Cách đây vài ngày, tại khu vực Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, các nhà chức trách đã sử dụng mã y tế phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Hàng trăm người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng đã lên kế hoạch biểu tình ở Trịnh Châu vào thứ Hai (13/6), nhưng nhận thấy mã sức khỏe của họ chuyển từ màu xanh sang đỏ, khiến họ không thể đi lại.

id13759594 301be50564a f2700fae08463cdd04cd8950 600x400 1
Gần đây, tại Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, chính quyền đã sử dụng mã y tế phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán để ngăn chặn các cuộc biểu tình, làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi.

Trịnh Châu được mệnh danh là “Thành phố iPhone” và là nơi có cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Từ ngày 18/4, tiền gửi của 4 ngân hàng nông thôn ở Hà Nam đã bị đóng băng và không thể cung cấp dịch vụ rút tiền. Một số người gửi tiền vô cùng lo lắng, đến mức họ muốn đến Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh, để bảo vệ quyền lợi của mình.

Từ cuối tháng 5, hàng trăm người đã xuống đường yêu cầu chính quyền đảm bảo việc trả lại các khoản tiền gửi bị đóng băng của họ tại các ngân hàng nông thôn khác nhau thuộc tỉnh Hà Nam.

Những người biểu tình tụ tập bên ngoài văn phòng của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Hà Nam ở Trịnh Châu, cầm những tấm biển ghi dòng chữ “Trả lại tiền tiết kiệm cho tôi”, yêu cầu chính phủ đảm bảo rằng hàng chục tỷ nhân dân tệ (NDT) phải được trả lại cho những người gửi tiền, nhưng họ lại bị cảnh sát giải tán.

Kênh truyền thông Đại Lục “Caixin” đưa tin về vụ “Hà Nam cưỡng chế thay đổi mã sức khỏe của những người gửi tiền ngân hàng nông thôn từ xanh sang đỏ” trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Trong 2 ngày liên tiếp, kể từ sau 11:00 trưa ngày 14/6/2022, các mã sức khỏe của những người gửi tiền có liên quan đã chuyển sang màu đỏ một cách khó hiểu, trong vài ngày lại bắt đầu chuyển từ màu đỏ sang xanh theo từng đợt.

Báo cáo cũng cho biết lý do những người gửi tiền này được cấp mã số đỏ không liên quan gì đến dịch bệnh, chỉ vì họ là nạn nhân của việc khó rút tiền từ các ngân hàng của thôn và thị trấn Hà Nam.

Nguyên nhân một số người gửi tiết kiệm đến Hà Nam là vì muốn tìm đến cơ quan giám sát, cơ quan thụ lý vụ án, các ngân hàng hữu quan vào ngày 13/6, để tìm hiểu về những tiến triển mới nhất, do vậy đã tác động đến hoạt động duy trì ổn định tại địa phương. Một số cảnh sát nói với người gửi tiền nên “bảo vệ quyền lợi một cách hợp pháp và không được tụ tập.”

Nhà chức trách sử dụng mã y tế để ngăn chặn biểu tình, người gửi tiền đang bị đeo còng tay kỹ thuật số

Những người gửi tiền đã lên kế hoạch đến tỉnh Hà Nam từ khắp Trung Quốc trong tuần này, để phản đối việc đóng băng gần 2 tháng đối với khoản tiền gửi ít nhất là 178 triệu USD, khiến các công ty không thể trả tiền cho người lao động và cá nhân không thể sử dụng tiền tiết kiệm của họ, Reuters đưa tin.

Các nhóm nhân quyền đã cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng giám sát COVID rộng lớn của mình để ngăn chặn những người bất đồng chính kiến. Nếu không có mã sức khỏe xanh trên ứng dụng điện thoại thông minh, công dân sẽ mất quyền tự do đi lại.

“Họ đang đeo còng kỹ thuật số cho chúng tôi”, một người gửi tiền họ Trần đến từ tỉnh Tứ Xuyên nói với Reuters.

Sau đợt bùng phát COVID-19 gần đây, một số khu vực ở Trung Quốc yêu cầu du khách phải đăng ký kế hoạch du lịch trực tuyến. Một người đàn ông họ Lưu sống ở tỉnh Hồ Bắc nhận thấy, mã sức khỏe của ông chuyển sang màu đỏ vào sáng ngày 12/6, sau khi ông đăng ký đi du lịch đến tỉnh Hà Nam vào ngày 11/6.

Ông Lưu đã lên kế hoạch đến một cuộc biểu tình dự kiến được tổ chức ​​vào thứ Hai (13/6) ở Trịnh Châu, hy vọng sẽ lấy lại được tiền của mình. Đây sẽ là cuộc biểu tình mới nhất trong số nhiều cuộc biểu tình như vậy ở Hà Nam trong những tháng gần đây.

Ông Lưu nói, nếu mã sức khỏe không trở lại màu xanh sớm, trẻ em có thể không được đến trường. “Tôi không thể làm bất cứ điều gì, tôi không thể đi bất cứ đâu, bị đối xử như một tên tội phạm. Điều này vi phạm nhân quyền của tôi”, ông Lưu cho biết.

Cô Vương Quỳnh (Wang Qiong) sống ở Vũ Hán, cũng nhận thấy rằng mã sức khỏe của cô đã chuyển sang màu đỏ sau khi đăng ký đi du lịch đến Hà Nam vào ngày 11/6.

Cô cho biết, “Cảnh sát có thông tin nhận dạng từ lần cuối cùng tôi đi biểu tình vào tháng 4” và cô đã mất quyền sử dụng 2,3 triệu NDT (341.550 USD).

Những người gửi tiết kiệm khác nói với Reuters rằng họ có thể đến Trịnh Châu bằng tàu hỏa và ô tô, nhưng khi họ quét mã ở Trịnh Châu, mã sức khỏe đã chuyển sang màu đỏ.

Một số người gửi tiết kiệm nói với Bloomberg rằng mã sức khỏe của họ đã chuyển sang màu đỏ khi được quét tại nhà ga xe lửa chính của Trịnh Châu, nghĩa là họ không thể di chuyển tự do được nữa. Những người này cho biết mã số sức khỏe của họ vẫn còn xanh khi rời khỏi nhà.

Theo các thành viên của một nhóm WeChat, hơn 200 người gửi tiền tiết kiệm đã bị chặn cùng lúc khi mã sức khỏe của họ chuyển sang màu đỏ.

Hai trong số những người nói chuyện với Bloomberg cho biết, họ đã được đưa đến một trường học địa phương ở Trịnh Châu và được cảnh sát thông báo rằng họ phải quay trở về.

Theo “Nam Hoa Tảo Báo” (South China Morning Post), ông Trương, chủ một nhà máy nhỏ ở thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, đã lên kế hoạch đến Trịnh Châu vào thứ Hai tuần này (13/6) để tham gia biểu tình.

Nhưng vào thứ Bảy (11/6), ông phát hiện ra rằng mã sức khỏe Trịnh Châu của mình đã chuyển sang màu đỏ. Khi đó, ông vẫn chưa ra khỏi thị trấn. Hơn nữa, ông mới nhận được kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính vào thứ Bảy tuần trước.

Ông quyết định đi bằng mọi cách. Sau khi đến ga xe lửa Trịnh Châu vào thứ Hai (13/6), mã vẫn hiển thị màu đỏ sau khi quét. Ngay lập tức ông bị cảnh sát địa phương đưa đến thư viện một trường đại học, cùng với khoảng 10 người gửi tiền khác.

Ông Trương chỉ là một trong số rất nhiều người bị đóng băng tiền tiết kiệm cả đời trong các ngân hàng ở Hà Nam. Năm 2020, ông gửi dần 3,3 triệu NDT (489.810 USD), tương đương một nửa tài sản của mình, vào 4 ngân hàng thông qua một ứng dụng quản lý tài chính do Baidu sở hữu.

Vào tháng 4, ông thấy mình không thể đăng nhập vào ngân hàng trực tuyến. Khi xem các bản tin, ông bắt đầu gọi điện cho các cơ quan quản lý và đến Trịnh Châu để phản đối lần đầu tiên vào tháng Năm.

id13759572 301aa92b63a 00cebfc9d68e609d862ea132 600x450 1
Người gửi tiền đổ xô đến Trịnh Châu, Hà Nam để bảo vệ quyền lợi của mình. (người được phỏng vấn cung cấp)

Một số người gửi tiết kiệm không phản đối cũng bị ảnh hưởng liên đới

Mặc dù không thể xác định liệu mã sức khỏe đổi màu là để ngăn cản những người biểu tình hay vì lý do nào khác, 3 người gửi tiền nói với Reuters rằng họ biết những người đã đăng ký đi du lịch đến Hà Nam. Những người này không liên quan đến các khoản tiền bị đóng băng và mã sức khỏe của họ không biến thành màu đỏ.

Nam Hoa Tảo Báo đưa tin, một người đàn ông họ Viên (Yuan) đến từ Thâm Quyến cũng cho biết, mã sức khỏe của ông đã chuyển sang màu đỏ vào thứ Bảy (11/6), mặc dù gần đây ông không rời khỏi Thâm Quyến.

Ông có 350.000 NDT (52.000 USD) tiền gửi tại 2 ngân hàng thôn ở Hà Nam. Khi ông Viên liên lạc với chính quyền địa phương, ông được cho biết, tỉnh Hà Nam đã cấp cho ông mã sức khỏe màu đỏ. Mã này được đồng bộ hóa với nền tảng các vấn đề hành chính quốc gia, hạn chế việc di chuyển của ông, ngay cả ở Thâm Quyến.

Ông không thể vào những nơi công cộng hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đến sáng thứ Ba (14/6), ông mới nhận được cuộc gọi từ bộ phận phòng chống dịch bệnh của Hà Nam, thông báo rằng mã số sức khỏe của ông đã chuyển sang màu xanh trở lại.

Luật sư: Sử dụng mã sức khỏe để ngăn chặn các cuộc biểu tình là bất hợp pháp

Trước đây, mã sức khỏe đã bị chỉ trích là một công cụ giám sát hàng loạt, có thể bị các nhà chức trách lạm dụng. Cáo buộc lạm dụng các quy tắc của bộ luật y tế này đã thu hút sự phản đối kịch liệt của công chúng trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số người gọi đây là cách lạm dụng hệ thống “có sáng tạo”.

Nam Hoa Tảo Báo cho biết, một luật sư xin giấu tên nói rằng nếu quả thực chính quyền địa phương sử dụng bộ luật y tế, nhằm kiểm soát việc đi lại của người biểu tình, thì hành vi này sẽ vi phạm nhiều điều khoản của pháp luật.

“Mục đích của việc thu thập thông tin cá nhân là để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh”, luật sư nói.

Ông nói thêm rằng bằng cách gán mã màu đỏ cho những người gửi tiền của Ngân hàng Nông thôn Hà Nam, các nhà chức trách chắc chắn đã lấy được thông tin cá nhân của họ. “Quá trình thu thập dữ liệu này là bất hợp pháp … không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một sự lạm quyền.”

Những người bị ảnh hưởng bởi việc đóng băng tiền gửi ngân hàng nói với Nam Hoa Tảo Báo rằng họ vẫn lên kế hoạch tiếp tục phản đối, mặc dù dường như họ đã không còn sự lựa chọn nào khác.

“Đây là tài sản của tôi”, một người đàn ông ở tỉnh Hà Bắc nói, “Tôi đã làm việc 20 năm và tiết kiệm được 2 triệu NDT (khoảng 297.412 USD) … Nếu không lấy lại được tiền, tôi không thể sống nổi.”

Bốn ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam đã đóng băng dịch vụ rút tiền trực tuyến và di động vào tháng Tư. Truyền thông địa phương dẫn lời Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cho biết, cuộc điều tra phát hiện ra rằng Xincaifu Group (Ngân hàng Tân Tài Phú) Hà Nam, một công ty đầu tư tư nhân nắm giữ cổ phần tại 4 ngân hàng, đã thông đồng với nhân viên ngân hàng để thu hút trái phép tiền công thông qua các nền tảng trực tuyến, dẫn đến việc đóng băng tiền gửi. Một cuộc điều tra đang diễn ra và không rõ liệu số tiền có bị mất hay không.