Gần đây, các nhân viên chống dịch từ thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đã xông vào nhà của người dân đang bị cách ly, dùng gậy sắt đánh đập và giết hại tàn nhẫn một con chó cưng được người dân nuôi. Điều này khiến dư luận lo ngại và lên án. Hiện tại, sự kiện này vẫn tiếp tục lên men và các chủ đề liên quan đều nằm trong danh sách tìm kiếm nóng.

Ngày 12/11, cô Phó, một cư dân tại tiểu khu Hoa Viên Kim Phượng thuộc quận Tín Châu, thành phố Thượng Nhiêu, đăng trên Weibo rằng cô đã nhận được thông báo của giới chức vào sáng sớm cùng ngày. Thông báo cho biết cư dân của tiểu khu này được sắp xếp cách ly tại các khách sạn chỉ định. Nhân viên phòng chống dịch đảm bảo với cô Phó rằng chỉ cần buộc chó lại, họ chỉ có trách nhiệm sát trùng, và sẽ không mang chúng đi hoặc tiêu huỷ chúng.

Tuy nhiên, sau khi đến khách sạn cách ly, chiều hôm đó cô Phó đã nhìn thấy một cảnh tượng khác trong nhà mình từ camera được cài đặt trên màn hình điện thoại di động của mình.

Cô Phó nói, hai nhân viên chống dịch mặc quần áo bảo hộ đã cạy cửa vào nhà và cố gắng đưa chó chân ngắn Corgi (chó cưng) đi. Sau khi chú chó nhỏ giãy giụa thoát thân, nhân viên này đã dùng thanh sắt đánh thẳng vào đầu nó.

Để tránh bị đánh đập, chú chó cưng đã chạy sang các phòng khác. Mặc dù màn hình không thể ghi lại hình ảnh nhưng vẫn có thể nghe thấy tiếng hét yếu ớt của chú chó nhỏ. Vài phút sau, nhân viên chống dịch cầm một chiếc túi ni lông màu vàng trên tay và thông báo với cô Phó qua màn hình: “lãnh đạo yêu cầu giải quyết tại chỗ” “xử lý xong phải đem nó đi.” Cô Phó hỏi “lãnh đạo nào?”  thì đối phương không trả lời.

Sau khi cô Phó tiết lộ, câu chuyện đã gây ra nhiều tranh cãi. Ngày 13/11, giới chức địa phương đã đưa ra một thông báo, thừa nhận rằng các nhân viên phòng chống dịch đã “cạy cửa” vào nhà và “xử lý những con chó cưng một cách an toàn.”

Thông báo cũng nói rằng giới chức đã “điều động chức vụ công tác” của nhân viên có liên quan và yêu cầu họ “xin lỗi” các bên liên quan, nhằm giành được sự “thông cảm” từ cư dân mạng.

Tuy nhiên, cô Phó nói với giới truyền thông Đại Lục rằng các nhân viên của giới chức vẫn chưa tìm đến cô để giải thích chuyện gì đã xảy ra. Khi sự việc tiếp tục lên men, cô và những người xung quanh đã phải chịu rất nhiều áp lực.

Khi tương tác với cư dân mạng, cô cho biết: “Giờ thì mọi mối đe dọa đang ập đến”; “Nếu bây giờ không xóa (video giám sát) thì ngày mai sẽ thất nghiệp”; “Ý của cơ quan là nếu không xóa bài viết, thì hãy gói ghém đồ đạc đi khỏi đây”; “Bố mẹ tôi không chịu nổi nữa rồi.” Cô cũng cầu cứu: “Phải làm sao khi không thể đối đầu với chính phủ”.

Ngoài ra, một người không rõ danh tính đã gọi điện và đe dọa cô Phó, yêu cầu cô phải xóa video trên Weibo về vụ việc Thượng Nhiêu xông vào nhà đánh chó. Trong cuộc gọi, người này không chỉ ủng hộ chính sách phòng chống dịch của giới chức, mà còn nắm được thông tin cá nhân của cô.

Hiện tại, cô Phó đã cài đặt quyền riêng tư trên Weibo của mình. Tất cả các Weibo về “Thượng Nhiêu vừa cách ly, nghi ngờ một chú chó cưng bị đánh chết” đã “biến mất”.

Quận Quảng Tín của thành phố Thượng Nhiêu, nơi cô Phó đang ở, hiện đang thực hiện chính sách xoá sổ ca nhiễm về 0 cực kỳ nghiêm ngặt do chính quyền ĐCSTQ thực hiện. Người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm. Địa phương này đã áp dụng các biện pháp kiểm soát giao thông nghiêm ngặt trên các tuyến đường đô thị, với lý do ngăn ngừa dịch bệnh. Những người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.

Phóng viên của Epoch Times đã tìm kiếm trên Internet và nhận thấy rằng trải nghiệm của cô Phó không phải là duy nhất ở Trung Quốc vào thời điểm xảy ra dịch bệnh.

Theo báo cáo của Eastday.com (Đông Phương Net), gần đây một cư dân mạng cùng sống với cô Phó trong tiểu khu Hoa viên Kim Phượng, thuộc thành phố Thượng Nhiêu cũng gặp phải trường hợp tương tự. Theo China News, ngày 10/2 năm nay, chủ đầu tư của một tiểu khu tại Tây An, Thiểm Tây dắt chó xuống lầu đi dạo. Nhân viên phòng chống dịch đã đánh chết chú chó cưng với lý do không thể dắt chó đi dạo trong thời gian phòng chống dịch.

Ở Bắc Kinh cũng xảy ra tình trang tiêu hủy thú cưng tương tự. Theo SCPM, cô Lisa Li, cư dân Bắc Kinh, cẩn thận hơn bao giờ hết để không bị nhiễm bệnh. Cô đã thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội và tuân theo các biện pháp khác để bảo vệ bản thân, đồng thời cho biết nếu có một đợt bùng phát ở Bắc Kinh, cô sẽ tự cách ly ngay lập tức và cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. “Nếu tôi tình cờ bị nhiễm COVID-19, điều gì sẽ xảy ra nếu con mèo của tôi chết đói hoặc bị giết khi tôi đang bị cách ly?” cô nói với tờ SCMP.

Cũng trong tháng này, một cư dân Thành Đô đã viết trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng con mèo của cô đã bị giết sau khi cô được chuyển từ nhà đến nơi cách ly. Chỉ 2 tháng trước, một phụ nữ Cáp Nhĩ Tân cũng nói trên Weibo rằng 3 con mèo của cô đã bị nhân viên địa phương giết chết sau khi chúng xét nghiệm dương tính với virus. Các nhân viên đã phản bác lại, nói rằng không có phương pháp điều trị nào dành cho động vật và giết chúng là lựa chọn duy nhất.

Các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc coi vụ xông vào nhà đánh chó ở Thượng Nhiêu là một ví dụ để chỉ ra rằng: “Trong thời kỳ phòng chống dịch đặc biệt, sẽ khó tránh khỏi việc có những hành động đặc biệt” và “cần có được sự hiểu biết xã hội.” Tuy nhiên, luật sư Vương Tiểu Minh tại Đại Lục đã đưa ra một văn bản, cho biết chỉ xét riêng về mặt pháp luật, hành vi tiêu hủy thú cưng của nhân viên chống dịch đã không hợp pháp về bản chất và thủ tục pháp lý.

Luật sư Vương Tiểu Minh cho biết:

  1. Hành vi “tiêu hủy” thú cưng thiếu căn cứ thực tế nghiêm trọng;
  2. Thủ tục “tiêu hủy” thú cưng là bất hợp pháp;
  3. Phải bồi thường cho việc tiêu hủy động vật bị nhiễm bệnh theo quy định của pháp luật;
  4. Sự cố xử lý dịch bệnh này là một hành vi quản lý hành chính, được thực hiện dưới sự lãnh đạo của cơ quan hành chính. Nên cơ quan này phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Đồng thời yêu cầu “nhân viên có liên quan” phải xin lỗi, vì rõ ràng là đã xử lý không thỏa đáng.

Về vụ việc vào nhà đánh chó ở Thượng Nhiêu, nhà văn Thuỷ Mục Đinh tại Đại Lục viết trên Weibo rằng có một câu nói cổ của Trung Quốc, mô tả mối quan hệ giữa chính quyền và người dân là: “Nước có thể chở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền.” Hiện giờ là nước có thể chở thuyền, và nước cũng có thể chảy đi. Nhân khẩu mất đi, thuế sẽ lấy từ đâu? Nếu chính quyền địa phương không trân trọng người dân của mình, họ nhất định sẽ thua.

Bình Minh (t/h)

Xem thêm: