Tin từ Trung Quốc Đại Lục mới đây cho thấy, có trường hợp người bệnh đồng thời nhiễm cúm A, cúm B và COVID-19, gây lo ngại khả năng phát sinh biến chủng mới.

Cum A Trung Quoc
Xếp hàng đăng ký khám bệnh trong đợt bùng phát cúm A hồi tháng 3/2023. (Ảnh chụp màn hình video)

Cách hiểu thông thường của nhiều người cho rằng bệnh cúm hay thậm chí COVID-19 là bệnh của mùa đông, đến mùa xuân sẽ tự nhiên dần suy giảm, mùa hè sẽ tan biến. Nhưng dịch bệnh năm nay tại Trung Quốc Đại Lục, nhất là các khu vực phía nam, dường như nhiệt độ càng nóng thì tình hình dịch bệnh càng tăng. Vấn đề là có trường hợp bệnh nhân cùng lúc đồng thời nhiễm cái gọi là cúm A, cúm B và COVID-19; mọi người còn lo ngại về mức độ lây lan mạnh của dịch bệnh, thường thấy một người nhiễm lây cho cả gia đình…

Gần đây, phòng khám sốt tại các bệnh viện nhiều nơi ở phía nam Trung Quốc chật kín người khám, nhiều trường học đóng cửa, tìm thuốc Oseltamivir (Tamiflu) cũng khó.

Cum A Trung Quoc 2
Đăng ký khám bệnh trong đợt bùng phát cúm A hồi tháng 3/2023. (Ảnh chụp màn hình video)

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, có bệnh nhân đồng thời bị nhiễm 3 loại virus là cúm A, cúm B, và COVID-19. Theo đó, Giám đốc Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong) của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Trung Quốc, nhắc nhở rằng có thể có nguy cơ đồng thời mắc cúm A và COVID-19. Điều dư luận lo lắng là liệu 3 bệnh truyền nhiễm cúm A, cúm B và COVID-19 có hình thành những chủng đột biến mới và dẫn đến bùng phát dịch bệnh nguy hiểm hơn hay không.

Theo số liệu công khai ngày 8/4 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, so với số liệu ngày 1/4, trong 8 ngày từ 30/3 – 6/4 phát hiện thêm 50 trường hợp nhiễm chủng đột biến tại “khu trọng điểm theo dõi”. Tính đến ngày 6/4, số bệnh nhân bị sốt trung bình hàng ngày đến các bệnh viện thông thường ở Trung Quốc là khoảng 384.000, và tỷ lệ dương tính COVID-19 đã tăng từ mức thấp nhất là 1,9 lên 2,6. Trước thực tế là dữ liệu chính thức của nhà chức trách Trung Quốc luôn bị giảm bớt, có nghi ngờ rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Trong 8 ngày đầu tháng 4/2023, Trung Quốc có 8 chuyên gia y tế nổi tiếng lần lượt qua đời vì bệnh tật, trong đó ít nhất 6 người là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm: chuyên gia tim mạch Đới Thụy Hồng (Dai Ruihong) là người đã phát minh ra “thuốc xạ hương dưỡng tim”, chuyên gia Triệu Quốc Cử (Zhao Guoju) tham gia sáng lập Đại học Y khoa Hồ Bắc, cựu Hiệu trưởng Đồ Thông Kim (Tu Tongjin) của Đại học Quân y thứ 4, chuyên gia tim mạch Hứa Khắc Thành (Xu Kecheng) tại Bệnh viện Số 1 thuộc Đại học Y khoa Trung Quốc, cựu Hiệu trưởng Vương Chính Luân (Wang Zhenglun) của Đại học Y khoa Thiên Tân là giáo sư dịch tễ học…

Vào ngày 4/4/2023, Công ty Luật Kinh Đô (Jingdu) đã đưa ra cáo phó cho biết ông Lưu Ba, một đảng viên xuất sắc của ĐCSTQ và là đối tác cấp cao của Công ty Luật Kinh Đô đã qua đời lúc 13:05 chiều ngày 2/4 khi chỉ 47 tuổi, nguyên nhân vì bệnh không thể chữa trị.

Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc Đại Lục đã có ít nhất 10 luật sư đã chết vì bệnh. Ngoài ra còn nhiều quan chức cấp cao và người nổi tiếng liên tục chết vì bệnh tật: Ngày 4/4, cựu phó tổng biên tập Nhân dân Nhật báo là Tạ Quốc Minh (Xie Guoming) qua đời vì bệnh, hưởng thọ 66 tuổi; ngày 3/4, đảng viên ĐCSTQ và là cựu phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh An Huy, ông Lý Tu Tùng (Li Xiusong) qua đời tại Hợp Phì ở tuổi 66 do “bệnh đột phát”; ngày 1/4, cựu Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô là La Chí Quân (Luo Zhijun) qua đời vì bệnh, hưởng thọ 72 tuổi; cùng ngày 1/4, Ủy viên Trương Hồng Tinh (Zhang Hongxing) của Ban Thường vụ Thành ủy Trùng Khánh cũng qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 55…