Ngày 17/1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu kinh tế như tăng trưởng GDP năm 2021. Điều đáng chú ý là giới chức đã tô vẽ số liệu việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức 2 con số.

shutterstock 1523170304
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tính theo giá cố định, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc vào năm 2021 là 114.367 tỷ nhân dân tệ (NDT), tăng 8,1% so với năm trước; 2 năm tăng trưởng bình quân 5,1%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế được chia thành các quý. So với cùng kỳ năm ngoái, quý I GDP tăng 18,3%, quý II tăng 7,9%, quý III GDP tăng 4,9%, GDP của quý IV tăng 4%, mức tăng trưởng GDP cả năm tăng 8,1%. Điều này cho thấy tình hình suy giảm hàng quý.

Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập của “Thời báo Hoàn Cầu”, kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã viết một bài bình luận về dữ liệu trên, đề cập rằng: “Việc giải thích chủ yếu là hướng về phía tích cực. 4% trong quý 4 và môi trường kinh tế chỉ được đề cập qua loa, không phân tích chi tiết về những lo lắng của người dân.”

Ngân hàng Thế giới công bố “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” mới nhất vào ngày 11/1, chỉ ra rằng GDP của Trung Quốc dự kiến tăng 8% vào năm 2021, và sẽ giảm xuống 5,1% vào năm 2022 (dự báo trước đó là 5,4%). “Sách Xanh về Kinh tế” do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc xuất bản tháng trước dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 8% vào năm 2021 và khoảng 5,3% vào năm 2022.

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, 12,69 triệu việc làm mới đã được tạo ra tại các thành phố và thị trấn trong năm 2021, tăng 830.000 việc làm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị được điều tra bình quân cả năm là 5,1%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với mức bình quân của năm trước.

Đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức 2 con số, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 là 14,3%.

Ngày 17/1, Mạng tin tức nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng áp lực việc làm vào năm ngoái khá lớn. Ông Phùng Văn Mãnh, giám đốc kiêm nhà nghiên cứu của Căn phòng Nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu Phát triển Xã hội, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, tin rằng chính sách kinh tế cần phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và kích thích sức sống của họ, nhằm tăng cơ hội việc làm và thu hút nhiều việc làm hơn.

Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do ngày 17/1, ông Lưu Mạnh Tuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Số 1, thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc của Đài Loan, đã phân tích dữ liệu kinh tế hàng năm của Trung Quốc và tin rằng triển vọng việc làm của Trung Quốc không hề sáng sủa.

Hiện nay nhiều kênh nền tảng như Alibaba, Tencent, và JD.com đều bị chấn chỉnh, nhiều người trẻ đều làm việc trên những kênh này. Ngoài ra, việc làm trong các ngành công nghiệp giải trí và giáo dục phụ trợ (dạy thêm học thêm) cũng không sáng sủa, nên việc tiêu dùng sẽ phải thận trọng hơn.

Ông Hoàng Sùng Triết (Chung-che Huang), Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài chính Đài Loan, nói với Đài Á Châu Tự do rằng có 2 thứ “ổn định”:

Một là tăng trưởng “ổn định”, cho phép mọi người có kỳ vọng về tăng trưởng trong tương lai; nhưng hiện giờ lại bị bên dưới rút ruột, nên về căn bản không hề “ổn định”. Ngay cả khi dốc tiền vào đó, cũng không một ai sẵn sàng giúp xây dựng nền tảng và tạo việc làm.

Hai là, theo số liệu do “Washington Post” thu được, khoảng 4,37 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đã đóng cửa vĩnh viễn trong 11 tháng đầu năm 2021, gấp hơn 3 lần số doanh nghiệp mới mở trong cùng kỳ.

Theo dữ liệu được cung cấp bởi Tianyancha (Thiên Nhãn Tra), một nền tảng điều tra thông tin doanh nghiệp của Trung Quốc, năm ngoái trung bình có hơn 390.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hủy hợp đồng mỗi tháng. Trong 20 năm qua, số lượng công ty đóng cửa năm 2021 một lần nữa vượt qua số lượng công ty mới thành lập.

Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp đóng cửa đã lập kỷ lục mới. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến ​​bị đóng cửa trong cả năm 2021 có khả năng vượt quá 4,45 triệu doanh nghiệp, gần gấp đôi so với năm 2019 và khoảng 10 lần so với năm 2018.

Các doanh nghiệp đóng cửa cũng kéo theo làn sóng thất nghiệp ồ ạt. Tuy nhiên, số liệu việc làm của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc luôn phù hợp với “mong muốn” của giới chức.

Khi tham gia một sự kiện trực tuyến ngày 11/12/2021, cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, ông Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei), đã thẳng thừng chỉ trích hiện tượng kỳ quặc, rằng dữ liệu kinh tế của Trung Quốc không phản ánh những thay đổi tiêu cực về kinh tế, tiếp tục dấy lên mối lo ngại lâu nay của ngoại giới về tính chính xác và độ tin cậy trong các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc.

“Không có đủ số liệu phản ánh những thay đổi tiêu cực (trong nền kinh tế),” ông Lâu nói. Ông tin rằng dữ liệu một chiều khó có thể đánh giá điều mà chính phủ nói là sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Họ đang phải đối diện với 3 áp lực lớn “nhu cầu thu hẹp, cú sốc nguồn cung và dự đoán suy yếu.”

“Ngược lại, các số liệu thống kê của Hoa Kỳ đều chứa đựng cả số liệu tích cực và tiêu cực,” ông Lâu nói.

Ông Lâu Kế Vĩ cũng cho biết số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc cho thấy lượng người có việc làm tăng lên, nhưng không có sự theo dõi, xem liệu những người đang làm việc này có bị sa thải sau nửa năm hoặc lâu hơn một chút hay không.

Ông Lâu Kế Vĩ ở trong giới quan trường một thời gian dài và đã tự mình quan sát và trải nghiệm những tệ nạn trong chính quyền Trung Quốc như chỉ báo tin tích cực mà không báo tin tiêu cực, dối trên nạt dưới.

Văn Long, Vision Times