Các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo nhãn hàng thời trang Thuỵ Điển H&M và các công ty khác rằng “kỷ nguyên bắt nạt” của các cường quốc nước ngoài đã chấm dứt. Động thái trên diễn ra sau tuyên bố của các thương hiệu quốc tế bày tỏ lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức tại Tân Cương. Sự việc cũng đã châm ngòi cho hàng loạt lời kêu gọi tẩy chay của người tiêu dùng tại Trung Quốc.

Xu Guixiang, người phát ngôn của chính phủ Tân Cương, cho biết tại một cuộc họp báo với Bộ Ngoại giao hôm thứ Hai rằng các công ty đa quốc gia nên hiểu rõ việc sử dụng “đòn trừng phạt phô trương” chống Tân Cương sẽ làm tổn thương chính công việc kinh doanh của họ, và kêu gọi các doanh nghiệp không “chính trị hoá các hành vi kinh tế, theo SCMP đưa tin.

“Trung Quốc không còn là Trung Quốc năm 1840, và kỷ nguyên người Trung Quốc chịu đựng sự lãnh đạo của các nước lớn, cũng như việc bắt nạt sẽ không bao giờ trở lại nữa,” ông nói, đề cập đến “thế kỷ sỉ nhục” khi Trung Quốc ký những hiệp ước “bất bình đẳng” với các cường quốc phương Tây. “Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp như H&M sẽ nhận thức sâu sắc hơn và phân biệt được rõ đúng sai.”

Các bình luận đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và hàng loạt quốc gia phương Tây tranh cãi về những biện pháp trừng phạt lẫn nhau liên quan đến lao động cưỡng bức Tân Cương. Bắc Kinh bị cáo buộc về việc giam giữ hơn một triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và thành viên của các nhóm thiểu số khác trong “các trung tâm cải tạo” tại Tân Cương; và sử dụng lao động cưỡng bức tại các nhà máy, nơi sản xuất 1/5 bông thế giới. 

Tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã cấm bông và sản phẩm bông từ Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, một trong những nhà sản xuất lớn nhất khu vực, vì những quan ngại về việc sử dụng lao động Duy Ngô Nhĩ cưỡng bức.

Tân Cương từ lâu đã là một vấn đề chính trị nhạy cảm của Trung Quốc, các nhà ngoại giao và nhà báo nước ngoài không thể tự do đến khu vực xa xôi và bị giám sát chặt chẽ này. Washington đã cáo buộc Bắc Kinh thực hiện cuộc “thảm sát và những tội ác chống loài người” tại Tân Cương, mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp lại rằng đó là “những lời nói dối nhằm bôi nhọ Trung Quốc và phá hoại an ninh và ổn định khu vực.”

Trong cuộc họp báo về vấn đề Tân Cương được tổ chức cùng Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã trích dẫn lời một công nhân dệt Tân Cương có mặt trong buổi họp báo, cho rằng phương Tây không tiến hành điều tra thực địa trước khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Tân Cương, là cố tình “đập vỡ bát cơm của công nhân dệt Tân Cương”.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: