Ngày 9/1, chính quyền Bắc Kinh chính thức thông báo vắc-xin ngừa virus viêm phổi Vũ Hán (còn được gọi là virus corona mới, virus Trung Cộng, COVID-19) sẽ được tiêm phòng miễn phí cho tất cả người dân. Ủy ban Y tế Quốc gia một lần nữa tuyên bố rằng loại vắc-xin được phát triển ở Trung Quốc là an toàn và hiệu quả, với hiệu quả gần 80%. Nhưng vấn đề quan tâm của nhiều cư dân mạng lại là 100 triệu vắc-xin nhập khẩu đã đi đâu? Và liệu có thể tiêm loại vắc-xin nhập khẩu đó không?

vac
(Ảnh minh họa: Joel Bubble Ben/Shutterstock)

Ngày 9/1, tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh của Cơ chế phòng và kiểm soát dịch bệnh liên ngành thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc gần đây, ông Tăng Ích Tân (Zeng Yixin) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Sức khỏe Quốc gia và phụ trách tổ nghiên cứu và phát triển vắc-xin của Nhóm Nghiên cứu khoa học thuộc Cơ chế Phòng và Kiểm soát dịch bệnh liên ngành của Quốc vụ viện, cho biết, trong quá trình thúc đẩy tiêm phòng cho các nhóm trọng điểm được triển khai vào ngày 15/12, chính quyền địa phương được yêu cầu tổ chức và sắp xếp tiêm vắc-xin tham chiếu theo mô hình xét nghiệm axit nucleic “khu vực nào cần xét nghiệm, thì sẽ xét nghiệm hết”, các cá nhân không phải chịu chi phí vắc-xin và chi phí tiêm chủng.

Cùng ngày, Phó Giám đốc Cục An ninh Y tế Quốc gia Lý Thao (Li Tao) cho biết, sau khi vắc-xin được “đưa ra thị trường có điều kiện”, phí vắc-xin và phí tiêm chủng mà công ty cung cấp theo giá thỏa thuận sẽ do quỹ bảo hiểm y tế và tài chính chi trả, và người dân sẽ không phải chịu chi phí này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Tăng Ích Tân cho biết, kể từ ngày 15/12, việc tiêm chủng cho các nhóm trọng điểm đã chính thức triển khai với gần 7,5 triệu liều, cộng với hơn 1,6 triệu liều cho các nhóm nguy cơ cao trước đó thì hơn 9 triệu liều vắc-xin virus đã được tiêm.

Ông Tăng cho rằng, hơn 9 triệu liều vắc-xin đã được tiêm, một lần nữa chứng minh rằng vắc-xin trong nước tương đối an toàn.

Ngày 9/1, ông Trịnh Trung Vĩ (Zheng Zhongwei), lãnh đạo Tổ công tác nghiên cứu và phát triển vắc-xin của Nhóm Nghiên cứu  khoa học thuộc Cơ chế Phòng và Kiểm soát dịch bệnh liên ngành của Quốc vụ viện, cho biết, vắc-xin sẽ được cung cấp miễn phí cho toàn thể người dân, nghĩa là người dân không cần phải trả bất kỳ một đồng chi phí nào. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển vắc-xin, sản xuất, bảo quản và vận chuyển, các công ty sẽ tổng kết giá thành, sau đó dựa trên giá thành này và dựa trên các thuộc tính của sản phẩm vắc-xin để định giá bán tương ứng. Đồng thời các cơ quan chính phủ cũng sẽ tuân theo các quy trình tương ứng, mua vắc-xin từ các công ty với giá phù hợp để cung cấp miễn phí cho toàn dân. Vì vậy, không có gì mâu thuẫn giữa việc định giá vắc-xin và việc cung cấp vắc-xin miễn phí cho mọi người dân.

Các nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết, sau hai lần tiêm, hiệu quả bảo vệ đạt gần 80%. Giới hạn tuổi tiêm phòng là từ 18 đến 59 tuổi.

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng lại quan tâm nhiều hơn đến vắc-xin ngoại, nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu chúng ta có thể tiêm vắc-xin Pfizer? 100 triệu vắc-xin nhập khẩu đã đi đâu?

Trước đó, theo báo chí đưa tin, Tập đoàn Dược phẩm Thượng Hải Fosun Pharma thông báo đã đạt được thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức để mua 100 triệu liều vắc-xin.

Theo Reuters và các kênh truyền thông khác, tập đoàn Fosun Pharma đã đưa ra một thông báo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào ngày 23/12/2020, cho biết vào năm 2021, công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức hợp tác với công ty Pfizer của Mỹ sẽ cung cấp cho Trung Quốc không dưới 100 triệu vắc-xin, và Fosun Pharma sẽ trả trước 250 triệu Euro cho 50 triệu liều vắc-xin đầu tiên.

Tại sao chính quyền Bắc Kinh gióng trống khua chiêng quảng cáo tính an toàn của vắc-xin trong nước mà lại còn  phải nhập khẩu 100 triệu vắc-xin từ nước ngoài? Một nhà nghiên cứu đã làm việc trong một công ty dược phẩm của Mỹ trong nhiều năm, đã viết một bài báo trên trang tin Wangyi tại Trung Quốc Đại Lục (NetEase), rằng Trung Quốc hiện có 5 loại vắc-xin trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, “con số này thuộc hàng cao nhất thế giới”, nhưng chưa có vắc-xin nào trong số đó đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn III. Do đó, không có dữ liệu đầy đủ để hỗ trợ chứng minh tính an toàn và hiệu quả của chúng.

Trong khi chưa hoàn thành thử nghiệm vắc-xin giai đoạn III, chính quyền Bắc Kinh đã vội vàng tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người ra nước ngoài và nhân viên y tế vào mùa hè và mùa thu năm nay, hậu quả của việc tiêm chủng vẫn chưa được xác nhận bởi bất kỳ dữ liệu khoa học nào và rất khó để theo dõi kết quả sau khi tiêm chủng.

Chuyên gia về vắc-xin Trung Quốc Đào Lê Nạp (Tao Lina) đăng thông tin trên Weibo cho biết, phiên bản điện tử mới nhất của tờ hướng dẫn sử dụng vắc-xin  Sinopharm “Chúng ái khả duy” (Zhong Ai Kewei) cho thấy vắc-xin này có tới 73 loại phản ứng phụ cục bộ hoặc toàn thân, ngoài đau nhức tại nơi tiêm chủng, còn có tăng huyết áp hiếm gặp, và các tác dụng phụ nghiêm trọng như giảm thị lực, mất vị giác, chậm kinh, tiểu tiện không kiểm soát… Ông khẳng định đây là “vắc-xin không an toàn nhất trên thế giới.”

Hiểu Vũ

Xem thêm: