Hôm 9/3, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết quân đội Trung Quốc phải “sẵn sàng ứng phó” với những tình huống phức tạp và khó khăn khi đất nước đang gặp phải nhiều thách thức an ninh.

Embed from Getty Images

Ông Tập, cũng là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, đã đưa ra nhận xét trên tại một cuộc thảo luận của ban hội thẩm có sự tham gia của các đại diện lực lượng vũ trang trong các phiên lập pháp hàng năm ở Bắc Kinh.

Ông Tập nói: “Tình hình an ninh hiện tại của đất nước chúng ta phần lớn là không ổn định và không chắc chắn.”

“Toàn quân đội phải phối hợp chặt chẽ giữa nâng cao năng lực và sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng ứng phó với nhiều tình huống phức tạp, khó khăn bất cứ lúc nào, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng toàn diện một nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại,” ông nói.

Ông Tập cũng nhấn mạnh sự cần thiết của “khả năng răn đe chiến lược cấp cao và hệ thống tác chiến chung”, cũng như tiến hành đổi mới công nghệ nhiều hơn trong quân đội.

Phát biểu của Chủ tịch Tập được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Ngụy Phượng Hoàng hôm thứ Bảy kêu gọi quân đội tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, nói rằng an ninh quốc gia của Trung Quốc đã “bước vào giai đoạn rủi ro cao”.

Ông Ngụy nói với các đại biểu quân đội tại một cuộc họp bên lề phiên họp lập pháp: “Chúng ta đang đối mặt với các thách thức nghiêm trọng trong việc bảo vệ Tổ quốc … và chúng ta phải cải thiện toàn diện huấn luyện quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu để có thể chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh.”

Ông nói: “Sự trẻ hóa của đất nước Trung Quốc đang ở trong giai đoạn quan trọng, nơi chúng ta đang đối mặt với những cơ hội chưa từng có cũng như những thách thức chưa từng có.” Ông Ngụy cũng cảnh báo rằng các nỗ lực ngăn chặn của Hoa Kỳ sẽ “kéo dài trong suốt quá trình trẻ hóa quốc gia của Trung Quốc”.

Trong cuộc họp trên, các câu hỏi về việc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) nên xử lý các rủi ro an ninh như thế nào được quan tâm nhất, khi Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ tranh chấp biên giới Himalaya với Ấn Độ đến căng thẳng âm ỉ với Nhật Bản về Biển Hoa Đông và sự cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Rạn nứt sâu sắc với Hoa Kỳ đứng đầu danh sách các rủi ro địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng về Đài Loan và Biển Đông mà một số người lo ngại có thể dẫn đến xung đột quân sự khi cả hai cường quốc tăng cường các hoạt động không quân và hải quân trong khu vực. Bắc Kinh mới đây đã công bố cảnh quân đội nước này tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, chỉ vài ngày sau các hoạt động do thám của Mỹ và cuộc tập trận của Đài Loan.

Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cảnh báo Washington không được vượt qua “lằn ranh đỏ” đối với Đài Loan, nói rằng “không có chỗ cho sự thỏa hiệp hoặc nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan”.

Tại cuộc họp quân sự, Thiếu tướng Yang Cheng – người từng phục vụ trong Quân đoàn 73 – cho biết PLA cần tăng cường các nỗ lực do thám và cảnh báo sớm cũng như củng cố quyền kiểm soát đối với biên giới của đất nước.

Zhao Baorui, chính ủy Bộ Tư lệnh miền Tây phụ trách khu vực biên giới với Ấn Độ, cũng kêu gọi thêm ngân sách quân sự cho khu vực biên giới để đẩy nhanh việc xây dựng sân bay, đường xá và căn cứ huấn luyện.

Phá vỡ “thế kìm kẹp” của Hoa Kỳ về công nghệ là một chủ đề thảo luận quan trọng khác tại cuộc họp. Phó Đô đốc Hải quân Shen Jinlong nói rằng để giành chiến thắng trong một cuộc chiến trong tương lai, quân đội Trung Quốc phải tăng cường khả năng sử dụng các công nghệ tiên tiến và cần có thêm sự hỗ trợ của nhà nước cho các ngành và dự án quan trọng.

PLA đã trải qua một cuộc đại tu sâu rộng trong những năm gần đây. Chủ tịch Tập đã nói rằng quá trình hiện đại hóa quân đội sẽ được hoàn thành vào năm 2035, với mục tiêu có một “quân đội đẳng cấp thế giới” vào năm 2050.

Bắc Kinh đã công bố tăng trưởng ngân sách quốc phòng là 6,8% vào năm 2021, nhưng cho biết họ sẽ tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ lên hơn 7% trong 5 năm tới.

Các lĩnh vực được đổ nhiều tiền vào hơn bao gồm chất bán dẫn, lượng tử, điện toán đám mây, và trí tuệ nhân tạo cho cả mục đích sử dụng quân sự và thương mại, theo dự thảo kế hoạch 5 năm.

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: