Chính sách “xóa sổ ca nhiễm về 0” hay còn gọi “Zero COVID” nghiêm ngặt và các biện pháp phong tỏa cực đoan của chính quyền Bắc Kinh đã tác động lớn đến nền kinh tế, thậm chí có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát toàn cầu.

Kiep nan 6
Một rào chắn lớn chặn lối vào một khu dân cư trong dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), tại Thượng Hải, ngày 23/2/2020. (Ảnh: Chengwei Tu/Shutterstock)

Chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng một chiến lược nghiêm ngặt nhằm loại bỏ các ca nhiễm COVID-19, nhưng cái giá mà nền kinh tế phải trả cho mô hình phòng chống dịch này rất đắt.

Hơn nữa, thái độ hiếu chiến của chính quyền ĐCSTQ trên trường quốc tế cũng khiến các nước khác phải suy nghĩ lại về việc giao lưu kinh tế và phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này cũng liên tiếp ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Thời gian gần đây, biến thể Omicron vẫn tiếp tục càn quét khắp thế giới. Mặc dù chính phủ của nhiều quốc gia đã thực thi hoặc khôi phục các biện pháp kiểm soát ở các mức độ khác nhau, nhưng số ca nhiễm mới được xác nhận trên toàn cầu vẫn đạt mức cao kỷ lục.

Vào tuần cuối cùng của năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, các nhà chức trách vẫn ‘bổn cũ soạn lại’, tiếp tục đóng cửa thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, một đô thị 13 triệu dân.

Tây An là kinh đô đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, với lịch sử hơn 3.100 năm xây dựng thành và 1.077 năm xây dựng kinh đô. Từ góc độ vị trí địa lý, Tây An nằm tại trung tâm của Trung Quốc, giữa đồng bằng Vị Hà ở Quan Trung, gần với vị trí tâm hình học. Đây cũng là thành phố trung tâm quốc gia của Trung Quốc và là thành phố cốt lõi của tập hợp đô thị Quan Trung, cũng như trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giao thông, y tế và giáo dục khu vực Tây Bắc, Trung Quốc.

Nhóm “Kinh tế Chính trị Thiên Quân” đã viết một bài báo có tên “Cố đô nghìn năm trở nên cô đơn, vì sao virus lại chọn Tây An?” Bài báo chỉ ra, Tây An đã trở thành một cơ sở công nghiệp công nghệ cao và cơ sở sản xuất tiên tiến của các ngành công nghiệp bán dẫn, hàng không vũ trụ và ô tô của Trung Quốc.

Ngày 15/9 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã đến thăm một căn cứ quân sự đóng tại Thiểm Tây và rất chú trọng đến sự phát triển của công nghệ hàng không, cùng việc quản lý và kiểm soát khủng hoảng không gian.

Bài viết nhìn nhận, việc đóng cửa thành phố Tây An không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ cao và nền sản xuất, kinh tế, thương mại xuất nhập khẩu, công nghiệp quân sự Trung Quốc, mà còn tấn công, thậm chí phá vỡ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng đó, chính quyền Bắc Kinh ắt sẽ đứng ngồi không yên.

Hơn nữa, việc chính phủ kéo dài chính sách “Zero COVID” rất đáng lo ngại. Phong tỏa trong thời gian dài sẽ khiến xã hội phải trả một cái giá rất đắt về kinh tế.

Ngày 3/1/2022, Eurasia Group, một công ty tư vấn nổi tiếng của Mỹ, đã công bố 10 dự báo rủi ro hàng đầu thế giới năm 2022. Dự báo tin rằng sự thất bại của chính sách phòng chống dịch “Zero COVID” của Trung Quốc có rủi ro lớn nhất thế giới, vì nó có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát toàn cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Ian Bremmer, Chủ tịch của Eurasia Group, cho biết: “Cùng tồn tại với chủng virus dễ lây lan nhưng không gây tử vong là điều hoàn toàn trái ngược với chính sách ‘Zero COVID’ của Trung Quốc. ‘Zero COVID’ sẽ không hữu ích, nhưng họ (Trung Quốc) vẫn tiếp tục. Điều này có nghĩa là họ sẽ thực hiện kiểm dịch và phong tỏa nghiêm ngặt hơn. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế của họ, và hiệu quả sẽ không tốt lắm. Nhưng ông Tập Cận Bình đã không còn đường lui.”

Trong báo cáo, ông Ian Bremmer và ông Cliff Kupchan, chủ tịch của Eurasia Group nhấn mạnh, chính sách “Zero COVID’” của Trung Quốc không chỉ không kiểm soát được dịch bệnh, mà còn có thể dẫn đến các đợt bùng phát quy mô lớn hơn, từ đó họ lại phải phong tỏa chặt chẽ hơn. Cứ như vậy sẽ dẫn đến sự hỗn loạn kinh tế lớn hơn và nhà nước sẽ can dự nhiều hơn.

Theo báo cáo, lạm phát cao sẽ gây ra bất bình đẳng, gia tăng bất an kinh tế và sự bất mãn của người dân, đồng thời sẽ tiếp tục là thách thức kinh tế và chính trị hàng đầu. Ngoài ra, các nước đang phát triển sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vào năm 2022. Nó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi và khiến các chính phủ nghèo hơn phải cõng nhiều nợ hơn.

Lý Chính Hâm / Vision Times

Xem thêm: