Các quan chức bắt đầu nhận ra rằng, không giống như trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, họ không thể thao túng dư luận trên Twitter. Thay vào đó, tài khoản của họ bị phán xét gắt gao, quan điểm của họ bị phản đối và phần đông những người theo dõi họ là những kẻ chỉ chờ cơ hội để troll (khiêu khích). 

hoa xuan oanh twitter
Twitter của bà Hoa Xuân Oánh (Ảnh chụp màn hình)

Ấn tượng của thế giới bên ngoài với Trung Quốc không mấy tốt đẹp qua việc chính quyền Bắc Kinh xử lý với các sự kiện ở Hồng Kông và Đài Loan, đến Huawei, các trại tập trung ở Tân Cương, hay việc đàn áp tôn giáo. 

Mặc dù Twitter bị cấm ở Trung Quốc Đại lục, nhưng để giao tiếp với thế giới bên ngoài, các quan chức cấp cao, đặc biệt là trong ngành ngoại giao vẫn sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội quen thuộc của thế giới trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh và truyền tải thông điệp của Bắc Kinh đến thế giới tự do.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng ký tài khoản trên Twitter vào cuối năm ngoái (2019) và từ đó đến giờ, lượng người theo dõi bà Hoa đã lên tới 78.200 người. 

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã tham gia Twitter vào tháng 6 năm 2019. Ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) – Đại sứ Trung Quốc tại Anh, cũng đã đăng ký tài khoản trên Twitter vào tháng 10. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mở một tài khoản Twitter trong cùng tháng.

Chế độ ĐCSTQ đang mạo hiểm bên ngoài ‘tường lửa’ để truyền đi những thông điệp ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời phản bác lại các “luận điệu thù địch.” Các phương tiện truyền thông nhà nước cũng đang chi hàng triệu đô la để quảng bá nội dung của họ trên YouTube, Facebook và Twitter.

Tuy vậy, bất chấp nỗ lực của các quan chức Trung Quốc, kết quả họ thu được không mấy khả quan.

Họ đã bắt đầu nhận ra rằng, không giống như MXH ở Trung Quốc như Weibo và WeChat nơi họ có thể kiểm duyệt các bình luận và thao túng dư luận mà không bị ai thách thức, Twitter là một sân chơi khác.

Các bài viết của họ bị phán xét, nhiều quan điểm họ đăng tải đã bị phản đối dữ dội, và tài khoản của họ thu hút nhiều những kẻ troll (khiêu khích) – những người khá phổ biến trong MXH ở các nền dân chủ, nhưng tương đối mới mẻ với các nhà ngoại giao Trung Quốc.

Nếu như ở Trung Quốc, các bài chỉ trích lãnh đạo đất nước có thể dẫn đến án tù, nhưng ở Twitter, những người troll có thể thoải mái bày tỏ quan điểm của họ. Một nhà ngoại giao đã bị gọi là “kẻ phân biệt chủng tộc”, còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hứng chịu nhiều chỉ trích.

Nỗ lực của các nhà ngoại giao Trung Quốc chưa thể mang đến một hình ảnh tích cực hơn về đất nước này đối với thế giới.

Nó đôi khi còn mang lại những sai lầm tai hại. Mới đây, cư dân mạng phát hiện ra tài khoản Twitter của bà Hoa Xuân Oánh đã “thích” một dòng tweet kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức, theo SCMP.

Nỗ lực ngoại giao trên các nền tảng MXH bên ngoài của chính quyền Trung Quốc cũng đã vấp phải sự phê bình trong nước. Trên Weibo, nhiều tài khoản đã chỉ ra sự không công bằng khi người dân không được dùng mà chỉ các quan chức Bộ Ngoại giao được phép. 

Điều này đã nhắc nhở mọi người rằng chính phủ đang kìm hãm quyền tự do ngôn luận và cấm họ không được truy cập vào thông tin không bị kiểm duyệt. 

Xuân Lan 

Xem thêm: