Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ chip lớn nhất thế giới. Mặc dù từ đầu thế kỷ 21, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đầu tư nguồn lực khổng lồ vào lĩnh vực này nhưng đến nay vẫn chưa có đột phá thực chất. Vision Times đã phỏng vấn tiến sĩ Tạ Điền tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina (Mỹ) về vấn đề này.

shutterstock 1773057827
(Nguồn: Ascannio/ Shutterstock)

Trong các bài phát biểu gần đây của mình, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc nên đẩy nhanh việc hiện thực hóa khả năng tự cung cấp chip bán dẫn. Theo các nguồn tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đầu tư thêm ít nhất 1000 tỷ USD nữa để đạt được khả năng tự chủ về chip bán dẫn nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tại sao lâu nay ĐCSTQ đã dùng nguồn lực khổng lồ của đất nước mà vẫn không thể sản xuất chip cao cấp?

Hệ thống chính thể của ĐCSTQ

Gần đây, tờ SCMP dẫn lời một số chuyên gia về bán dẫn của Trung Quốc nói rằng Trung Quốc không thể tự mình giải quyết nút thắt cổ chai bán dẫn, họ thẳng thừng cho hay khó tránh khỏi tình trạng lãng phí hay gian lận khi đáp ứng yêu cầu của chính quyền trung ương về tự cung tự cấp.

Tiến sĩ Tạ Điền cho biết: “ĐCSTQ thường nhấn mạnh vấn đề huy động nguồn lực toàn quốc, cho rằng có thể làm được những gì họ muốn bằng cách huy động toàn bộ nguồn lực tài chính, nhân lực và vật lực của cả nước. Hãy nhìn ASML Holding ở Hà Lan, cả Hà Lan chỉ có một công ty… Không cần phải cùng lúc hơn chục tỉnh thành và hơn chục dự án lao vào khai phá phát triển, cách làm này gây phân tán nguồn quỹ và điều đó hoàn toàn lãng phí. Dù sao tất cả đã cho thấy loại công nghệ cao này không phải cứ có tiền, có nguồn lực hùng hậu là làm được”.

Vấn nạn gian lận và không có cạnh tranh công bằng

Gần đây, nhiều kênh thông tin độc lập không thuộc kiểm soát của ĐCSTQ tiết lộ ngành công nghiệp chip ở Trung Quốc qua 20 năm nghiên cứu và phát triển đã xảy ra tình trạng khủng khiếp về tham nhũng, bỏ dở dang, gian lận.

Ông Tạ Điền nói rằng: “Vấn đề quan trọng nhất là thể chế chính trị toàn trị của ĐCSTQ, hệ thống này thường đàn áp nhân tài, không tôn trọng khoa học và quyền sở hữu trí tuệ, không có sự bảo vệ của pháp luật đối với phát minh sáng chế, cũng không có môi trường cạnh tranh bình đẳng… Do đó, nhiều năm qua dù ĐCSTQ đã đầu tư hàng chục tỷ đô la vào ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng nếu không phải chỉ là những chuyên gia hiểu biết nửa vời về cái gọi là nghiên cứu và phát triển chip, thì cũng xảy ra như vụ gian lận cách đây 19 năm của “cha đẻ về chip” của Trung Quốc là Chen Jin.

Hợp tác trong chuỗi ngành công nghiệp chip quốc tế

Được biết, công ty bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC vào tháng Bảy đã thông báo rằng họ đã vượt qua nút 7 nanomet, làm dấy lên những nghi ngờ từ cộng đồng quốc tế.

Tiến sĩ Tạ Điền cho rằng: “Trung Quốc chỉ đạt được trình độ 14 nanomet, bây giờ họ bất ngờ tuyên bố về khả năng 7 nanomet gây nghi ngờ, thực tế vẫn chưa biết rõ ràng. Bây giờ công nghệ ở phương Tây đã đạt tới 2 nanomet, so sánh thì Trung Quốc còn thua vài thế hệ.

Trung Quốc muốn bắt đầu từ nghiên cứu khoa học cơ bản, về lý thuyết vấn đề này Trung Quốc có thể học hỏi từ phương Tây, nhưng về công nghệ rất khó để tiếp thu và học được. Vì một số công nghệ đòi hỏi quá trình tích lũy lâu dài liên quan đến mức độ chính xác, kinh nghiệm sản xuất và chế tạo, liên quan đến một loạt công nghệ như quang học, điện tử và vi điện tử…. Nhìn chung để có thể làm được, đòi hỏi dây chuyền công nghiệp phát triển với mức độ hợp tác kỹ thuật quốc tế cao trong đó.

Về vấn đề chip, trước tiên là chuyện thiết kế cần sử dụng phần mềm của Mỹ. Nó liên quan đến hàng chục triệu, hàng trăm triệu, hàng tỷ và thậm chí hàng chục tỷ mạch tích hợp nằm trên vùng quy mô rất nhỏ chỉ như kích thước của cái móng tay. Điều này phần mềm thông thường không thể làm được. Chưa kể quá trình sản xuất sử dụng các vật liệu không thể có tại Trung Quốc.

Các mạch chip trên lớp màng mỏng đòi hỏi công nghệ từ máy in thạch bản (stepper), về cơ bản 90% thị trường máy in thạch bản này là do bởi một công ty Hà Lan độc quyền. Công nghệ của công ty này đến từ các nước phương Tây như Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản… liên quan hàng chục nước và hàng trăm công ty. Hiện nay Trung Quốc không có nền sản xuất tiên tiến như vậy liên quan đến nhiều lĩnh vực như quang điện tử, vật liệu…”.

Chip trở thành nút thắt cổ chai đối với sự phát triển của ĐCSTQ

Cuối cùng Tiến sĩ Tạ Điền nhấn mạnh: “Bây giờ Mỹ đã áp đặt biện pháp hạn chế đối với ĐCSTQ theo Đạo luật chip (CHIPs Act) khiến ĐCSTQ khó có cơ hội có được công nghệ tiên tiến nhất. Trước đây, công nghệ 14 nanomet được Mỹ chấp thuận cho xuất khẩu, nhưng kể từ bây giờ mọi thứ dưới 14 nanomet sẽ bị cấm.

“Đạo luật Chip” do Mỹ đưa ra hiện có quỹ chip của Mỹ là 50 tỷ USD, trong đó 40 tỷ được sử dụng để sản xuất chip và 10 tỷ được sử dụng để trợ cấp cho nghiên cứu và phát triển chip. Ngoài ra còn có quỹ quốc phòng dành cho chip liên quan đến Bộ Quốc phòng Mỹ và liên quan đến an ninh quốc gia. Cũng còn có các quỹ đổi mới, quỹ lao động và giáo dục để ươm mầm tài năng. Căn nguyên của vấn đề này là nhắm vào Trung Quốc. Do đó, nhiều ngành liên quan ở Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vấn đề chip, bao gồm các lĩnh vực quan trọng như điện thoại di động, xe điện. Đặc biệt phải kể là các vũ khí và tên lửa tối tân của quân đội ĐCSTQ đều sử dụng chip.

Như chuyến thăm Đài Loan gần đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, bà ấy cũng đã đặc biệt gặp gỡ chủ tịch và cựu chủ tịch tập đoàn chip hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan. Bây giờ có vẻ như điều này rõ ràng cũng liên quan đến “Đạo luật Chip”. Về cơ bản Mỹ cũng đang sử dụng sức mạnh quốc gia để thúc đẩy và cũng hình thành một liên minh 4 bên về chip dưới hình thức hợp tác quốc tế bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Liên minh này nhằm vào ĐCSTQ. Một khi ĐCSTQ gây bất kỳ căng thẳng quốc tế nào, chẳng hạn như ở eo biển Đài Loan, thì sẽ bị đáp trả bằng những hạn chế chặt chẽ. Có thể khẳng định Trung Quốc không thể sở hữu được công nghệ chip cho vũ khí quân sự này, nếu dùng cho mục đích dân sự thì chỉ có thể mua từ nước ngoài với giá cao. Vì vậy đây có thể nói là một đòn chí mạng đối với ĐCSTQ”.

Tĩnh Nhữ phỏng vấn, Vision Times
(Nội dung trả lời phỏng vấn thể hiện góc nhìn riêng của cá nhân Tiến sĩ Tạ Điền.)