Gần đây, giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố số cặp vợ chồng ở Trung Quốc bị hiếm muộn (vô sinh) đã ở mức cao kỷ lục: hơn 50 triệu cặp. Để giải quyết cuộc khủng hoảng dân số, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm các cơ sở hỗ trợ sinh sản ở 12 tỉnh để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn thụ thai nhân tạo. 

piqsels.com id frhqc
Trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa: piqsels)

Bài toán xử lý khủng hoảng dân số do hơn 50 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn?

Gần đây tại Trung Quốc, chủ đề “nhiều tỉnh có kế hoạch thành lập thêm các cơ sở hỗ trợ sinh sản mới” đã được tìm kiếm nóng, thu hút sự quan tâm.

Theo tin, 12 tỉnh trong đó có Thượng Hải, Hà Bắc, Hà Nam, Thiên Tân, Quý Châu, An Huy, Thiểm Tây và Sơn Tây đã ban hành “Kế hoạch ứng dụng công nghệ trong sinh sản để hỗ trợ con người (2021-2025)”. Theo đó, như Tứ Xuyên yêu cầu cần 5 năm để tăng số lượng các cơ sở lên đến 20, tiếp theo là các tỉnh có kế hoạch bổ sung không quá 10 cơ sở mới như An Huy, Thiểm Tây, Giang Tô….

Theo số liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia của ĐCSTQ công bố, tính đến ngày 30/6/2020, có 523 “cơ sở y tế hỗ trợ sinh sản” hợp pháp ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều cần chú ý là Hiệp hội Dân số và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Trung Quốc đã tăng từ 2,5% – 3% năm 1995 lên 12% – 18% trong thời gian từ năm 2007 – 2020. Theo đó, có khoảng 50 triệu người vô sinh và dữ liệu này vẫn đang tăng lên.

Sau cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 31/5 quyết định cho sinh 3 con, nước này đã tích cực đưa ra một số chính sách khuyến khích sinh con, nhưng không thể giải quyết được vấn đề ngày càng nghiêm trọng là già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh.

Theo “Niên giám thống kê Trung Quốc 2021” vừa được công bố trên trang web của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ sinh vào năm 2020 là 8,52 phần nghìn, lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 phần nghìn, một kỷ lục mới tính từ năm 1978. Đồng thời, số liệu thống kê vào năm 2020 về số người đăng ký kết hôn của Trung Quốc là 8.143.300 cặp, giảm 1,13 triệu so với năm 2019. Đây cũng là năm thứ 7 giảm liên tiếp kể từ khi đạt 13.469.3000 cặp vào năm 2013.

Vì lý do này, vào tháng 9 năm nay, các cơ quan truyền thông của ĐCSTQ bắt đầu quảng bá các tổ chức hỗ trợ sinh sản và trẻ sơ sinh trong ống nghiệm, nhưng dân chúng thờ ơ đối với tuyên truyền này.

Một số người chỉ trích nhiều vấn đề như tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chất lượng thực phẩm không đảm bảo, áp lực công việc… đã khiến nhiều người bị vô sinh. Số khác lại phàn nàn rằng thụ tinh ống nghiệm không chỉ có tỷ lệ thành công thấp mà còn tốn kém và khiến phụ nữ chịu nhiều cực khổ.

Tiến sĩ Dị Phú Hiền (Yi Fuxian), một nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin (Mỹ), nói với tờ The Guardian của Anh rằng mặc dù ĐCSTQ đang làm những gì mà trước đây Chính phủ Nhật Bản đã làm, nhưng nguồn lực của họ không được như Chính phủ Nhật Bản, không thể cung cấp chăm sóc y tế và giáo dục miễn phí.

Ông tin rằng khó khăn của ĐCSTQ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng dân số còn lớn hơn so với khó khăn khi phải thực hiện “cải cách và mở cửa” vào năm 1979.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc có thể còn thấp hơn Nhật Bản

Thực tế, vấn đề dân số Trung Quốc đã trở thành một trong những chủ đề nhạy cảm đối với ĐCSTQ.

Ngày 11/5/2021, nhóm điều tra dân số của Quốc vụ viện và Cục Thống kê Quốc gia cuối cùng đã công bố báo cáo điều tra dân số 10 năm cho thấy, dân số Trung Quốc sẽ vượt quá 1,4 tỷ người vào năm 2020. Trong đó, năm 2020 có 12 triệu người sinh ra ở Trung Quốc Đại Lục, giảm 18% so với năm 2019 và giảm 33% so với năm 2016 khi chính sách cho sinh 2 con mới được áp dụng, trở thành năm có số trẻ mới sinh và tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ khi ĐCSTQ nắm quyền tại Trung Quốc (1949).

Đồng thời, tổng tỷ lệ sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Trung Quốc vào năm 2020 chỉ là 1,3, và tỷ lệ sinh 1 con thấp hơn so với tỷ lệ sinh con thứ 2.

Ông Lương Kiến Chương (Liang Jianzhang), giám đốc điều hành của Ctrip Group và là nhà văn chuyên mục “Dân số và Kinh tế” trên trang Caixin.com tại Trung Quốc, từng viết cảm thấy sốc về dữ liệu tỷ lệ sinh 1,3. Nhưng vấn đề là tỷ lệ này còn tiếp tục giảm, vì dữ liệu mức sinh này cũng bao gồm hiệu ứng tích lũy sinh 2 con đang dần biến mất… Hiệu ứng tích lũy đã làm cho tỷ suất sinh những năm gần đây cao hơn tỷ suất sinh tự nhiên 0,2 – 0,3 trẻ, sau khi bỏ hiệu ứng tích lũy thì tỷ suất sinh tự nhiên chỉ còn 1,0 – 1,1”.

Ông tin rằng tình hình dân số của Trung Quốc là nghiêm trọng nhất trên thế giới. “Tỷ lệ trẻ mới sinh và tỷ lệ người sinh đẻ của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong 10 năm tới…  Nếu không có chính sách can thiệp mạnh mẽ, có thể vài năm tới dân số mới sinh của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 10 triệu, tỷ lệ sinh sẽ thấp hơn của Nhật Bản và có lẽ là thấp nhất thế giới”.

Khủng hoảng kép do vấn đề dân số

Như chúng ta biết, “chính sách một con” do ĐCSTQ thực hiện vào cuối những năm 1970, không chỉ làm Trung Quốc mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ lệ giới tính nam và nữ, còn khiến lực lượng lao động giảm dần theo từng năm.

Bloomberg từng chỉ ra rằng Trung Quốc đang phải trả một cái giá kinh tế rất lớn cho chính sách “kế hoạch hóa gia đình” kéo dài 36 năm. Truyền thông Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ thậm chí còn đăng một bài bình luận chỉ rõ, hiện nay vấn đề sinh con không còn là chuyện của gia đình mà là “chuyện quốc gia”.

Năm nay Đài BBC của Anh cũng trích dẫn tin điều tra dân số cho hay dân số Trung Quốc ở độ tuổi 60 trở lên là 264,02 triệu người, chiếm 18,70%, so với 10 năm trước đã tăng 5,44%.

Cần lưu ý rằng Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới có hơn 100 triệu người cao tuổi. Dân số 200 triệu người cao tuổi tương đương với dân số của Indonesia, nhiều hơn dân số của các nước lớn như Brazil, Nga và Nhật Bản.

Về vấn đề này, bà Tô Nguyệt (Su Yue) – nhà phân tích chính của Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit (EIU), từng nói rằng chính sách mở cửa cho sinh con thứ hai của ĐCSTQ không thể giúp thay đổi xu thế tỷ lệ sinh ở Trung Quốc suy giảm nhanh chóng.

Dự báo của ông Dị Phú Hiền thuộc Viện nghiên cứu Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) thậm chí còn bi quan hơn. Ông tin rằng với sự phát triển kinh tế, tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, cộng với kế hoạch hóa gia đình trong thời gian dài dẫn đến tốc độ suy giảm dân số Trung Quốc như lao dốc, khiến cuộc khủng hoảng già hóa sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông cho biết thêm Trung Quốc khác với các nước phát triển, hiện nay nền kinh tế Trung Quốc giống như chiếc máy bay đang ở trên không, nhưng đột nhiên không đủ nguồn lao động, giống như máy bay đột nhiên hết nhiên liệu. Đây sẽ là thảm họa cho nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí cả nền kinh tế thế giới.

Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: