng những buổi tra tấn…

Nhiều hình thức tra tấn khác nhau đã được họ nghĩ ra, chẳng hạn như cái gọi là ‘chẻ đôi’, nghĩa là kéo hai chân ra góc 180 độ, rồi ra lệnh cho ba tù nhân ngồi lên chân và lưng nạn nhân, ấn xuống liên tục. Cảnh sát tự hào về phát minh này: ‘Phương pháp này tốt vì nó tạo ra đau đớn không thể chịu đựng được, nhưng nó không làm gãy xương [vì vậy mọi người khó biết họ đã bị tra tấn].’

Mục đích của phát-xít là hủy hoại thân thể của người Do Thái, nhưng mục đích cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc là hủy hoại tinh thần và lương tâm của người dân.

Những người nghĩ rằng họ được tự do ở Trung Quốc không biết rằng họ đã bị cướp đi linh hồn và đang sống trong một nhà tù vô hình. Nó tồn tại bởi vì người ta đồng ý để nó tồn tại và nó sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng làm thế nào nó có thể tồn tại mãi mãi nếu nó phạm tội ác tày trời?”

Trong quá trình bị giam giữ, bà Hứa cũng chứng kiến cái chết của một nữ bác sĩ 29 tuổi tên là Đổng Thúy Phương. Bà Đổng đã bị tra tấn đến chết trong phòng giam bên cạnh phòng giam bà Hứa vào ngày 18/3/2003. Bà Hứa đã nhìn thấy nhân viên nhà tù mang xác bà Đổng đi vài giờ sau đó. Sau khi bà Hứa tiết lộ ra ngoài cái chết của bà Đổng, bà đã bị trừng phạt và bị biệt giam.

Những người bạn của bà Hứa và chồng là người tập Pháp Luân Công đã bị chết trong tù bao gồm: ông Bành Mẫn cùng mẹ là bà Lí Oánh Tú; ông Hoàng Hùng; bà Thẩm Kiếm Lợi; và bà Lí Lệ.

Một người bạn khác của bà Hứa là ông Tôn Nghị cũng là một trường hợp được nhiều người biết đến. Những cố gắng của ông Tôn Nghị trong khi bị giam giữ vì tập luyện Pháp Luân Công đã làm tiền đề để tạo nên nhiều bước ngoặt trong việc gây sức ép lớn lên hệ thống trại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc. (Xem bài: Bức thư cầu cứu vượt đại dương và dũng khí làm điều tử tế)

Sau khi bà Hứa một lần nữa bị tuyên án vào tháng 4/2021, luật sư nhân quyền Lương Tiểu Quân đã tới thăm bà Hứa tại trung tâm giam giữ Đông Thành. Ông Lương đã kể lại lời của bà Hứa như sau:

“Tôi đã chịu đựng 11 kiểu tra tấn và sống sót ra khỏi nhà tù. Trong 22 năm qua, bao nhiêu người vợ đã phải xa chồng và bao nhiêu gia đình tan nát. Và bao nhiêu người đã bị tra tấn, bị thương hoặc bị đánh thành tàn tật. [Tất cả những đau khổ đó] chỉ đơn giản là vì chúng tôi sở hữu một cuốn sách [dạy Pháp Luân Công], một đĩa DVD [dạy Pháp Luân Công], một phần mềm để vượt qua kiểm duyệt internet ở Trung Quốc, hoặc có danh sách những người đã bị tra tấn đến chết vì đức tin của họ. Đây là loại chính phủ nào? Nó sợ điều gì vậy?”

Bà Hứa cũng chia sẻ, “Tôi không thể im lặng để bảo vệ lợi ích của chính mình. Bất cứ ai trong xã hội cũng cần lên tiếng về những điều bất công dù chúng không liên quan đến họ. Đây là trách nhiệm cơ bản để trở thành một người tử tế. Nếu tôi đồng lõa với một chính phủ như vậy thì tôi không phải là một người tử tế.”

Nói về cái chết của chồng, bà Hứa viết: “Anh ấy không muốn chết, nhưng anh ấy đã chuẩn bị để chứng minh sự trong sạch của mình dù có phải đánh đổi mạng sống.”

Ba Xu Na bi bat 01
Bà Hứa Na. (Ảnh: Minghui.org)

Được biết trong khi đại dịch COVID-19 lan rộng vào năm 2020, bà Hứa Na cùng 10 người khác đã đăng tải các bài viết và hình ảnh online phơi bày sự nghiêm trọng của dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Tháng 7/2020, bà Hứa Na bị bắt giữ, và trong một thời gian dài sau đó, thông tin về nơi giam giữ của bà Hứa cùng những người khác đã không được tiết lộ.

Trường hợp của bà Hứa sau đó đã bị chuyển tới cơ quan tố tụng, tuy nhiên thẩm phán đã 2 lần từ chối xử bà cùng 10 người bị giam giữ với nguyên nhân thiếu chứng cứ. Trong phiên xử thứ 3 diễn ra tại Đông Thành, Bắc Kinh, thẩm phán mới đã tuyên bố từ chối cho phép các luật sư của 11 người được phép xem hồ sơ pháp lý của thân chủ và không cho phép các luật sư được phép sao chép hay chụp lại hồ sơ.

Mặc dù gặp phải sự phản đối của các luật sư vì tuyên bố trái pháp luật, phiên xử vẫn tiếp tục. Ngày 2/4/2021, bà Hứa cùng 10 người khác đã bị truy tố vì tội danh “phá hoại việc thực thi pháp luật”.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: