Hôm thứ Hai (1/10), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước phát triển làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu. Tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới – ngoại trừ ông Tập – đang tập trung tại Glasgow để tham dự hội nghị của Liên Hợp Quốc nhằm tìm cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu (COP26).

Embed from Getty Images

Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi tới hội nghị thượng đỉnh COP26, ông Tập cũng kêu gọi các nước tập trung vào “các hành động cụ thể”, đặt ra “các mục tiêu và tầm nhìn thực tế”, đồng thời khai thác các đổi mới trong khoa học và công nghệ để “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh”.

“Các nước phát triển không chỉ nên tự làm nhiều hơn mà còn phải hỗ trợ để giúp các nước đang phát triển làm tốt hơn,” ông Tập nói và nhắc lại thông điệp mà ông đã gửi tới các nhà lãnh đạo G20 hôm thứ Bảy.

Ông Tập không tiết lộ bất kỳ cam kết khí hậu mới nào của Trung Quốc trong tuyên bố ngắn gọn của mình, nhưng nói rằng chính phủ của ông sẽ đưa ra các kế hoạch thực hiện cụ thể trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, công nghiệp, xây dựng và giao thông. Ông nói, những kế hoạch đó sẽ được thực hiện cùng với các chính sách hỗ trợ, bao gồm thuế và các ưu đãi tài chính.

Tuyên bố của ông Tập được đưa ra khi Washington chỉ trích Bắc Kinh vì không xuất hiện tại hội nghị của các nhà lãnh đạo COP26 và mô tả nước này là một “ngoại lai” về liên kết toàn cầu trong mục tiêu hạn chế Trái đất nóng lên 1,5 độ.

Gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn tại của con người”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết trong bài phát biểu tại COP26 rằng Mỹ sẽ đạt mục tiêu cắt giảm hơn một nửa lượng khí thải vào năm 2030.

“Chúng tôi sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng Hoa Kỳ không chỉ trở lại mà còn, hy vọng rằng, sẽ là tấm gương dẫn đầu,” ông Biden nói. “Đó là lý do tại sao chính quyền của tôi đang làm việc thêm giờ để chứng tỏ rằng cam kết về khí hậu của chúng tôi là hành động chứ không chỉ là lời nói”.

Những bình luận trên đưa ra khi kế hoạch 555 tỷ đô la Mỹ chi tiêu cho khí hậu của ông Biden vẫn còn lâu mới được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. 

Ông Biden cũng nói rằng các nền kinh tế lớn trên thế giới phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, đồng thời cảnh báo: “Chúng ta đang thụt lùi. Không còn thời gian để ngả lưng, ngồi trên hàng rào hay tranh luận giữa chúng ta nữa.”

Nhà Trắng cho biết, một phần của nỗ lực chống biến đổi khí hậu là chính quyền Mỹ đặt mục tiêu bắt tay vào một chương trình mới cung cấp tài chính lên tới 3 tỷ USD hàng năm để giúp các quốc gia đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặc dù không tham gia hội nghị thượng đỉnh COP26 trực tiếp hoặc thông qua liên kết video, ông Tập, người đã không rời Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, được liệt kê trong lịch trình chính thức với tư cách là một trong những diễn giả tại hội nghị. Trong tuyên bố của mình, ông Tập cho biết ông “rất vui khi được tham dự”.

Những vị lãnh đạo vắng mặt đáng chú ý khác ngoài ông Tập bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa.

Phát biểu với các phóng viên tại Rome vào Chủ nhật, ông Biden bày tỏ sự thất vọng rằng Nga và Trung Quốc “không thực hiện bất kỳ cam kết nào để đối phó với biến đổi khí hậu”.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã đặt câu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Uông nói: “Tôi muốn chỉ ra rằng… các nước phát triển phải gánh vác trách nhiệm lịch sử không thể bào chữa về việc thải ra khí nhà kính trong quá trình công nghiệp hóa của họ trong 200 năm qua.”

Ông chỉ trích người Mỹ “đã tạo ra lượng khí thải nhiều hơn 8 lần so với người Trung Quốc.”

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, diễn ra trong hai tuần cho đến ngày 12/11, được coi là “cơ hội cuối cùng” của thế giới để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và tránh thiệt hại thảm khốc.

Hội nghị khí hậu Glasgow diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của Nhóm G20 ở Ý. Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đưa ra một cam kết thỏa hiệp vào Chủ nhật về việc đạt được mức độ trung lập các-bon “trước hoặc khoảng giữa thế kỷ”.

Trong thông cáo cuối cùng, các nhà lãnh đạo của G20 lần đầu tiên cam kết ngừng tài trợ quốc tế để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới ở nước ngoài.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng tái khẳng định cam kết huy động chung 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 và hàng năm đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: