Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Ba (ngày 10/8) cho biết, không tồn tại ‘nhà sinh vật học Thụy Sĩ’ nào như truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin. Sau đó, những bài viết này cũng đột ngột biến mất trên mạng và hiện lỗi 404. 

Viện Virus học Vũ Hán Phòng Thí nghiệm P4 Vũ Hán 2
Viện Virus học Vũ Hán (Nguồn: Chụp màn hình video)

Cuối tháng Bảy, các kênh truyền thông chính thức và mạng xã hội của ĐCSTQ như Nhân dân Nhật báo, Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), v.v, liên tiếp đăng lại báo cáo về một nhà sinh vật học người Thụy Sĩ tên là Wilson Edwards. Người này nói rằng “Nhóm Cố vấn Khoa học Quốc tế về Nguồn gốc tác nhân gây bệnh mới” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thành lập gần đây là kết quả của áp lực chính trị từ Mỹ.

Nhưng vấn đề là Đại sứ quán Thụy sĩ tại Bắc Kinh kiểm đã tra thông tin và phát hiện không tồn tại người này. 

Đại sứ quán Thụy Sĩ lần đầu tiên đăng “thông báo tìm người” trên tài khoản Twitter của họ để tìm kiếm Wilson Edwards. Dòng tweet nói, “Nếu bạn tồn tại, chúng tôi rất muốn biết bạn!”

Ngày 10/8, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Bắc Kinh đã đưa ra một thông báo trên Twitter bằng tiếng Anh và tiếng Trung, cho biết: “Trong vài ngày qua, một lượng lớn các bài báo và bài đăng trên mạng xã hội tại Trung Quốc đã đưa tin về một nhà sinh vật học người Thụy Sĩ. Chúng tôi cảm ơn mọi người đã quan tâm về đất nước của chúng tôi, nhưng Đại sứ quán Thụy Sĩ phải lấy làm tiếc khi chỉ ra cho cộng đồng người Hoa rằng đây là tin tức sai lầm.”

Tuyên bố chỉ ra rằng Thụy Sĩ không có bất kỳ công dân đã đăng ký nào tên là “Wilson Edwards“, trong giới sinh vật học cũng không có bài báo học thuật nào được ký tên đó, tài khoản Facebook đăng bình luận mới được mở vào ngày 24/7/2021, đến nay có một bài đăng và chỉ có ba người bạn, tài khoản này không được mở cho mục đích kết nối xã hội.

Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc kêu gọi “các kênh truyền thông và cư dân mạng có lẽ đã vô tình đăng lại tin tức” nên ngay lập tức xóa và đăng một tuyên bố đính chính.

Sau đó, thông tin về nhà khoa sinh vật học này trên các kênh truyền thông chính thống như “Thời báo Hoàn cầu”, “Nhân dân Nhật báo” và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đều đã không thể mở được, tất cả đều báo lỗi 404. Mặc dù vậy, bạn đọc vẫn có thể xem nội dung của bài báo được công bố vào ngày 28/7 (bấm vào đây để đọc), do trang web “Thời đại Số Trung Quốc” lưu lại. Nội dung của bài viết như sau:

“Về nguồn gốc của loại virus corona mới, Trung Quốc luôn chủ trương tiến hành truy ngược nguồn gốc bằng khoa học và đã hai lần mời các chuyên gia của WHO đến Trung Quốc để tiến hành nghiên cứu. Tuy nhiên, các chính trị gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã ôm giữ mục đích chính trị cố gắng ‘suy đoán có tội’ đối với Trung Quốc, liên tiếp nhấn mạnh ‘lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm’, và những nhà khoa học phản đối ‘lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm’ cũng đang chịu áp lực to lớn từ Mỹ.”

“Theo kênh truyền thông song ngữ Trung – Anh là ‘Tiếng nói Nam Thái Bình Dương’ (Voice of the South Pacific) đưa tin vào ngày 27/7, nhà sinh vật học Wilson Edwards đến từ Bern, Thụy Sĩ đã đăng một bài viết trên mạng xã hội Facebook vài ngày trước, chỉ ra rằng Mỹ đang tìm cách lật đổ kết luận của báo cáo truy xuất nguồn gốc virus giai đoạn đầu của WHO, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng ‘Nhóm Cố vấn Khoa học Quốc tế về Nguồn gốc tác nhân gây bệnh mới’ mà WHO mới thành lập sẽ trở thành công cụ chính trị của Mỹ.”

Theo giới thiệu về ứng dụng của “Voice of South Pacific”, đây là một ứng dụng dành cho thiết bị di động được tạo bởi Chinese Media (Fiji) Limited và Viện Nghiên cứu Châu Á về Quần đảo Nam Thái Bình Dương, nó ​​cung cấp thông tin về Nam Thái Bình Dương cho cư dân địa phương của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương và các học giả nghiên cứu Thái Bình Dương.

ĐCSTQ vẫn phát tán tin tức giả về nhà sinh vật học

Các cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ dành cho độc giả ở nước ngoài như trang web của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) cũng đăng một báo bằng tiếng Anh về thông tin nói trên. Mặc dù bài viết đã bị xóa khỏi trang web, nhưng báo giấy China Daily bản tiếng Anh có đăng lại bài báo của CGTN, nên tạm thời vẫn có thể đọc được.

Phóng viên Stephen McDonell của BBC trú tại Trung Quốc đã tweet rằng “nhà sinh vật học nổi tiếng nhất Thụy Sĩ Wilson Edwards” vẫn có mặt trong các báo cáo của CGTN bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài. Anh đã đăng các phiên bản tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp của bài báo trong tweet của mình.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, Trung tâm Khôi phục Thông tin (CIR), một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Vương quốc Anh, gần đây đã tiết lộ rằng một đội ngũ bao gồm lượng lớn các tài khoản mạng xã hội giả mạo đang thúc đẩy ủng hộ các tường thuật của ĐCSTQ và bóp méo quan điểm của cộng đồng quốc tế về các vấn đề lớn. Đồng thời còn có mục đích nâng cao uy tín của ĐCSTQ trong số những người ủng hộ và bôi nhọ những người chỉ trích chính quyền ĐCSTQ.

Cơ quan này cho biết, các hoạt động hợp tác gây ảnh hưởng trên mạng xã hội Twitter, Facebook và YouTube này sử dụng các tài khoản thủ công và tái sử dụng để quảng bá các bài tường thuật có lợi cho ĐCSTQ. Những tường thuật phóng đại của những tài khoản này phù hợp với nội dung tuyên truyền của quan chức Chính phủ Trung Quốc và các kênh truyền thông của ĐCSTQ. 

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: