Trong Lễ kỷ niệm  100 năm thành lập của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đưa ra vô số thông điệp chính trị tới thế giới, nhưng chủ yếu là hướng tới người dân Trung Quốc. Nói chung, đây là một bài phát biểu cứng rắn về 4 khía cạnh. ĐCSTQ đã xâu chuỗi chúng với nhau và “long trọng tuyên bố với thế giới.”

Tập Cận Bình 100 năm DCSTQ
Ông Tập Cận Bình tại Quảng trường Thiên An Môn hôm 1/7 (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video của SCMP)

Nói một cách đơn giản, ĐCSTQ đang “đứng lên”, “(xã hội chủ nghĩa) cứu Trung Quốc”, “cải cách, mở cửa”, “trở nên hùng mạnh”. Nhưng thế giới bên ngoài lại hiểu rằng vẻ “cứng rắn” đó là sự “hung bạo”, “bá quyền” và “cố chấp”.

Ông Tập Cận Bình thể hiện rằng ĐCSTQ sẽ không nghe theo sự chỉ dẫn “hồ đồ” của các quốc gia, phớt lờ sự đàn áp của các thế lực thù địch, không quan tâm đến sự thuyết phục hay trừng phạt của quốc tế. Rằng nội bộ đảng ĐCSTQ luôn nhất quán, tuân theo ý thức hệ và quy tắc thống trị áp lực cao của mình – đảng kiểm soát tất cả. Họ sẽ tạo ra một thế giới “công bằng”“đối đầu” với Hoa Kỳ, tranh giành vị trí thống trị và ĐCSTQ sẽ chiến đấu đến cùng.

Ông Tập Cận Bình nói: “Nhân dân Trung Quốc chưa bao giờ bắt nạt, áp bức hay nô dịch người dân các nước khác. Trước đây không có, bây giờ không có, và trong tương lai sẽ không bao giờ như vậy. Đồng thời, nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực ngoại bang nào uy hiếp, đàn áp, nô dịch chúng ta. Ai vọng tưởng làm như vậy chắc chắn sẽ phải đổ máu trước Vạn Lý Trường Thành bằng xương bằng thịt của hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc!”

Đây là một thuật ngữ điển hình đề cao chủ nghĩa dân tộc, nhưng lại phi thực tế. ĐCSTQ bắt cóc 1,4 tỷ dân làm hậu thuẫn cho mình, nhưng chính quyền này lại không phải do dân bầu ra. Nếu nói rằng ĐCSTQ đại diện cho 90 triệu đảng viên thì còn hợp lý. Nhưng hễ có chuyện lại lôi “nhân dân” ra trợ uy, lẽ nào ĐCSTQ không thấy xấu hổ hay sao?

“Người dân” Trung Quốc không bắt nạt người khác, nhưng ĐCSTQ thì có. Năm 1957, sau khi Malaysia giành độc lập, Đảng Cộng sản Malaysia bắt đầu nhận viện trợ của ĐCSTQ, tăng cường nỗ lực chống lại Chính phủ Malaysia. ĐCSTQ đã không ngừng xuất khẩu cách mạng và viện trợ cho các đảng cộng sản nước ngoài cho đến năm 1980.

Gần đây một bộ phim có tên “Tịch vụ hoa viên” (Vườn sương mù buổi tối – The Garden of Evening Mists) đã phác họa bối cảnh tàn bạo trong cuộc nổi loạn của Đảng Cộng sản Malaysia.

Từ những năm 1960 đến 1979, việc xuất khẩu và hướng dẫn ý thức hệ mang tính cách mạng của ĐCSTQ sang Mỹ Latinh, cũng gây ra tình trạng bạo loạn lâu dài trong khu vực. Các tiểu thuyết điện ảnh và truyền hình được sản xuất trong giai đoạn lịch sử này thậm chí nhiều không kể xiết. Tuyên bố của ông Tập Cận Bình kỳ thực không thể chịu nổi kiểm nghiệm.

Hơn nữa, ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng bắt nạt, đàn áp và nô dịch người dân của mình. Ngay từ những năm đầu, Mao Trạch Đông đã lãnh đạo cách mạng, đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến.

Khi còn là một nhóm nổi dậy ly khai tại địa phương, ĐCSTQ đã vận động các phong trào chính trị, nhắm vào các đồng chí của mình trong nội bộ đảng. Ví như phong trào chỉnh phong Diên An, đánh nhóm AB (Liên đoàn chống Bolshevik – Anti-Bolshevik League), và đàn áp quân phản cách mạng.

Kể từ khi ĐCSTQ thành lập, các cuộc vận động chính trị luôn được phát động. Ví như trấn áp quân phản cách mạng, tam phản ngũ phản, Trăm hoa đua nở, chống cực hữu, Đại nhảy vọt, Thanh trừng bè lũ bốn bên, cho đến thảm họa Cách mạng Văn hóa đẫm máu.

Chỉ nói riêng về Cách mạng Văn hóa, cùng thời điểm với bài phát biểu của ông Tập Cận Bình vào ngày 1/7, phiên bản mới nhất của cuốn “Lịch sử Đảng” của ĐCSTQ cũng được phát hành. Thế giới bên ngoài đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng 10 năm hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc không còn được liệt kê thành một chương riêng biệt. Nó được đưa vào phần “Khám phá và sự phát triển gập ghềnh trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, nhằm cố tình xóa nhòa những tội ác kinh hoàng của Cách mạng Văn hóa và những động cơ sai lầm của Mao Trạch Đông khi phát động cuộc cách mạng này. Đồng thời tập trung vào các thành tựu kinh tế, khoa học, công nghệ quốc phòng, và ngoại giao trong Cách mạng Văn hóa.

