Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao vào ngày 30/3. Ông bày tỏ sự lạc quan đối với nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời kêu gọi vốn nước ngoài đầu tư vào nước này.

Ly Cuong
Ngày 13/3/2023, ông Lý Cường, Thủ tướng Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tổ chức một cuộc họp báo cấp cao lần đầu tiên. (Ảnh chụp màn hình video)

Sáng ngày 30/3, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) năm 2023 tại Bác Ngao (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) đã khai mạc. Các nhà lãnh đạo Malaysia, Singapore và Tây Ban Nha đã tới tham dự diễn đàn. Những quốc gia này đều có quan hệ thương mại và ngoại giao chặt chẽ với Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc. Kể từ khi kết thúc lưỡng hội vào đầu tháng này, đây là lần đầu tiên ông tham dự một diễn đàn quốc tế, và có bài phát biểu với tư cách là Thủ tướng Trung Quốc.

Trong bài phát biểu của mình, ông Lý Cường tuyên bố rằng ông phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và tách rời, đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo sự ổn định và thông suốt của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông cũng tin rằng Trung Quốc sẽ là một nguồn chắc chắn về kinh tế trong bối cảnh rủi ro ngày càng tăng đối với nền kinh tế và thị trường toàn cầu. “Từ góc độ tình hình của tháng 3 mà nói, đã tốt hơn so với tháng 1 và tháng 2. Đặc biệt, các chỉ số kinh tế chính như tiêu dùng và đầu tư tiếp tục được cải thiện, việc làm và giá cả nhìn chung đều ổn định.”

Một lần nữa ông Lý Cường hứa rằng chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp mới để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, và tối ưu hóa môi trường kinh doanh.

Chiều ngày 30/3, ông Lý Cường đã tổ chức một cuộc thảo luận với đại diện của các doanh nhân Trung Quốc và nước ngoài tham dự BFA 2023.

Ông bày tỏ hy vọng rằng tất cả các doanh nhân sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy niềm tin và cải thiện kỳ ​​vọng: “Đầu tư vào Trung Quốc là lựa chọn một tương lai tốt đẹp hơn.”

Trước đó, ngày 25/3, ông Hàn Văn Tú (Han Wenxiu), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phụ trách công việc hàng ngày, đã phát biểu tại cuộc họp thường niên năm 2023 của Ủy ban Phát triển Trung Quốc. Diễn đàn nhấn mạnh mở cửa ra thế giới bên ngoài là chính sách quốc gia cơ bản của Trung Quốc.

Ông Hàn Văn Tú cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh các công ty từ khắp nơi trên thế giới đầu tư vào Trung Quốc, đồng thời cũng mong các công ty nước ngoài thiết lập tầm nhìn dài hạn và phát triển sâu sắc thị trường Trung Quốc. Đầu tư vào Trung Quốc có thể ‘quăng lưới dài bắt mẻ cá lớn’.”

Tuy nhiên, 3 năm kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh, và hàng loạt lệnh phong tỏa trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp ở Trung Quốc, đặc biệt là các công ty nước ngoài, báo cáo của Reuters ngày 30/3 cho biết.

Trong những năm gần đây, toàn bộ chuỗi cung ứng của Apple đã dần di chuyển ra khỏi Trung Quốc. Apple đã nộp đơn sang Ấn Độ xin cấp phép xây dựng nhà máy, và giúp 14 công ty trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc có được giấy phép, gồm các nhà cung cấp linh kiện của Apple khá nổi tiếng với người Trung Quốc, như Luxshare Precision, Sunny Optical.

Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) khoảng 5% cho nền kinh tế trong năm nay, sau khi nền kinh tế sụt giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái.

Trước đây, “Wall Street Journal” từng đưa tin rằng sau khi hủy bỏ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt kéo dài 3 năm, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức kép cả trong nước và toàn cầu.

Chúng bao gồm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp khá ảm đạm, nhu cầu của nước ngoài về hàng hóa do Trung Quốc sản xuất yếu, và khả năng kích thích nền kinh tế của chính quyền địa phương bị hạn chế do nợ nần chồng chất.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khoảng 5% cho thấy các quan chức đang chuyển sự chú ý sang các ưu tiên khác.

Trên thực tế, ông Lý Cường phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng nền kinh tế đang chịu áp lực gấp 3 lần, gồm “suy giảm nhu cầu, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu.”

Chính phủ không chỉ phải “ngăn chặn và xoa dịu các rủi ro kinh tế và tài chính lớn, đồng thời giữ cho điểm mấu chốt là không có rủi ro mang tính hệ thống”, thậm chí còn phải “ngăn chặn tình trạng nghèo đói quay trở lại trên quy mô lớn.”

Ngoài ra, theo dữ liệu từ Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội Trung Quốc, số lượng lao động cần có việc làm ở thành thị của Trung Quốc sẽ đạt mức kỷ lục 16,62 triệu người trong năm nay.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, thất nghiệp lan rộng, chính quyền phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân để giải quyết vấn đề việc làm.

Giới kinh tế và quan chức công nhận rằng doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra hơn 50% doanh thu tài chính; hơn 60% GDP và đầu tư tài sản cố định, đầu tư trực tiếp nước ngoài; hơn 70% sự đổi mới công nghệ; hơn 80% việc làm, và doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 90% trong số toàn bộ các doanh nghiệp.

Trong 6 tháng qua, các quan chức và truyền thông Trung Quốc không ngừng ca ngợi kinh tế tư nhân.

Tờ “Financial Times” của Anh chỉ ra rằng nguyên nhân là về mặt kinh tế. Mục tiêu chính của chính quyền Bắc Kinh là khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc, cải thiện sinh kế của người dân, ổn định thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, đồng thời tìm cách hỗ trợ nguồn lực tài chính và khủng hoảng nợ của hàng chục chính quyền địa phương.