Làn sóng về quê đón Tết của người Trung Quốc đã bắt đầu vào thứ Hai (17/1) trong khi biến thể Omicron đang xuất hiện tại nhiều tỉnh thành. Chính sách chống dịch cực đoan “zero COVID” đã khiến các địa phương cũng áp dụng các biện pháp cảnh giác cao độ và đặt ra nhiều hạn chế đối với người trở về.

Embed from Getty Images

Xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em ở thành phố An Dương tỉnh Hà Nam – Trung Quốc vào ngày 12/1/2022 (Nguồn: STR / AFP/Getty Images). 

Tại Trung Quốc, hàng năm vào dịp chuẩn bị Tết Nguyên Đán lại bùng nổ làn sóng người dân về quê ăn Tết, nhưng bối cảnh biến thể Omicron rất dễ lây lan hiện nay làm tăng nguy cơ dịch bệnh.

Ngày 15/1, có trường hợp nhiễm biến thể Omicron ngay ở thủ đô Bắc Kinh; trước đó biến thể này đã xuất hiện ở các tỉnh và thành phố lớn như Thượng Hải, Thiên Tân, Đại Liên và An Dương, Hà Nam. Thời điểm này chỉ còn cách Thế vận hội Mùa đông 2022 chưa đầy 3 tuần nên việc dịch bệnh bùng phát ở ngay Bắc Kinh đã khiến các nhà chức trách Trung Quốc đặc biệt lo lắng.

Hồi tháng 9/2021, ban tổ chức Olympic Bắc Kinh thông báo sẽ bán vé cho người ở Trung Quốc Đại Lục và không đón khán giả quốc tế. Tuy nhiên, sau đó ban tổ chức cho hay đã hủy kế hoạch bán vé Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh cho công chúng và chỉ cho phép người có vé mời dự các sự kiện. Trong một thông cáo vào ngày 17/1, ban tổ chức Olympic Bắc Kinh cho biết: “Quyết định điều chỉnh kế hoạch ban đầu, từ bán vé cho công chúng thành bố trí khán giả xem các màn thi đấu được đưa ra để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho các nhân viên cùng khán giả.

Cùng ngày 15/1 tại Chu Hải tỉnh Quảng Đông cũng đã thông báo rằng ít nhất phát hiện 7 trường hợp nhiễm chủng Omicron. Hiện nay tất cả các tuyến xe buýt ở thành phố Chu Hải đều bị ngừng chạy, người dân cũng được lệnh “không cần thiết không ra ngoài”, sân bay Chu Hải cũng đã hủy tất cả các chuyến bay đến Bắc Kinh. 

Hôm Chủ Nhật (16/1), các thành phố như Lạc Dương ở miền trung Trung Quốc và Yết Dương ở miền nam Trung Quốc cho biết, những người về quê hoặc du khách nước ngoài trở về thì 3 ngày trước khi đến nơi phải báo cáo hành trình với khu cộng đồng, người sử dụng lao động hoặc khách sạn mà họ đến.

Cùng ngày tại thành phố Ngọc Lâm vùng tây nam Trung Quốc cho biết những người muốn về quê hoặc nhập cảnh phải điền vào biểu mẫu trực tuyến trước một ngày, cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe và thông tin chi tiết về việc đi lại.

Có cư dân mạng đã chia sẻ qua mạng xã hội Twitter bản tóm tắt nhỏ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay của chính quyền các cấp Trung Quốc:

  • Về quê ở cấp thành phố: Người thuộc vùng nguy cơ thấp phải dựa vào mã sức khỏe và mã hành trình;
  • Về quê ở cấp huyện: Có mã sức khỏe, mã hành trình, phiếu báo xét nghiệm axit nucleic, giấy chứng nhận của đơn vị;
  • Về quê ở cấp thị trấn: Phải cách ly trong 14 ngày, cộng với trong 7 ngày ở nhà xét nghiệm;
  • Về quê ăn Tết ở vùng nông thôn khó khăn hơn, nói theo cách của cư dân mạng thì trưởng làng chỉ có một từ duy nhất dành cho người trở về: Cút.

Thậm chí từng có bí thư của một ngôi làng ở Liêu Ninh đã cảnh báo những người dân địa phương “không nghe lời” qua một chiếc loa phát thanh: “Cán bộ làng trang bị cuốc và cho một số tình nguyện viên ở mỗi ngã tư, kẻ nào ra ngoài sẽ bị đánh chết”. Chương trình phát thanh phòng chống dịch ở Quảng Đông còn gây sốc hơn: “Từ tối nay, các cặp vợ chồng phải ngủ giường riêng”, “không hôn, không ôm ấp”.

Các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải đã ra lệnh hoặc khuyến cáo nghiêm khắc người dân không đi lại du lịch năm mới, vì đây là cơ hội duy nhất để nhiều lao động nhập cư ở Trung Quốc có thể về quê. Trong một đoạn video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, một người đàn ông lớn tuổi nói rằng ông và các đồng nghiệp tại một công trường xây dựng ở Trịnh Châu tỉnh Hà Nam đã bị buộc phải dừng công việc, nhưng quê hương của họ có giới hạn nhập cảnh nên ông không thể về được: “Đêm qua tôi ngủ dưới cầu. Không chỉ tôi, cả hơn chục người (cũng ngủ ở đó). Chúng tôi đều là dân lao động. Giờ đi làm quen rồi, không thấy lạnh nữa. Vấn đề là chúng tôi không thể quay trở lại nhà nên rất lo lắng”.

Dù giới chức Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt như vậy nhưng cũng không thể ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng họ càng nỗ lực hơn trong áp dụng chính sách “zero COVID”.

Lý Ngang (Li Ang), phó giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết, một bệnh viện tại địa phương này đã tiếp nhận 9 người bị nhiễm Omicron, 6 người trong số họ vẫn đang được điều trị. Ông không cho biết thời điểm các bệnh nhân nhập viện, cũng không giải thích lý do tại sao không công bố sớm hơn về thực tế lây nhiễm.

Hôm thứ Hai (17/1), CCTV của nhà nước Trung Quốc cho biết 1 trường hợp nhiễm Omicron đã được phát hiện ở Mai Châu tỉnh Quảng Đông, có liên quan đến trường hợp bùng phát ở thành phố Chu Hải tỉnh này.

Cho đến nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã ghi nhận ít nhất 5 tỉnh và thành phố có trường hợp nhiễm Omicron, trong khi 14 tỉnh thành đã phát hiện có trường hợp du khách từ nước ngoài khi nhập cảnh bị nhiễm chủng này.

Thời điểm nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc cảnh báo người dân trong dịp Tết Nguyên Đán “không ra ngoài trừ khi cần thiết”, ngày càng có nhiều chuyến bay quốc tế và nội địa tại Trung Quốc phải tạm dừng.

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc hôm thứ Hai  (17/1) cho biết họ lại đình chỉ hai chuyến bay từ Mỹ do COVID-19, nâng tổng số lên 76 chuyến bị đình chỉ.

Số liệu chính thức cho thấy, hôm Chủ Nhật (16/1) Trung Quốc có 163 trường hợp nhiễm, gia tăng so với một ngày trước đó với 65 trường hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu chính thức của cơ quan chức năng Trung Quốc.

Mộc Vệ (t/h)

Xem thêm: