Bất chấp sự thúc đẩy mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về việc sinh con, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng dân số đang bùng phát, sự suy thoái kinh tế và “chính sách zero COVID” đã khiến việc mưu sinh của những người trẻ tuổi ngày càng khó khăn hơn. Một số đã gác lại việc kết hôn hoặc kế hoạch hóa gia đình.

Embed from Getty Images

Suy thoái kinh tế và chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã khiến việc mưu sinh của những người trẻ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhiều người đã gác lại kế hoạch kết hôn và sinh con. Ảnh chụp một siêu thị ở Bắc Kinh ngày 9/8/2010. (STR / AFP qua Getty Images)

Các nhà nhân khẩu học dự đoán: Dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm vào năm 2022

Ngày 4/9, tờ Wall Street Journal đưa tin, hiện một số nhà nhân khẩu học coi năm 2022 là năm dân số Trung Quốc bắt đầu giảm, một phần là do người trẻ ngày càng không chắc chắn về việc mưu sinh.

Thách thức về nhân khẩu học của Trung Quốc rất nghiêm trọng. Vài năm trở lại đây, tỷ lệ sinh liên tục giảm. Năm 2021, dân số sinh ra (10,62 triệu người) và dân số chết đi (10,14 triệu) đã gần bằng nhau.

Đây là lần đầu tiên số ca tử vong của Trung Quốc tiệm cận với số ca sinh mới kể từ kỷ nguyên Đại nhảy vọt cách đây 60 năm.

Hơn nữa, xu hướng năm nay có vẻ còn xấu hơn. Số liệu từ một số tỉnh và thành phố trong nửa đầu năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm so với năm ngoái. Các hạn chế về dịch bệnh đã khiến hàng chục triệu người Trung Quốc mắc kẹt trong các căn hộ, phủ bóng đen lên hoạt động kinh tế trên khắp đất nước.

Tại thành phố duyên hải Ninh Ba, tỷ lệ sinh giảm gần 11% so với cùng kỳ nửa đầu năm năm ngoái, trong khi tỷ lệ sinh ở thành phố Đức Châu, miền đông Trung Quốc giảm 9%.

Dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm trong năm nay, theo một nghiên cứu chung của một nhóm từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Đại học Victoria của Úc và Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.

Sự suy giảm này dự kiến ​​sẽ tăng tốc trong những năm tới, với dân số Trung Quốc giảm xuống còn 587 triệu người vào năm 2100, chưa bằng một nửa dân số hiện tại là khoảng 1,4 tỷ người.

Dự báo do Liên Hợp Quốc đưa ra vào tháng Bảy cho thấy, Trung Quốc sẽ bị sụt giảm dân số tuyệt đối vào năm 2023. Trong khi Ấn Độ dự kiến ​​sẽ vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Báo cáo ước tính, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,317 tỷ người vào năm 2050 và 771 triệu người vào năm 2100.

Sinh kế không ổn định ảnh hưởng đến việc kết hôn và sinh con của những người trẻ tuổi

shutterstock 1673617465
(Ảnh minh họa: Hung Chung Chih/ Shutterstock)

Wall Street Journal dẫn lời Xiujian Peng, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Victoria của Úc, cho biết: “Khi áp lực kinh tế quá lớn và nhiều người cảm thấy không an tâm về sinh kế của mình, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết định sinh con của mọi người.”

Một điểm dữ liệu đáng chú ý trong số liệu chính thức do ĐCSTQ công bố vào tháng Bảy, là cứ 5 người Trung Quốc từ 24 tuổi trở xuống, thì có 1 người thất nghiệp. Một số người thất nghiệp cho biết, họ đã tạm dừng các kế hoạch lớn của cuộc đời.

Trớ trêu thay, một số biện pháp mà ĐCSTQ đưa ra, nhằm giảm chi phí nuôi dạy con cái và khuyến khích sinh con lại dẫn đến việc mất việc làm. Ví dụ, cuộc đàn áp đối với các nhà phát triển bất động sản, nhằm kiểm soát giá nhà, và cuộc đàn áp đối với các dịch vụ gia sư tư nhân đắt tiền đã dẫn đến việc sa thải nhân viên trong các ngành này.

Wall Street Journal kể rằng 4 năm trước, khi Sandy Liu tốt nghiệp một trường đại học ưu tú ở Bắc Kinh, cô đã tìm được công việc kỹ sư tại một công ty công nghệ. Kế hoạch trong vài năm tới của cô là kết hôn với bạn trai và mua một căn hộ chung cư ở Bắc Kinh.

Mùa hè năm nay, cô ấy đã bị sa thải. Kế hoạch kết hôn của cô hiện đang tạm dừng. “Tôi không thể tưởng tượng được việc kết hôn và bắt đầu một gia đình mà không có lương”, cô nói.

Emily Yu và chồng từng điều hành một nhà hàng sushi nhỏ ở vùng Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, nhưng nó không thể tồn tại nổi do tình trạng đóng cửa liên tục vì chính sách phòng chống COVID. Emily, 31 tuổi, là con một, cho biết cô ước cậu con trai 3 tuổi của mình có thêm anh chị em. Cô ấy có một số tiền tiết kiệm, nhưng hiện đang tìm kiếm công việc bán thời gian, nên đã tạm hoãn kế hoạch sinh thêm con.

Emily nói: “Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.”

Chính phủ bắt đầu nới lỏng chính sách “một con” vào năm 2016 và thực hiện chính sách 3 con vào năm 2021. Các chính quyền địa phương cũng thử áp dụng một số biện pháp, như khuyến khích thưởng tiền mặt, và kéo dài thời gian nghỉ thai sản, để thúc đẩy mức sinh. Nhưng sự bùng nổ trẻ sơ sinh mà các nhà hoạch định chính sách mong đợi đã không xảy ra, và tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm.

Sự suy giảm trong các cuộc hôn nhân cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh. Dữ liệu chính thức công bố tuần trước cho thấy, số lượng đăng ký kết hôn giảm mạnh xuống còn 7,6 triệu vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi Chính phủ bắt đầu lưu giữ hồ sơ vào giữa những năm 1980. Sự suy giảm này rõ rệt nhất ở những người trẻ tuổi.

Số liệu mới nhất cho thấy, số lượng đăng ký kết hôn trong quý 1 năm nay thậm chí còn thấp hơn cùng kỳ năm 2021.

Một nhân viên kế toán 31 tuổi sống ở vùng đồng bằng sông Châu Giang cho biết, từ năm ngoái, một số người bạn của anh làm việc trong lĩnh vực bất động sản đã bị mất việc, hoặc bị cắt giảm lương đáng kể.

Cô Rita Zhang, người làm nghề tự do và vẽ tranh minh họa, đã mua một căn hộ với chồng vào tháng 4/2021 khi giá nhà đang tăng. Nhưng cô không thể ngờ được rằng quy định của ĐCSTQ đối với ngành bất động sản lại khiến giá nhà đất giảm mạnh. Nhiều khách hàng của cô đã sa thải nhân viên và cắt đơn đặt hàng.

Cô cho biết, hiện cô đang gặp khó khăn trong việc trả nợ thế chấp, “chúng tôi không đủ tin tưởng vào thu nhập trong tương lai của mình, để nghĩ đến việc có con.”

Chuyên gia: Chính sách zero COVID khiến khủng hoảng dân số trở nên tồi tệ hơn

Bên cạnh những cân nhắc về kinh tế, việc khó tiếp cận với các dịch vụ y tế trong điều kiện hạn chế dịch bệnh cũng là mối quan tâm lớn đối với Rita. “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi có thai, hoặc nếu tôi sinh con trong thời gian bị phong tỏa?”

Tháng Một năm nay, một phụ nữ mang thai ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã đến bệnh viện công nghệ cao Tây An để điều trị vì đau dạ dày, và không thể nhập viện do vấn đề về axit nucleic. Hai giờ chờ đợi trước cổng bệnh viện khiến cô bị ra nhiều máu và đứa con 8 tháng tuổi đã chết lưu. Sau khi thảm kịch được tiết lộ, cư dân mạng vô cùng phẫn nộ.

Cuối tuần qua, một báo cáo của trang tin Caixin cho biết, kỷ lục 65 triệu người ở 33 thành phố của Trung Quốc hiện đang trong tình trạng phong tỏa hoặc bán phong tỏa.

Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy, việc thực thi hà khắc chính sách Zero COVID không khoan nhượng của Trung Quốc, đã khiến một số cư dân bị mắc kẹt trong các tòa nhà, khi họ tìm nơi trú ẩn, trong trận động đất hôm thứ Hai (5/9) ở Tứ Xuyên.

p3210141a684157994
Một số người tiết lộ, họ nhận “cảnh báo động đất” một phút trước khi xảy ra động đất ở Tứ Xuyên. Người dân ở nhiều cộng đồng khi ra khỏi tòa nhà để tránh động đất thì bị nhân viên phòng chống dịch ngăn lại. (Ảnh cắt từ video)

Đối với ông Tập Cận Bình, chiến lược “Zero COVID” là nguyên tắc phòng chống dịch do đích thân ông quyết định. Nếu kế hoạch này bị chứng minh có thể bị thay thế, thì quyền lực của ông Tập nhất định sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Tập Cận Bình, người tích cực đưa ra chủ trương “zero COVID”, “biết rằng không thể thực hiện được nhưng vẫn cố làm”.

Ông Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian), nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: “Chính sách zero COVID giống như gây thêm tai họa, làm tỷ lệ sinh giảm trầm trọng hơn.” Ông tin rằng dân số Trung Quốc đã giảm trong vài năm liên tiếp.

Ông ước tính, chính sách zero COVID của ĐCSTQ đã khiến tỷ lệ kết hôn giảm mạnh vào năm 2020 và 2021, dẫn đến mất khoảng 1 triệu ca sinh trong giai đoạn 2021-2022.

Tỷ lệ giới tính mất cân bằng nam nhiều nữ ít cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm.

Lực lượng lao động của Trung Quốc đang già đi do tỷ lệ sinh giảm. Chính phủ lo ngại rằng những thay đổi về nhân khẩu học sẽ dẫn đến chi phí lương hưu cao hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn.

Các mô hình máy tính của nhóm nghiên cứu Đại học Victoria cho thấy, nếu độ tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc không thay đổi, thì mức chi trả lương hưu của nước này sẽ tăng từ 4% GDP vào năm 2020 lên 20% vào năm 2100. Đàn ông Trung Quốc thường nghỉ hưu ở tuổi 60 và tuổi nghỉ hưu sớm nhất của phụ nữ trong một số ngành nhất định là 50 tuổi.

Trước đây, ông Dịch Phú Hiền từng nói, vì vấn đề dân số, nền kinh tế Trung Quốc về căn bản, không thể vượt qua Mỹ. Ông cũng cho rằng khác với các nước phát triển, nền kinh tế Trung Quốc đột nhiên không đủ lao động, giống như một chiếc máy bay vẫn đang ở trên không, đột ngột hết nhiên liệu. Đây sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí cho cả kinh tế thế giới.

Bình Minh (t/h)