Ông Benjamin Zeisloft, Tổng biên tập của tờ báo độc lập Mỹ UPenn Statesman, đã đăng bài viết trên Daily Wire vào ngày 18/2 có tựa đề Chỉnh sửa gen và thí nghiệm trên người: Nội tình cuộc chạy đua chế tạo binh lính biến đổi gen của Trung Quốc. Bài viết kể về việc Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng công nghệ kỹ thuật sinh học vô đạo đức với mong muốn nâng cao đáng kể sức mạnh quân đội.

Embed from Getty Images

Một công ty công nghệ sinh học Trung Quốc xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Greg Baker / AFP qua Getty Images)

Cảnh báo từ Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ

Hai tháng trước, người đứng đầu cộng đồng tình báo Hoa Kỳ và ông John Ratcliffe, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (DNI) của chính quyền Trump tiết lộ rằng ĐCSTQ đang phát triển các siêu chiến binh.

Trong một chuyên mục trên tờ Wall Street Journal có tiêu đề “Trung Quốc là mối đe dọa số 1 đối với an ninh quốc gia”, ông Ratcliffe nói với độc giả :“Việc chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm định hình lại và thống trị thế giới là một thách thức đối với thế hệ của chúng ta.”

Trước khi Tổng thống Biden nhậm chức, ông Ratcliffe chịu trách nhiệm đệ trình bản tóm tắt tình báo tối mật hàng ngày cho TT. Trump. Theo báo cáo này, các nhân viên tình báo Mỹ biết rằng: “Trung Quốc thậm chí đã tiến hành thử nghiệm trên người đối với các thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân, với hy vọng đào tạo nên những người lính được tăng cường tính năng sinh học mạnh mẽ.”

Ông Ratcliffe giải thích: “Thông tin tình báo rất rõ ràng: Bắc Kinh có ý định thống trị Hoa Kỳ và các khu vực khác trên trái đất về mặt kinh tế, quân sự và công nghệ. Nhiều sáng kiến ​​công khai lớn và các công ty nổi tiếng của Trung Quốc chỉ nhằm ngụy tạo cho các hoạt động của ĐCSTQ.”

Ông Ratcliffe đã giới thiệu chi tiết về chiến lược “cướp, sao chép và thay thế” của Chính phủ Trung Quốc, nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty và trường đại học Mỹ. Ông nói thêm: “Việc theo đuổi quyền lực của Bắc Kinh không có giới hạn về mặt đạo đức.”

Vi phạm đạo đức trong lĩnh vực sinh học suốt 10 năm qua

Với sự tiến bộ của gen và kỹ thuật sinh học, các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày càng sẵn sàng vượt qua lằn ranh đạo đức.

Một năm trước khi bài viết có chữ ký của ông Ratcliffe được công bố, đây là lần đầu tiên công khai việc Trung Quốc đang tăng cường cho các quân nhân. Bà Elsa Kania, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Không gian mạng và Tình báo Trung Quốc, và ông Wilson VornDick, cố vấn an ninh quốc gia, đã công bố một báo cáo toàn diện, cho thấy Trung Quốc đang cố gắng tích hợp công nghệ sinh học cho các ứng dụng quân sự.

Vào thời điểm đó, báo cáo của bà Kania và ông VornDick thừa nhận rằng ứng dụng gen của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự “chỉ là một khả năng giả định”, nhưng họ lưu ý rằng có một phối hợp rõ ràng giữa các lĩnh vực “quân sự, học thuật và thương mại” của Trung Quốc.

Bà Kania và ông VornDick đã viết cho Quỹ Jamestown rằng các nhà lãnh đạo trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tin rằng kỹ thuật sinh học là “một cơ sở chỉ huy chiến lược mới cho cuộc cách mạng về các vấn đề quân sự trong tương lai.”

Trong thập kỷ qua, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần chỉ ra một điểm giao thoa tiềm tàng giữa chiến tranh và công nghệ sinh học. Ông Quách Kế Vệ, giáo sư tại Đại học Quân y số 3 của Quân đội Giải phóng Nhân dân, đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Cuộc chiến giành quyền sống” vào năm 2010. Thiếu tướng Hạ Phúc Sơ, Phó hiệu trưởng Học viện Khoa học Quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân, tuyên bố vào năm 2017 rằng việc tích hợp hệ gen, thông tin và nhận thức sẽ “có tác động mang tính cách mạng về vũ khí và thiết bị”.

Bài viết của Quỹ Jamestown cũng tuyên bố rằng Trung Quốc là nước đi đầu trong việc sử dụng CRISPR, một công nghệ chỉnh sửa gen mới nổi.

CRISPR nghĩa là “các trình tự DNA palindromic ngắn được lặp lại thành cụm và cách đều nhau”, được phát triển bởi một công ty Mỹ có tên là CRISPR Therapeutics. Công nghệ này có thể định vị một đoạn gen cụ thể và sử dụng “kéo phân tử” để nối các sợi DNA tương ứng. Quá trình này có thể “sửa đổi, xóa hoặc chỉnh sửa các vùng chính xác của DNA của chúng ta.”

Hiện chưa rõ các quan chức quân đội Trung Quốc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen như thế nào. Tuy nhiên, bài báo của Quỹ Jamestown nhấn mạnh một số ứng dụng nghiên cứu được ghi chép đầy đủ về CRISPR ở Trung Quốc. Những ứng dụng này đã vượt qua mọi ranh giới đạo đức và thường bị các nhà khoa học phương Tây coi thường.

Có 2 công ty Trung Quốc bán động vật biến đổi gen làm thú cưng mới. Tập đoàn BGI, tiền thân là Trung tâm nghiên cứu gen BGI Bắc Kinh, đã tạo ra “lợn mini” như một sản phẩm phụ trong việc nghiên cứu gen của họ. Bà Kania và ông VornDick viết rằng Công ty TNHH Công nghệ sinh học Hi Nặc Cốc Trung Quốc Bắc Kinh đã nhân bản chó và bán chúng làm thú cưng, cũng như tài sản của cảnh sát.

Năm 2015, các nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng CRISPR để tạo ra nhiều loài chó hơn, gồm cả một con chó săn với khối lượng cơ gấp đôi bình thường. Ông Lại Lương Học, nhà nghiên cứu tại Viện Y sinh và Sức khỏe Quảng Châu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, nói với “MIT Technology Review” rằng những con chó này “có nhiều cơ bắp hơn và dự kiến ​​sẽ có khả năng chạy khỏe hơn, sẽ rất có lợi khi ứng dụng vào việc săn bắn và nghiệp vụ của cảnh sát (quân đội ).”

Ông nói thêm: “Chó rất gần gũi với con người về mặt trao đổi chất, sinh lý và giải phẫu.”

Các nhà khoa học Trung Quốc hầu như không cảm thấy lo lắng khi họ tiến hành các thí nghiệm tương tự trên người.

Năm 2015, sau khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Sun Yat-Sen tuyên bố lần đầu tiên loại bỏ một căn bệnh về máu từ phôi thai người, giới khoa học trên thế giới bắt đầu cảm thấy bất an. Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ CRISPR trên hơn 80 phôi thai thu được trong một phòng khám thụ tinh nhân tạo (IVF).

Anh Trình Dương Dương (Yangyang Cheng), một trợ lý nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Cornell, đã nhấn mạnh nỗ lực này trong một bài viết trên tạp chí “Foreign Policy” (Chính sách ngoại giao) với tựa đề “Trung Quốc không bao giờ giỏi về đạo đức sinh học”.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng hướng sự chú ý đến công nghệ chỉnh sửa gen giúp nâng cao nhận thức của con người. Một nhóm nghiên cứu từ chi nhánh Thâm Quyến của Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã tuyển dụng một cặp vợ chồng, nhằm nỗ lực tạo ra những đứa trẻ miễn nhiễm với HIV, bệnh đậu mùa và bệnh tả. Đầu năm 2019, các nhà nghiên cứu đã tạo ra khả năng miễn dịch HIV thành công ở các bé gái song sinh, bằng cách xóa gen CCR5, nhưng trong quá trình này, người đứng đầu chương trình đã bị kết án tù ngắn hạn.

Vài năm trước, ông Alcino Silva, một nhà sinh lý học thần kinh tại chi nhánh Los Angeles thuộc Đại học California, đã phát hiện ra rằng loại bỏ CCR5 ở chuột sẽ giúp tăng trí thông minh. Ông nghi ngờ rằng đây là mục tiêu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Khi nghe tin về sự ra đời của cặp song sinh, tiến sĩ Silva nói: “Tôi chợt nhận ra, trời ơi, họ thực sự nghiêm túc khi nói ra những điều vô nghĩa. Phản ứng của tôi là bài xích và buồn bã tự đáy lòng.”

Ảnh hưởng chưa rõ ràng

Mặc dù các chuyên gia chính sách đối ngoại hoàn toàn không ngạc nhiên khi Trung Quốc đang thử nghiệm các ứng dụng quân sự của hệ gen, nhưng mức độ tích cực mà chúng sẽ thay đổi xung đột toàn cầu trong tương lai vẫn chưa rõ ràng.

Ông Ivan Eland, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Độc lập kiêm giám đốc Trung tâm về Hòa bình và Tự do, đã khẳng định quan điểm này.

Ông giải thích với “Daily Telegraph” rằng: “Dự án này trông giống như một điều gì đó mà ĐCSTQ sẽ tiến hành, nhưng tôi nghi ngờ ảnh hưởng quyết định của nó đối với chiến trường.”

Tương tự, ông Bryan Clark, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Khái niệm Quốc phòng thuộc Viện Hudson, cũng nghi ngờ rằng việc chỉnh sửa gen sẽ ảnh hưởng hạn chế đến chiến tranh trong thời gian ngắn hạn.

Ông Clark nói với Daily Telegraph: “Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho nghiên cứu liên quan đến CRISPR và các liệu pháp gen khác, nhưng các thí nghiệm chỉ giới hạn trong việc sử dụng động vật hay lĩnh vực y tế, nhằm điều trị các bệnh cụ thể ở người.” Mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ đã khám phá việc sử dụng các công nghệ sinh học khác như thuốc và chất bổ sung, nhằm cải thiện hiệu suất của con người, nhưng “bản thân việc chỉnh sửa gen … sẽ hạn chế việc nâng cao hiệu suất ít nhất là trong thời gian ngắn hạn.”

Ông nói thêm: “Hầu hết các đặc điểm của con người là do ảnh hưởng của nhiều loại gen. Hơn nữa các gen liên quan và mối quan hệ của chúng thường không rõ ràng lắm. Các yếu tố di truyền trên bề mặt, chẳng hạn như môi trường hoặc ảnh hưởng của sự phát triển thời thơ ấu, cũng là nhân tố thúc đẩy quan trọng đối với biểu hiện của con người.”

Ông Clark tin rằng việc sử dụng máy móc trên chiến trường nhằm cải thiện hiệu suất có tiềm năng lớn hơn. Ông nói: “Đây có thể là lĩnh vực dễ xảy ra việc cải tiến hiệu suất nhất, bởi các thao tác kỹ thuật của con người dễ hiểu hơn là di truyền học.”

Ông Eland tin rằng nỗ lực sử dụng công nghệ sinh học của Trung Quốc sẽ “khiến các nước độc tài khác cũng phải thử nghiệm.”

Ông Clark đồng ý với điều này. Ông chỉ ra rằng CRISPR và các công nghệ chỉnh sửa gen khác “được hiểu và sử dụng rộng rãi”, dẫn đến “rào cản gia nhập thấp hơn so với máy móc”. Tuy nhiên, CRISPR vẫn mang lại “nhiều rủi ro về hậu quả không mong muốn và không có khả năng tạo ra kết quả tích cực về mặt cải tiến hiệu suất.”

Phản hồi của Hoa Kỳ

Sau khi xem xét mọi yếu tố, cả hai chuyên gia đều dự đoán rằng Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong phạm vi các quy định về đạo đức sinh học.

Ông Clark nói: “Hoa Kỳ không nên cạnh tranh đối xứng với Trung Quốc trong các thí nghiệm di truyền ở người. Điều quan trọng là phải thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc đạo đức chung và Hoa Kỳ đang nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc đó trên quy mô toàn cầu.”

Với lợi thế quân sự hiện tại của Hoa Kỳ, ông Eland cũng tin rằng Hoa Kỳ không cần phải vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức sinh học để ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Ông nói: “So với Trung Quốc và tất cả các cường quốc khác, Hoa Kỳ chiếm ưu thế về chi tiêu quân sự tích lũy trong nhiều thập kỷ, do đó chúng ta có nhiều lợi thế trên các chiến trường khác. Chúng ta là quân đội mạnh nhất trong lịch sử thế giới, dù là tuyệt đối hay tương đối so với các quốc gia khác.”

Trên thực tế, chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ trong năm 2019 là 732 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với mức 261 USD của Trung Quốc.

Tổng thống Biden và nhóm tình báo của ông chưa đưa ra tuyên bố liên quan đến thông tin được tiết lộ trong chuyên mục của ông Ratcliffe. Công ty Phát thanh truyền hình Anh (BBC) đã hỏi bà Avril Haines rằng liệu bà ấy có đồng ý với đánh giá của người tiền nhiệm về khả năng tăng cường gen của binh lính Trung Quốc hay không. Văn phòng của bà ấy nói với BBC rằng bà ấy chưa có bình luận gì. Bà Haines là cựu Phó Giám đốc CIA và là Giám đốc Tình báo Quốc gia mới của Tổng thống Biden.

Tại phiên điều trần bổ nhiệm của mình, bà Haines nói với các thành viên của Thượng viện Hoa Kỳ rằng cần phải áp dụng một chiến lược “tích cực” chống lại Trung Quốc.

Bà nói: “Thái độ của chúng ta đối với Trung Quốc phải liên tục phát triển, về bản chất là đối mặt với thực tế về sự tự tin quá mức và hiếu chiến của Trung Quốc mà chúng ta thấy ngày nay. Ở một khía cạnh nào đó, tôi ủng hộ việc có lập trường tích cực đối phó với thách thức này.”

Thành Dung, Vision Times