Ngay thời điểm Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bà Michelle Bachelet đến thăm Trung Quốc, truyền thông bên ngoài Trung Quốc tiết lộ thông tin “gây sốc” có tên “Hồ sơ cảnh sát Tân Cương” (Xinjiang Police Files) – một tài liệu được xem là có tính chất cơ mật.

Trai lao dong Tan Cuong
Gần đây có ‘tin nóng’ liên quan cái gọi là “hồ sơ cảnh sát Tân Cương” có tính chất cơ mật, hồ sơ tiết lộ việc ĐCSTQ đã giam giữ và thậm chí bắn chết hàng ngàn cư dân địa phương Tân Cương. (Ảnh trại lao động ở Tân Cương. Nguồn: Google)

Theo hồ sơ, nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giam giữ và thậm chí bắn chết hàng ngàn cư dân địa phương Tân Cương. Đây được cho là bằng chứng thuyết phục về cáo buộc ĐCSTQ đã sử dụng bạo lực vi phạm nhân quyền trong cai trị ở Tân Cương.

Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế như BBC, USA Today, Bloomberg, Mainichi Shimbun của Nhật Bản… đã tung ra “Hồ sơ cảnh sát Tân Cương” do giới hacker lấy được và tiết lộ, nội dung hồ sơ với hàng chục ngàn tài liệu, hình ảnh và dữ liệu tiết lộ tên, địa chỉ, số ID, tội danh, nơi giam giữ và thông tin cá nhân khác của gần 2.900 người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) cùng người cộng đồng dân tộc ít người khác đã bị nhà cầm quyền ĐCSTQ bỏ tù hoặc thậm chí bắn chết; ngoài ra còn có cả những hình ảnh về tình hình trong các “trại cải tạo” và các nhà tù chưa từng được công khai, cho thấy là bằng chứng vững vàng đối với cáo buộc ĐCSTQ đã thực hiện các hành vi giam giữ và ngược đãi đối với hàng loạt người dân địa phương, vấn đề liên quan đến “tội ác diệt chủng”.

“Hồ sơ cảnh sát Tân Cương” bị hacker rò rỉ này chứa khoảng 5.000 bức ảnh liên quan, được cảnh sát ĐCSTQ chụp trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2018. Trong số đông đảo người bị giam giữ này, thông tin cho biết người trẻ nhất mới 15 tuổi, người lớn nhất 73 tuổi.

Ngoài một số lượng lớn các bức ảnh, hồ sơ còn bao gồm các tài liệu như hướng dẫn nội bộ của cảnh sát Tân Cương, chẳng hạn như việc bố trí súng máy và súng bắn tỉa trong tháp quan sát của trung tâm giáo dục đào tạo và quy định “bắn bỏ” đối với những người cố gắng bỏ trốn.

Theo báo cáo điều tra của BBC, họ có được tài liệu tên “Hồ sơ cảnh sát Tân Cương” vào đầu năm nay. Sau nhiều tháng điều tra và xác thực tình hình, tài liệu này cung cấp bằng chứng mới nhất về thực trạng người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc ít người khác bị giam giữ ở Tân Cương, bao gồm các chi tiết chưa từng có, tiết lộ vấn đề ĐCSTQ sử dụng hai hệ thống riêng biệt nhưng có liên quan với nhau là “trại cải tạo” và “nhà tù chính thức” để khủng bố cư dân địa phương Tân Cương trên quy mô lớn.

Chính phủ ĐCSTQ tuyên bố rằng cái gọi là “trại cải tạo” theo cách gọi của cộng đồng quốc tế đã được thiết lập ở nhiều nơi khác nhau tại Tân Cương kể từ năm 2017 chỉ là “trường học”, nhưng việc rò rỉ “Hồ sơ cảnh sát Tân Cương” giúp thế giới bên ngoài thấy được cách ĐCSTQ đối xử với các nhóm dân tộc thiểu số mà họ xem như một mối đe dọa an ninh không thể coi là “trường học”. Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) cảnh báo rằng chỉ riêng ở miền nam Tân Cương đã có hơn 2 triệu người “bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự xâm nhập của hệ tư tưởng tôn giáo cực đoan”.

Trong số hàng ngàn bức ảnh về những người bị bắt ở Tân Cương do Công an Tân Cương của ĐCSTQ chụp lại, bao gồm nhiều trẻ vị thành niên, chẳng hạn như Zeytunigul Ablehet (17 tuổi) đã bị giam giữ vì nghe “bài phát biểu bất hợp pháp”, hay như Bilal Qasim (16 tuổi) cũng bị kết án vì bị người khác liên lụy.

Các chi tiết hình ảnh liên quan này khá tương đồng với một danh sách cảnh sát khác mà trước đó hãng tin AFP có được, cho thấy mỗi lần hành động trấn áp của chính quyền ĐCSTQ đều bắt hàng trăm người ra khỏi thôn làng của họ, trong đó có nhiều người thuộc cùng một gia đình.

Về vấn đề này, ngày 24/5 Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã đưa ra tuyên bố, gọi chi tiết tài liệu mới bị rò rỉ này đã “gây sốc”, qua đó ông hối thúc ĐCSTQ cho phép Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Bachelet “được tiếp cận đầy đủ và không hạn chế vào khu vực để bà có thể tiến hành đánh giá kỹ lưỡng tình hình địa phương”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vẫn mạnh mẽ bác bỏ các tài liệu này, cho rằng chúng là “tài liệu chắp vá” để “các thế lực chống Trung Quốc bôi nhọ tình hình Tân Cương”, thậm chí phát ngôn viên Uông Văn Bân còn cáo buộc giới truyền thông “tung tin đồn thất thiệt”.