Ông Tập Cận Bình không chỉ chiếm hầu hết các chương trong phiên bản mới của “Lịch sử Đảng”, mà còn tập trung vào việc định hình và củng cố quyền lực cá nhân. Đồng thời lặng lẽ xóa sổ những “thảm họa” “sai lầm” mà ĐCSTQ từng thừa nhận trước đây. ĐCSTQ âm thầm tô son trát phấn, ngụy trang cho tội ác của mình, thẳng tay xóa bỏ những món nợ lịch sử.

Điều này cho thấy đầy đủ rằng dưới sự lãnh đạo của ông Tập, ĐCSTQ không thể đối diện với những bài học lịch sử. Thậm chí họ còn sa chân vào con đường tà đạo sùng bái cá nhân và duy ngã độc tôn của chủ nghĩa Mao, nô dịch, áp bức nhân dân cả nước. ĐCSTQ hoàn toàn không có khả năng phản tỉnh và sửa sai. Bản chất đáng sợ này là bằng chứng thực tế cho thấy cộng đồng quốc tế phải “bao vây Trung Quốc”.

Theo ông Tập Cận Bình, người dân Trung Quốc thực sự là “Bức tường thép” dùng để nâng đỡ ông ấy và sự vận hành quyền lực của ĐCSTQ, đồng thời khiến người ngoài phải “đổ máu”. Nhưng ai là người đưa ra nhận định này và ai là người quyết định chúng? ĐCSTQ đã bao giờ hỏi “người dân” rằng họ có muốn trở thành “bức tường thép” đó hay không? Chính phủ nước này còn có ý định bắt người Trung Quốc làm nô lệ sao?

Mục đích của việc tạo ra kẻ thù bên ngoài là để củng cố việc thực thi quyền lực bên trong. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Hồng Kông đã bị “cách mạng hóa”, từ việc thay đổi chế độ bầu cử sang việc tùy tiện áp dụng Luật An ninh Quốc gia đàn áp người dân Hồng Kông. Đặc điểm lớn nhất là ĐCSTQ không bao giờ lắng nghe và tham khảo ý kiến ​​của người dân Hồng Kông. Mục tiêu chính của họ là tăng cường sự kiểm soát của ĐCSTQ và không khoan nhượng trước mọi sự thách thức.

Thủ đoạn này rõ ràng là ĐCSTQ đang “bắt nạt, áp bức và nô dịch” người dân, bất chấp việc phải trả giá và bất chấp danh tiếng. ĐCSTQ, người chỉ trích hành vi này, lại đang thực hiện chúng một cách tàn nhẫn với chính người dân của mình.

Trại cải tạo Tân Cương thậm chí còn là một biện pháp diệt chủng gây náo động quốc tế. Kể từ năm 2014, ĐCSTQ đã bắt đầu xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương, dành cho các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh (Cáp Tát Khắc), với danh nghĩa “Trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề”. Các trung tâm này được xây dựng theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do ông Tập Cận Bình lãnh đạo, với lý do lo ngại về các cuộc tấn công khủng bố.

Người Duy Ngô Nhĩ và những người khác hễ bị tình nghi, họ sẽ buộc phải bị giam giữ. Trong thời gian đó việc đối xử vô nhân đạo như ngược đãi và tẩy não liên tiếp được báo cáo.

Ông Tập Cận Bình đã thông qua các biện pháp nghiêm khắc, nhằm tăng cường sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với Hồng Kông và Tân Cương. Ông Tập cũng vô cùng tức giận trước các lệnh trừng phạt liên quan đến hành vi này. Đồng thời, ông Tập cũng nói rằng: “Đảng đại diện cho lợi ích của người dân và lợi ích quốc gia. Vì vậy không ai được phép tách rời đảng và quốc gia dân tộc. Đây là một tập thể thống nhất.”

Chủ nghĩa đế quốc đã qua đi! Trong thế kỷ 21, không có quốc gia nào trên thế giới còn khả năng đàn áp và kiềm chế Trung Quốc. Sau khi Tổng thống Joe Biden của Mỹ lên nắm quyền, ông đã nhanh chóng liên kết các đồng minh phương Tây lại với nhau. Sự gia nhập toàn cầu này về cơ bản chính là cục diện tranh bá giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Điều cốt lõi là phương Tây đang đấu tranh quyết liệt với bản chất của chế độ Cộng sản Trung Quốc và với khả năng chính phủ nước này tấn công người dân của mình.

Ông Tập Cận Bình có thể nói những lời cứng rắn, nhưng không thể che giấu tình hình khó khăn với những mối lo từ bên trong và cả bên ngoài. Vẻ bề ngoài có vẻ quyền lực ấy được xây dựng trên sự cai trị, đàn áp. Vậy nên, chế độ này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ông Tập đã đề cao chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, chuyển hướng sự bất mãn trong nội bộ sang tình cảm dân tộc hướng ra bên ngoài, nhằm tạo dựng sự đoàn kết không thể phá vỡ của đảng. Điều này cũng nhằm dụng ý mở đường cho ông Tập tiếp tục nắm quyền vào năm tới tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.

(Bài viết do “Up Media” ủy quyền độc quyền cho Vision Times, vui lòng không tùy tiện chuyển tải hoặc sao chép. Xem link gốc tại đây)

Lệnh Hồ Đài, Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: