Trong một cuộc họp báo gần đây, Ngoại trưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Vương Nghị đã tuyên bố cần trao quyền cai trị Hồng Kông cho những người yêu nước, điều này không chỉ vì thúc đẩy “một quốc gia, hai chế độ” mà còn là trách nhiệm và quyền lực được Hiến pháp giao phó cho Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội). Ông Vương cũng tuyên bố, thời kỳ thuộc địa, Hồng Kông không có dân chủ, từ khi trả về đến nay, không có bên nào quan tâm đến phát triển dân chủ Hồng Kông hơn chính quyền trung ương. Thực tế Hồng Kông vào thời kỳ thuộc địa có ảm đạm phi dân chủ như ông Vương nói?

W020210102326575530639
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Nguồn: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Dân chủ là phương tiện, đạo đức chính trị là kết quả

Trước hết hãy bàn về dân chủ là gì? Nói một cách dễ hiểu, dân chủ có nghĩa là nhân dân là người làm chủ đất nước, có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia và thảo luận về chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau, ý dân sẽ được chính quyền nghe và làm theo, nếu không thì chính quyền dân cử sẽ bị người dân bỏ phiếu phế truất. Cần phải nhấn mạnh kết quả cuối cùng là “có chính quyền liêm chính”, còn dân chủ chỉ là phương tiện để đạt được kết quả cuối cùng đó. Nói cách khác, ngay cả khi không có bầu cử dân chủ, nhưng nếu những người làm việc công vụ là những người có đạo đức chính trị giúp chính quyền liêm chính, khiến các phương diện tự do, nhân quyền và pháp quyền trong xã hội được đảm bảo, để mọi công dân an cư lạc nghiệp, vậy thì cũng không còn vấn đề đòi hỏi dân chủ. Hồng Kông trong thời kỳ thuộc địa là một xã hội như vậy.

Ông Patten (Chris Patten), Thống đốc cuối của Hồng Kông rất thân thiện với mọi người, ông thích ăn bánh trứng và thường đến một cửa hàng bánh ở Khu Central mua; sau năm 1997, thỉnh thoảng ông trở lại tham gia một số hoạt động tại Hồng Kông, những dịp đó thường có nhiều người đến xin chụp ảnh cùng và luôn có những người nhiệt tình mua bánh trứng tặng ông. Những điều này hoàn toàn là tình cảm sâu sắc chân thành được thời gian hun đúc mà thành.

Chris Patten nói về Cộng sản TQ: "Một ngày nào đó chế độ dơ bẩn và nguy hiểm này sẽ bị xóa xổ"
Ông Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông (Nguồn: Roger Harris/ Wikipedia)

Hãy cùng nhìn lại những vị Đặc khu Trưởng của Hồng Kông khi Hồng Kông trả về Trung Quốc, mỗi khi họ xuống đường đều phải cử một lượng lớn cảnh sát tháp tùng bảo vệ. Nhớ thời gian biểu tình chống Dự luật Dẫn độ vào năm 2019, có lần bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tham dự một sự kiện đã cần 4 – 5 cảnh sát tháp tùng; ngoài cửa chính khách sạn nơi bà ta trú lại luôn có vài xe cảnh sát canh gác với ít nhất 10 cảnh sát trấn giữ, có cả cảnh sát mặc thường phục theo dõi; vào đêm hôm bà ta rời khách sạn cũng dưới sự bảo vệ chặt chẽ của cảnh sát. Năm 2020 khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đi kiểm tra một tòa nhà có trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán ở Thanh Y (Tsing Yi) cũng đi cùng đoàn hộ tống với vài xe con màu đen và hàng chục vệ sĩ G4 mặc đồ đen, tình cảnh chỉ khiến công chúng thêm khinh bỉ!

Nhiều người chứng kiến cảnh đó đã bất giác phải nhớ lại ký ức về Thống đốc năm xưa, chia sẻ rằng ông Patten mỗi khi ra phố được người dân tặng bánh trứng cho ăn mà ông không bao giờ phải lo bị đầu độc; trong khi Thống đốc MacLehose (Murray MacLehose) nổi tiếng cao lớn, ông không sợ bị bắn, mỗi khi ra phố đều hòa vào cùng đông đảo người dân. Vì đâu những người nước ngoài hồi đó lại có thể dễ dàng gần gũi với người Hồng Kông, còn bây giờ “người bản địa” như bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lại không thể như vậy?

ĐCSTQ ngăn cản Anh thúc đẩy dân chủ tại Hồng Kông

Như vậy, có thực thời kỳ thuộc địa, Hồng Kông không có dân chủ? Năm 2014 tờ New York Times (Mỹ) trích dẫn một hồ sơ ngoại giao do Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh (National Archives) giải mật, cho thấy trong thế kỷ trước nhiều nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã kịch liệt phản đối việc Anh thúc đẩy thêm dân chủ tại Hồng Kông.

Theo tài liệu giải mật, từ những năm 1950, nhiều Thống đốc Hồng Kông đã tìm cách thúc đẩy bầu cử dân chủ tại Hồng Kông, nhưng họ đã phải chịu áp lực của ĐCSTQ và cuối cùng đã bỏ cuộc. Theo tài liệu, quan chức ĐCSTQ phụ trách vấn đề Hồng Kông là Liêu Thừa Chí (Liao Chengzhi) vào năm 1960 tuyên bố rằng “sẽ không do dự để tích cực hành động giải phóng Hồng Kông, Cửu Long và Tân Giới”, “Trung Quốc không bao giờ công nhận Hồng Kông, Cửu Long và Tân Giới là lãnh thổ của Anh, nhưng Anh tiếp tục cai quản Hồng Kông là có lợi cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc có thể làm ăn với các nước khác thông qua Hồng Kông, để Trung Quốc có được nguyên liệu, vì vậy không cần thiết thu hồi Hồng Kông.” Liêu Thừa Chí nói, “Hy vọng khi thu hồi là một Hồng Kông phát triển tốt, không phải là một mớ hỗn độn”. Có nghĩa là ĐCSTQ muốn lấy lại một Hồng Kông “ngoan ngoãn” chứ không phải một Hồng Kông “dân chủ”.

Một tài liệu giải mật khác của Anh tiết lộ, trước đây ông Thủ tướng ĐCSTQ Chu Ân Lai nói với một sĩ quan quân đội Anh rằng bất kỳ nỗ lực nào của Anh đối với Hồng Kông nhằm thúc đẩy “tự trị” sẽ được coi là “động thái không thân thiện” hoặc “âm mưu”.

Đầu những năm 1980, hai bên Trung Quốc và Anh bắt đầu thảo luận về việc chuyển giao chủ quyền đối với Hồng Kông, sau đó thái độ của Bắc Kinh cũng ngày càng cứng rắn hơn. Ông Patten từng thúc đẩy mở rộng hơn bầu cử dân chủ ở Hồng Kông, tăng thêm số ghế dân bầu trong Hội đồng Lập pháp, động thái này khiến Bắc Kinh khó chịu và bị quan chức ĐCSTQ phụ trách Hồng Kông khi đó là ông Bành Định Khang lên án “là tội nhân thiên cổ của Hồng Kông”.

Nền chính trị dân chủ dần suy thoái từ sau năm 1997

Trước năm 1997, ĐCSTQ đã cam kết sẽ thực hiện chế độ phổ thông đầu phiếu kép đối với Hồng Kông, tức là một người một phiếu bầu cho Đặc khu Trưởng và Hội đồng lập pháp. Nhưng giờ đây sau 23 năm, không chỉ khiến đầu phiếu trở thành ảo tưởng mà toàn bộ phe dân chủ Hồng Kông bị đẩy ra ngoài bộ máy chính trị, vắng bóng trong Hội đồng Lập pháp, gần đây còn cáo buộc tội “âm mưu lật đổ chính quyền” đối với 47 người khiến họ đối mặt với nhiều năm hoặc thậm chí 10 năm tù giam. Có thể nói đến nay các nhà dân chủ hoặc đang ở trong tù hoặc sống lưu vong, trong khi người may mắn sống sót phải im lặng và tuyên bố sẽ không tham gia vào tất cả các hoạt động biểu tình, nếu không sẽ bị quả đấm sắt của ĐCSTQ rơi vào đầu!

Thật mỉa mai về tuyên bố của Vương Nghị rằng “Kể từ khi bàn giao trở lại, không đâu quan tâm đến sự phát triển dân chủ tại Hồng Kông như chính quyền trung ương”, thậm chí có thể xem đó là tuyên bố nhạo báng chưa từng thấy về Hồng Kông trong 180 năm qua!

Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh những người dâng hiến cho tổ quốc là những nhân viên công chức phải “tuân thủ lý luận chính trị căn bản”, điều này cả ở Hồng Kông cũng không ngoại lệ. Nhưng điều đó trái ngược thời Hồng Kông thuộc Anh. Khi đó, công chức ở Hồng Kông không bị buộc phải trung thành với Chính phủ Anh hay Nữ hoàng Anh, trái lại được yêu cầu phải trung lập về chính trị và đối tượng duy nhất cần trung thành khi đó là trung thành với người dân Hồng Kông; nói cách khác là công chức không được có thành kiến về lập trường chính trị ​​đối với những công dân Hồng Kông.

Từ đó có thể hỏi: liệu người Hồng Kông trong thời kỳ thuộc địa có bị bắt buộc phải yêu nước Anh không? Câu trả lời là “không”. Chính phủ Anh đã không đào sâu vào giáo dục người Hồng Kông như vậy, người Hồng Kông có tự do ngôn luận và thông tin, một cá nhân có thể chọn yêu nước Anh hoặc yêu Trung Quốc là tùy họ. Chỉ là những người Hồng Kông yêu nước hồi đó thì bây giờ không thể không thấy thất vọng vì bị cưỡng ép “yêu nước” theo tiêu chuẩn của ĐCSTQ rằng yêu nước có nghĩa là yêu Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, trọng tâm của yêu nước ở đây là yêu Đảng; trong khi quan điểm chung của người dân Hồng Kông lâu nay về lòng yêu nước là yêu người Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa.

Lý Tử Nhâm, Vision Times

Xem thêm: