Ngày 3/1, tập đoàn đang khủng hoảng nợ Evergrande đã ra thông báo tạm ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Dù người sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) cho biết công ty sẽ hoạt động trở lại và trả hết các khoản nợ, nhưng có vẻ tình thế không đơn giản: Mới đây, cơ quan chức năng Trung Quốc đã lệnh cho Evergrande Group phá dỡ 39 tòa nhà trên đảo Hải Hoa ở Hải Nam.

shutterstock 2045653253
Cơ quan chức năng Trung Quốc ra lệnh Tập đoàn Evergrande phá dỡ 39 tòa nhà đã được xây dựng trên đảo Hải Hoa ở Hải Nam. (Nguồn: Lewis Tse Pui Lung/ Shutterstock)

Rạng sáng ngày 3/1 (thời gian Hồng Kông, Đài Loan), Evergrande Group đưa ra thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (Hồng Kông Stock Exchange), “Cổ phiếu của công ty sẽ tạm ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông từ 9:00 sáng ngày 3/1/2022, chờ công ty công bố thông báo có chứa thông tin nội bộ”.

Đến khuya ngày 3/1, Evergrande Group vẫn chưa đưa ra “thông báo có chứa thông tin nội bộ”.

Vào ngày giao dịch trước khi Evergrande Group tạm ngừng (ngày 31/12/2021), giá cổ phiếu của công ty được báo ở mức 1,59 đô la Hồng Kông, giảm 89% so với mức bình quân vào năm 2021.

Lần trước đó, Evergrande Group tạm ngừng giao dịch là vào ngày 4/10/2021, khi đó giao dịch cũng tạm ngưng cùng lúc với công ty con là Evergrande Property. Lý do của việc đình chỉ là Hopson Development (cũng được niêm yết tại Hồng Kông) chuẩn bị mua 51% cổ phần của Evergrande Property với giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ cuối cùng đã thất bại.

Ở giai đoạn này, bán hoặc thế chấp tài sản là phương thức tự cứu chính của Evergrande Group, nguồn vốn thu được thông qua việc bán tài sản để trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn. Ví dụ, chủ tịch Hứa Gia Ấn của Evergrande đã thế chấp trái phiếu của một dinh thự sang trọng nằm trên đỉnh Black’s Link ở Hồng Kông.

Ông Hứa Gia Ấn cho biết trong bài diễn văn mừng năm mới 2022 rằng Evergrande đã gặp phải “khó khăn lớn chưa từng thấy” kể từ tháng 9/2021, tất cả nhân viên đã phải chịu đựng “những thử thách cực kỳ khắc nghiệt”. Ông cũng nói rằng công ty sẽ hoạt động trở lại và trả hết các khoản nợ.

Tuy nhiên, khó khăn dường như lại chồng lên khi mới đây cơ quan chức năng Trung Quốc tuyên bố 39 tòa nhà, đảo số 2, đảo Hải Hoa, thành phố Đan Châu, tỉnh Hải Nam, chính thức được xác định là công trình bất hợp pháp và chủ đầu tư Evergrande buộc phải tự tháo dỡ trong vòng 10 ngày, nếu không phá dỡ trong thời hạn thì sẽ bị cưỡng chế.

Đảo Hải Hoa là một hòn đảo nhân tạo bao gồm ba hòn đảo hợp thành. Theo thông báo của cơ quan chức năng, khu dự án nói trên vốn được quy hoạch xây dựng thành nhà cao tầng vòng biển, do Evergrande không xây dựng đúng như kế hoạch nên bị cho là công trình trái phép.

Khảo sát thực tế của Nhật báo Kinh doanh Quốc gia (NBD) vào ngày 3/1 cho hay, các tòa nhà riêng lẻ đã được chỉnh trang đơn giản, có cẩu tháp vào để bắt đầu hoạt động, nhưng công trường vẫn chưa đóng cửa.

Một nhân viên bất động sản địa phương tiết lộ: “Thực tế, đảo Hải Hoa không chỉ có những tòa nhà bỏ hoang trên đảo số 2, mà ở đảo số 3 cũng có, hiện giờ chủ của chúng ở đó không chỉnh trang nữa”; “Những tòa nhà này đã được hoàn thành vào năm ngoái dù vẫn chưa được cấp phép, nhưng các dự án đang được bán trong thời gian này. Giá trung bình của các tòa nhà khác trên đảo số 2 về cơ bản là từ 10.000 nhân dân tệ, nhưng vào thời điểm đó giá trung bình của khu 39 tòa nhà của Evergrande chưa đến 7.000 nhân dân tệ”.

Có những nghi ngờ được chia sẻ trên Twitter rằng việc cơ quan chức năng Trung Quốc phá bỏ các tòa nhà đã xây dựng là đòn giáng mạnh vào Evergrande và Hứa Gia Ấn.

Hãng tin Reuters có bài phân tích cho rằng Evergrande có ba cách thoát:

1. Phá sản hoàn toàn gây tác động mạnh;
2. Phá sản có trật tự;
3. Hoặc chính phủ thúc đẩy giải cứu tập đoàn phát triển bất động sản khổng lồ này.

Nhưng khả năng thứ ba là tương đối nhỏ.

Nhà phân tích Iris Chen của công ty cổ phần tài chính Nomura (của Nhật Bản) cho biết trong một báo cáo, “Chúng tôi không tin rằng chính phủ có động lực để cứu Evergrande (đây là một doanh nghiệp tư nhân)”.

Trong một số vụ vỡ nợ doanh nghiệp nhà nước vào năm 2021, chính quyền Bắc Kinh dường như đã nỗ lực để đưa ra tín hiệu cho thị trường với quan điểm bỏ mặc loại “công ty xác sống” vỡ nợ và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đối với doanh nghiệp nhà nước còn vậy huống gì với doanh nghiệp tư nhân.

Cũng có những trường hợp ngoại lệ như khủng hoảng của HNA Group và Anbang Group, cuối cùng chính quyền trung ương đã vào cuộc và cử các nhóm công tác tiến hành xử lý tài sản. Nhưng con đường này giống như “phá sản có trật tự”.

Iris Chen cũng nói: “Nhưng theo góc nhìn ​​của chúng tôi, họ (chính phủ) sẽ không chủ động để Evergrande phá sản triệt để ngay, nếu họ có ra tay thì sẽ hy vọng đó sẽ là một vụ phá sản có trật tự”.

Chính Hâm, Vision Times

Xem thêm: