Tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2022, Bắc Kinh đã cố tình sắp xếp cho vận động viên người Duy Ngô Nhĩ Dinigeer Yilamujiang và vận động viên người Hán Triệu Gia Văn (Zhao Jiawen) cùng nhau thắp đuốc, làm dấy lên những nghi vấn về vấn đề chính trị hóa thể thao. Ngày 6/2, báo chí nước ngoài tiết lộ rằng Dinigeer Yilamujiang đã “biến mất” khỏi ánh đèn sân khấu sau trận đấu.

Embed from Getty Images

Ngày 4/2/2022, tại lễ khai mạc Olympic Mùa đông Bắc Kinh, vận động viên người Duy Ngô Nhĩ Dinigeer Yilamujiang (trái) và Triệu Gia Văn (Zhao Jiawen) được chọn là người mang đuốc. (Ảnh: Getty Images).

Ngày 6/2, tờ Wall Street Journal (WSJ) tại Mỹ đưa tin, vận động viên 20 tuổi Dinigeer Yilamujiang người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đã trở thành nhân vật được theo dõi nhiều nhất trên thế giới. Vì cộng đồng phương Tây và các nhóm nhân quyền cáo buộc Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đàn áp quy mô lớn người Duy Ngô Nhĩ, khiến cho sự xuất hiện của cô bên cạnh ngọn đuốc rất có tính tượng trưng.

Đài NBC đã nói thẳng trong buổi phát sóng rằng: “Đây là một thời điểm rất khiêu khích”; chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Andy Browne cũng nói rằng đây là một thông điệp gửi đến phương Tây: “Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không nghe người khác thuyết giáo về chủ đề nhân quyền hoặc bất cứ chủ đề nào khác.”

Giữa những dư luận nghi ngờ và tranh cãi, ngoại giới phát hiện Yilamujiang lặng lẽ “mất tích” sau khi thắp đuốc.

Tờ WSJ của Mỹ chỉ ra, Yilamujiang là người giành huy chương đầu tiên của Trung Quốc trong một sự kiện trượt tuyết băng đồng quốc tế, và cũng là một vận động viên yêu thích giành được huy chương. Tuy nhiên, trong cuộc thi vào ngày 5/2, cô chỉ đứng thứ 43, đứng thứ ba trong số 4 vận động viên Trung Quốc. Sau trận đấu, cô cùng 3 vận động viên khác của Trung Quốc vội vã rời hiện trường qua “khu hỗn hợp”, khiến hơn 10 nhà báo Trung Quốc và nước ngoài phải chờ đợi hơn 1 tiếng đồng hồ trong giá lạnh.

Mặc dù Yilamujiang “chuồn” mất khỏi tầm mắt của các phóng viên truyền thông nước ngoài, nhưng cô vẫn nhận lời phỏng vấn của truyền thông Đại Lục. Khi Yilamujiang xuất hiện trên truyền hình, truyền thông nhà nước Trung Quốc lập tức phát cảnh quay người nhà cô hoan hô khi xem chương trình phát sóng.

Một bài viết được đăng trên tờ Nhật báo Tân Cương (tờ báo do ĐCSTQ quản lý) đã trích lời của Yilamujiang nói, “Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm những gì có thể cho tôi, và bây giờ tất cả những gì tôi phải làm là tập luyện chăm chỉ và giành vinh quang cho đất nước.” Mẹ của cô thậm chí còn ca ngợi chính quyền Bắc Kinh: “Cảm ơn đất nước đã giao cho con gái tôi một sứ mệnh quan trọng như vậy.”

Về vấn đề này, dư luận cho rằng mọi thứ đều là sự sắp xếp “tài tình” của chính quyền ĐCSTQ, và đang diễn kịch cho cộng đồng phương Tây xem.

Sau đó, tờ WSJ đã gửi email cho Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) để hỏi họ nghĩ gì về việc Dinigeer Yilamujiang từ chối trả lời phỏng vấn của truyền thông nước ngoài, tuy nhiên IOC cho biết họ sẽ không bình luận.

Một phóng viên của AFP đã đặt câu hỏi liên quan tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức vào ngày 7/2. Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nhấn mạnh lại rằng “không tồn tại nạn diệt chủng ở Tân Cương” và chỉ ra rằng “Trung Quốc hoan nghênh Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, thăm Trung Quốc và thăm Tân Cương. Phía Trung Quốc sớm gửi lời mời, và hai bên vẫn liên lạc thường xuyên về việc này.”

Nhưng cách nói này đã không được ngoại giới chấp nhận. Hồi tháng trước, tờ “Hoa Nam Tảo Báo” (SCMP) tại Hồng Kông tiết lộ rằng Bắc Kinh đã đồng ý cho chuyến thăm của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet tới Tân Cương sau Thế vận hội Mùa đông, nhưng điểm mấu chốt là Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) sẽ không đưa ra báo cáo về Tân Cương, đồng thời chuyến thăm này nên là chuyến thăm “thân thiện”.

Ông Mã Hải Vân (Ma Haiyun), phó giáo sư tại Đại học Bang Frostburg ở Maryland, kiêm chuyên gia về Tân Cương bình luận, Bắc Kinh đã chọn người mang đuốc để gửi đi một thông điệp chính trị: “Bằng cách chọn một vận động viên Duy Ngô Nhĩ thắp đuốc, Trung Quốc đang đáp lại những lời chỉ trích của phương Tây về tội ác diệt chủng, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và Hán hóa các dân tộc thiểu số  của Trung Quốc (ĐCSTQ).”

“Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ tác động nhiều đến phương Tây”, ông Mã Hải Vân cho biết, họ có khuynh hướng nghĩ rằng ĐCSTQ chủ yếu đang “phô trương”.

Trước đó, Reuters từng đưa tin rằng các nhóm nhân quyền cho biết ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác hiện đang bị giam giữ mà không có bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Họ bị tẩy não chính trị, ngược đãi và thậm chí là bị tra tấn.

Đến tháng 12/2021, hơn 40 quốc gia trên thế giới đã lên án và thúc giục ĐCSTQ dừng cuộc bức hại người dân ở Tân Cương.

Lê Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: