Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, các vụ lừa đảo lao động ở Campuchia gần đây liên tục được phơi bày, nạn nhân là những người trẻ tuổi đến từ Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Hầu hết các phương thức được sử dụng là quảng cáo trên mạng xã hội hoặc thông qua người trên Facebook giới thiệu việc làm lương cao.

song bac campuchia
Một sòng bạc do người Hoa mở tại Campuchia. (Ảnh: 1000 Words/ Shutterstock)

Một khi những thanh niên này xa nhà đi lao động ở Campuchia, họ sẽ sa vào bẫy của những kẻ buôn người, gánh trên lưng nợ của các tập đoàn lừa đảo người Trung Quốc. Những người bị lừa nếu không nghe lời, làm theo mệnh lệnh thì sẽ bị đánh, bị bán cho các nhóm tội phạm khác.

Các chuyên gia lo ngại rằng hàng ngàn thanh niên nam nữ có thể trở thành tù binh của các tổ chức lừa đảo, thực hiện nhiều cuộc gọi lừa đảo trái với ý muốn của họ mỗi ngày. Các thủ đoạn gian lận bao gồm hẹn hò trực tuyến, thu đổi ngoại tệ cao và lừa đảo theo mô hình Ponzi, hoặc giả danh cảnh sát và nhân viên hải quan để lừa tiền tiết kiệm của người khác.

Chính quyền Hồng Kông cho biết tổng số 41 trường hợp người Hồng Kông bị bắt trong các vụ lừa đảo tìm việc làm ở Đông Nam Á, một số người trong số họ vẫn bị mắc kẹt ở Campuchia và Myanmar, nhưng có 23 người đã được xác nhận là an toàn.

Hầu hết các nạn nhân bị lừa đảo đến từ Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, nhưng cũng có người Indonesia, Malaysia và thậm chí cả người Kenya, đã bị các nhóm lừa đảo dụ dỗ đến Campuchia làm việc và tham gia vào các đường dây lừa đảo.

Theo nguồn tin của cảnh sát, mỗi mạng lưới lừa đảo được giám sát bởi một số ít công dân Trung Quốc, họ quản lý hàng chục nạn nhân bị giam giữ trong các khu công nghiệp lừa đảo.

Ví dụ, một số khách sạn ở Campuchia đã bị biến thành trung tâm lừa đảo qua điện thoại. Người dân từ các quốc gia khác nhau sống trên từng tầng, và coi đồng bào trong nước mình là mục tiêu để tiếp tục lừa đảo.

Một đoạn video trong chương trình “This Week in Asia” (Châu Á tuần này) của tờ SCMP cho thấy, những người đang ngồi làm việc qua điện thoại tại một trung tâm lừa đảo ở Sihanoukville, Campuchia, xung quanh là các thẻ chữ có khẩu hiệu cổ vũ, kịch bản mô hình bán hàng và danh sách mục tiêu tiềm năng.

Ông Surachate Hakparn, Phó cảnh sát trưởng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, cho biết: “Những nơi này có lực lượng bảo vệ vũ trang, dây thép gai và rào chắn, và không có cách nào để ra vào”.

Ông dẫn đầu cuộc chiến chống buôn người và đã giải cứu 900 người Thái khỏi Campuchia kể từ cuối năm ngoái.

Các nạn nhân có thể mất vài tháng để trả hết “khoản nợ” của họ cho tổ chức lừa đảo. Video lan truyền ra từ Campuchia cho thấy, hàng chục người Việt Nam lao ra khỏi một sòng bạc, cố gắng bơi qua sông, chạy trốn những canh gác đang dùng gậy đuổi đánh họ.

Bà Kaili Li, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Di trú của Quỹ Vườn Hy vọng Đài Loan, cho biết đối với những người trốn thoát khỏi các trung tâm gọi điện lừa đảo, các vấn đề pháp lý rất phức tạp do họ đồng lõa lừa đảo đồng bào của mình.

Bà nói, “Chúng tôi phải đối xử với những người này như nạn nhân. Họ phải sống, vì vậy trên con đường giải cứu này, họ sẽ có nguy cơ vi phạm pháp luật … nhưng đó thực sự là vấn đề nhân quyền.”

Theo thống kê của cảnh sát, khoảng 10.000 người Đài Loan và Thái Lan đang mất tích ở Campuchia, và hàng trăm người Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines đã được giải cứu.

Dưới áp lực ngoại giao, Chính phủ Campuchia cho biết họ sẽ sớm đưa ra kế hoạch truy quét tổ các chức này và phủ nhận các quan chức có liên quan đến vụ lừa đảo này.

Trí Đạt, theo CNA