Tòa án Trung Quốc đã kết án hai luật sư nhân quyền nổi tiếng hôm Thứ Hai với mức án hơn một thập kỷ mỗi người, Reuters đưa tin cùng ngày 10/4 và gọi đó tình tiết mới nhất trong cuộc đàn áp kéo dài nhiều năm của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm vào xã hội dân sự Trung Quốc.

ky niem su kien 709
Nhóm quan tâm đến Luật sư nhân quyền Trung Quốc cùng các nhân sĩ trong giới luật pháp tại Hồng Kông cùng tổ chức kỷ niệm “Sự kiện 709” hôm 7/9/2020. (Ảnh từ internet)

Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong, 50 tuổi) và ông Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi, 55 tuổi) đã bị xét xử kín vào tháng 6/2022 với tội danh lật đổ nhà nước tại một tòa án huyện Lâm Thuật tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc, những người thân của họ nói với Reuters vào thời điểm đó.

Hai ông Hứa Chí Vĩnh và Đinh Gia Hỷ là những nhân vật nổi bật trong ‘Phong trào Công dân mới’, nhằm tìm kiếm sự minh bạch hơn về tài sản của các quan chức và để công dân Trung Quốc có thể thực thi các quyền công dân của họ như được ghi trong hiến pháp.

Vợ của ông Đinh, bà Luo Shengchun, sống ở Hoa Kỳ và đã cùng với các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ theo sát vụ án này. Bà nói với Reuters về bản án nhưng cho biết bà không có thêm thông tin chi tiết mới.

Bà nói qua điện thoại, “Luật sư của họ bị cấm công bố các tài liệu phán quyết của tòa án và họ không dám tiết lộ nơi họ bị kết án và với tội danh nào.”

Bà nói sẽ tiếp tục nỗ lực tăng sức ép để biết thêm thông tin, “Tôi sẽ không để họ đưa hai ông Đinh Gia Hỷ và Hứa Chí Vĩnh vào tù dễ dàng như vậy.”

Bà nói rằng ông Hứa lãnh án tù 14 năm và ông Đinh lãnh án tù 12 năm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không biết về các trường hợp này.

“Trung Quốc là một quốc gia được quản lý bởi luật pháp, tất cả đều được đối xử bình đẳng theo luật pháp và các vụ việc được xử lý theo luật pháp,” phát ngôn viên Uông Văn Bân nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hàng ngày.

Tòa án và Bộ Tư pháp đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Hai người đã bị giam giữ hơn 3 năm. Ông Đinh bị cảnh sát bắt vào tháng 12/2019 ngay sau khi tham dự một cuộc tụ họp ở miền nam Trung Quốc cùng với khoảng 20 luật sư và nhà hoạt động khác.

Sau đó, ông bị biệt giam gần 6 tháng trong khi thường xuyên bị tra tấn để buộc phải nhận tội, luật sư Peng Jian của anh ta nói với tòa án.

Ông Hứa, một bạn thân của ông Đinh, người từng viết một bức thư ngỏ kêu gọi ông Tập từ chức, đã bị bắt vào tháng 2/2020 sau khi lẩn trốn.

Bà Luo cho biết thêm, các nhà chức trách đã cấm các luật sư của họ tiếp xúc với truyền thông nước ngoài, và đó là thông lệ ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây nhằm bóp nghẹt dư luận xung quanh các vụ việc liên quan đến các quyền công dân.

Cả hai người trước đó đã bị bỏ tù vì hoạt động tích cực của họ.

Bà Yaqiu Wang, một nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York, bình luận rằng, “Những kết tội và bản án vô lý tàn nhẫn dành cho Hứa Chí Vĩnh và Đinh Gia Hỷ cho thấy sự thù địch không ngớt của Chủ tịch Tập đối với các hoạt động ôn hòa.”

Các phiên điều trần bí mật của họ “có nhiều vấn đề về thủ tục và cáo buộc ngược đãi,” nhóm nhân quyền cho biết thêm.

Trung Quốc đã đàn áp mạnh mẽ những người bất đồng chính kiến ​​kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012. Hàng trăm luật sư nhân quyền đã bị giam giữ và hàng chục người bị bỏ tù trong một loạt vụ bắt giữ thường được gọi là sự kiện 709, ám chỉ cuộc đàn áp vào ngày 9/7/2015.

Trung Quốc bác bỏ những lời chỉ trích về phương diện nhân quyền của họ, nói rằng họ là một quốc gia có pháp quyền và các luật sư hoặc nhà hoạt động nhân quyền bị bỏ tù là do tội đã vi phạm pháp luật.

Nhật Tân