Một bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 3/2 vừa mới được truyền thông nhà nước công bố hôm 15/2, lần đầu cho thấy rằng ông Tập đã chỉ đạo quan chức địa phương đối phó với virus corona chủng mới (COVID-19) ngay từ những ngày đầu chớm dịch. Tuy nhiên, phải tới gần cuối tháng Một, chính quyền Trung Quốc mới tăng cường thông tin cảnh báo về dịch bệnh cho công chúng. 

Embed from Getty Images

Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom hôm 28/1/2020 tại Đại Lễ Đường Nhân dân, Bắc Kinh. 

Việc truyền thông nhà nước Trung Quốc công khai phát biểu hôm 3/2 của ông Tập Cận Bình rõ ràng là nỗ lực nhằm chứng minh giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hành động dứt khoát ngay từ đầu, nhưng điều này cũng làm dấy lên nghi vấn tại sao công chúng không được cảnh báo về dịch COVID-19 sớm hơn.

Trong bài phát biểu mà truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố hôm thứ Bảy (15/2), ông Tập Cận Bình nói ông đã ban hành hướng dẫn chống dịch từ ngày 7/1 và ra lệnh phong tỏa nơi bùng phát dịch bắt đầu từ ngày 23/1.

Vào ngày 22/1, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng nhanh chóng và những thách thức về phòng ngừa và kiểm soát, tôi đã yêu cầu rõ ràng rằng tỉnh Hồ Bắc thực hiện các biện pháp kiểm soát toàn diện và nghiêm ngặt đối với dòng người di chuyển,” ông Tập nói trong một cuộc họp Thường Ủy Bộ chính trị ĐCSTQ hôm 3/2.

Trước khi truyền thông công bố bài phát biểu trên, ông Tập bị chỉ trích đã im lặng trong những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Bài phát biểu này có thể giúp ông Tập chứng minh mình đã chỉ đạo sát sao cấp dưới đối phó với bệnh dịch từ những ngày đầu.

Tuy nhiên, việc công bố bài phát biểu đó cũng chỉ ra rằng lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ biết về mức độ nghiêm trọng tiềm tàng của dịch COVID-19 nhiều tuần trước khi thông tin cảnh báo công chúng. Cho tới cuối tháng Một, giới chức Trung Quốc mới loan báo virus corona chủng mới bùng phát từ Vũ Hán có thể lây nhiễm từ người sang người và bắt đầu gia tăng cảnh báo người dân phòng dịch.

Theo hãng tin AP, nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) nói rằng hiện chưa rõ lý do tại sao truyền thông nhà nước Trung Quốc lại công bố bài phát biểu từ hôm 3/2 của Chủ tịch Tập Cận Bình vào thời điểm này.

Ông Chương nhận định: Một mặt đây có thể là thông điệp ám chỉ giới chức địa phương phải chịu trách nhiệm vì không thực hiện các biện pháp hiệu quả sau khi đã được nhận chỉ đạo của ông Tập từ đầu tháng Một. Mặt khác, đây cũng có thể là cách ông Tập nhắn gửi rằng với tư cách là lãnh đạo tối cao, ông sẵn sàng chịu trách nhiệm vì ông đã nhận thức về tình huống này.

Trước đó, các quan chức Vũ Hán khi đối mặt với áp lực từ công luận về việc giấu thông tin dẫn tới không kiểm soát được dịch bệnh, đã “tố ngược” lãnh đạo cấp trên khi cho rằng họ chỉ làm theo chỉ đạo từ Bắc Kinh.

>>Vì đâu nạn nhân COVID-19 tăng vọt sau khi quan trường Hồ Bắc có biến?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CCTV (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc) hôm 27/1, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng đã đẩy trách nhiệm che giấu dịch bệnh lên Trung ương. Ông Chu Tiên Vượng thừa nhận rằng việc tiết lộ dịch bệnh là “không kịp thời”, nhưng hy vọng công luận hiểu được những khó khăn của chính quyền địa phương trong việc công bố thông tin, cho biết rằng chính quyền địa phương cần phải có được “ủy quyền” thì mới được công bố thông tin.

CNA (Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan) dẫn lời chuyên gia phân tích cho biết, mặc dù Chu Tiên Vượng không chỉ đích danh ai, nhưng ông ám chỉ tình trạng chậm trễ vì quyết định chính trị tại địa phương phải có sự chấp thuận của chính quyền Trung ương.

Nhà bình luận Ngô Phàm (Wu Fan) của trang “Vấn đề Trung Quốc” cho biết: Thị trưởng Vũ Hán đã công khai cáo buộc chính quyền Trung ương chịu trách nhiệm, vì Trung ương cản trở hoạt động thông tin. Bây giờ lại đổ trách nhiệm cho Vũ Hán. Thị trưởng đã đi đầu trong việc chống lại chính quyền Trung ương.

Tiếp đó, vào tối ngày 31/1, Bí thư Mã Quốc Cường của thành phố Vũ Hán cũng lên tiếng trên CCTV rằng ngay sau khi phát hiện một số bệnh nhân bị dịch bệnh COVID-19 ở Vũ Hán thì cơ quan chức năng y tế Vũ Hán đã báo cáo lên trên; sau đó trong các ngày 30 và 31/12 đã phát hiện những trường hợp tương tự tại nhiều bệnh viện, vì vậy đã báo cáo lên Ủy ban Y tế Quốc gia. Như vậy ông Mã Quốc Cường đã cho biết cơ quan chức năng Vũ Hán hoàn toàn không che giấu dịch bệnh.

Hai tuần sau các phát biểu “tố ngược” của quan chức Vũ Hán, giới chức cấp cao của ĐCSTQ đã có phản ứng bằng việc sa thải lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.

Sáng ngày 13/2, ĐCSTQ chính thức tuyên bố bổ nhiệm ông Ứng Dũng (Thị trưởng Thượng Hải) làm Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc thay ông Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang), còn ông Vương Trung Lâm  (Bí thư thành phố Tế Nam) làm Bí thư thành phố Vũ Hán thay ông Mã Quốc Cường. Cả ông Ứng Dũng và ông Vương Trung Lâm đều được cho là thuộc cấp thân tín của ông Tập Cận Bình.

>>Hồ Bắc thay đổi sau một đêm, Trung Nam Hải phòng nghiêm ngặt “virus chính trị”

Trong những diễn biến này, nhiều phân tích cho rằng dưới chế độ chuyên chế độc đảng của ĐCSTQ, các quan chức địa phương chỉ đơn giản là ‘vật tế thần’, họ chỉ như ‘con rối’ của lãnh đạo cấp cao nhất.

Về diễn biến bệnh dịch, tính đến sáng 17/2, Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc thông báo số ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng cao lên tới 70.548 ca (tăng 2.048 ca); số ca tử vong tăng thêm 105 ca, lên 1.770 người. Toàn cầu đã có 71.330 người nhiễm và 1.775 ca tử vong.

Ngoài Trung Quốc, gần 30 quốc gia xác nhận có người nhiễm COVID-19 với hơn 500 ca. Cuối tuần qua, giới chức y tế của Pháp và Đài Loan xác nhận mỗi nước có một ca tử vong do COVID-19. Đây là các ca tử vong thứ tư và thứ năm ở ngoài Trung Quốc đại lục sau các trường hợp được xác nhận tại Hồng Kông, Philippines và Nhật Bản.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối ngày 16/2 nói rằng diễn tiến tương lai của dịch COVID-19 là “không thể” dự đoán. Các chuyên gia quốc tế của WHO đã bắt đầu gặp các đối tác Trung Quốc để tìm hiểu về loại virus chết người bùng phát tại Vũ Hán từ cuối năm ngoái.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) nói rằng họ vẫn chưa nhận được lời mời gửi chuyên gia tới Trung Quốc, cho dù trước đó phía Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ cho phép Hoa Kỳ gửi chuyên gia vào cùng tổ công tác của WHO.

Như Ngọc