Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chi tiền khủng để thuê các công ty quan hệ công chúng (PR) ở Mỹ phát động các cuộc tuyên truyền chớp nhoáng trên mạng xã hội, nhằm quảng bá mạnh mẽ sự kiện này và khôi phục hình ảnh của họ.

Embed from Getty Images

Các nhà hoạt động biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, California vào ngày 3/11/2021, kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 do lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. (Nguồn:Frederic J. BROWN/ AFP/ Getty Images)

Căn cứ vào “Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài” (FARA) của Bộ Tư pháp Mỹ, có thể thấy Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York đã thuê công ty PR của Mỹ là Vippi Media để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng.

Công ty Vippi Media có trụ sở chính tại Englewood, bang New Jersey, đã đăng ký với Bộ Tư pháp với tư cách là đại lý của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại New York vào ngày 10/12.

Hợp đồng giữa Tổng lãnh sự ĐCSTQ tại New York và Vippi Media có hiệu lực từ ngày 22/11 đến ngày 13/3 năm sau, bao gồm giai đoạn quan trọng kéo dài gần 3 tháng trước và sau Olympic Bắc Kinh. Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York phải trả cho Vippi 300.000 USD, và Vippi đã nhận tạm ứng 210.000 USD.

Phía ĐCSTQ yêu cầu Vippi Media thuê 8 người có ảnh hưởng để sản xuất ít nhất 24 bài đăng trên mạng xã hội về Olympic, lịch sử Bắc Kinh và quan hệ Mỹ – Trung, sau đó tập trung phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Twitch và TikTok.

Hợp đồng cũng quy định 70% nội dung mà Vippi chuyển tải là những điều thú vị và ý nghĩa về Olympic Bắc Kinh tại “trước/ trong/ sau trận thi đấu”, như sự chuẩn bị của các vận động viên, xu hướng mới, những khoảnh khắc xúc động và lịch sử của Bắc Kinh, di tích văn hóa và cuộc sống hiện đại của người dân.

20% nội dung nói về “hợp tác trong quan hệ Mỹ – Trung và mọi điều tốt đẹp khác”, chẳng hạn như hợp tác Mỹ – Trung trong trao đổi cấp cao, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, năng lượng mới…

10% nội dung còn lại tập trung vào các tìm kiếm nóng và các tin tức thời sự từ Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York.

Theo lời tự giới thiệu trên trang web cá nhân của ông Vipp Jaswal, người sáng lập Vippi Media, ông Vipp là một cựu nhà đàm phán con tin, Giám đốc điều hành của một công ty tư vấn trí tuệ giữa các cá nhân, một chuyên gia viết báo cho Newsweek và là một cựu MC phát thanh quốc gia. Ông nói rằng ông có 30 năm kinh nghiệm quốc tế trong quản lý cấp cao của các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 về lĩnh vực truyền thông và tài chính, sự nghiệp của ông “trải dài khắp 7 quốc gia trên 3 châu lục”.

Hoa Kỳ, Canada, Úc, Vương quốc Anh và các quốc gia khác đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh vào đầu tháng này để chống lại các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ và sự việc mất tích mới đây của ngôi sao quần vợt Bành Soái sau khi phanh phui bê bối bị cựu Phó Chủ tịch ĐCSTQ Trương Cao Lệ tấn công tình dục.

Các tổ chức nhân quyền đã yêu cầu NBC và các đài truyền hình khác không phát sóng Olympic Bắc Kinh sẽ khai mạc vào ngày 4/2 năm sau. Một số công ty Mỹ như Coca-Cola, Visa, Intel, v.v., cũng chịu áp lực rút khỏi Thỏa thuận tài trợ Olympic.

Khi phong trào tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đang ngày càng dâng cao, ĐCSTQ đã tung ra một cuộc tấn công trên mạng xã hội chống lại Hoa Kỳ. Tờ “Washington Freedom Beacon” nhận xét rằng việc Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York thuê Vippi Media đã đánh dấu một biên giới mới cho hoạt động tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ.

Trong những năm gần đây, khi dư luận quốc tế ngày càng lo ngại về cuộc đàn áp diệt chủng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp phong trào tự do và dân chủ ở Hồng Kông, cũng như từ chối cho phép điều tra mới về nguồn gốc của virus. ĐCSTQ vì để sửa chữa hình ảnh của mình, các hãng truyền thông của Trung Quốc do nhà nước kiểm soát như CGTN, China Daily và Tân Hoa xã, đã chi hàng triệu đô la để sản xuất nội dung ủng hộ Trung Quốc cho khán giả Mỹ. Các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát cũng đã trả thêm hàng triệu USD cho các tờ báo và tạp chí của Mỹ để đăng các bài tuyên truyền ủng hộ Trung Quốc trên báo in và ấn phẩm trực tuyến của họ.

Thành Văn/ Vision Times

Xem thêm: