Ông Vương Hộ Ninh, đương kim Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phụ trách tư tưởng văn hóa, là nhân vật chủ chốt khiến Trung Quốc vài năm qua tăng tốc chuyển hướng cực tả, trở về thời Cách mạng Văn hóa (CMVH) thời Mao Trạch Đông. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nhân vật này có thể bị thay thế trong bố trí nhân sự tại Đại hội 20 của ĐCSTQ.

Tap can Binh Vuong ho Ninh
Ông Tập Cận Bình (trái – Ảnh Shutterstock) và ông Vương Hỗ Ninh (phải – Angélica Rivera de Peña/ Wikimedia)

Năm 1995, Vương Hỗ Ninh được phe Giang – Tăng (các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng) đưa từ Đại học Phúc Đán tại Thượng Hải về Trung Nam Hải. Thời điểm đó, Giang là lãnh đạo ĐCSTQ còn Tăng là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ.

Từ 1995 – 2021, trong 26 năm, Vương đã phục vụ 3 thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Giai đoạn 10 năm Hồ Cẩm Đào (2002 – 2012) bị phe Giang – Tăng thao túng phía sau trong mọi vấn đề quan trọng. Vì vậy, trong 17 năm từ 1995 – 2012, phe mà Vương thực sự phục là phe Giang – Tăng, là “quản bút” quan trọng nhất của họ.

Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo của ĐCSTQ từ Đại hội 18 tháng 11/2012. Từ 2013 – 2017, ông Tập dồn sức thâu tóm quyền lực cao nhất từ phe ​​Giang – Tăng. Lúc này, Vương cố gắng lặng lẽ giúp Tập xây dựng cái gọi là “tư tưởng Tập Cận Bình”, nhờ đó đã được tín nhiệm và cuối cùng vào được Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19 của ĐCSTQ vào tháng 10/2017.

Trong hơn ba năm sau khi Vương được giao phụ trách tư tưởng văn hóa, ông ta đã không ngừng truyền lửa chủ nghĩa Marx-Lenin cho ông Tập, cũng đồng thời giật dây phía sau với đủ chiêu trò khiến ông Tập đã sa vào nhiều cái bẫy, hệ quả làm “cuộc chơi” của Tập ngày càng gay go: năm 2018 bắt đầu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, năm 2009 đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông và năm 2020 che giấu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) khiến bệnh dịch lây lan toàn cầu.

Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ được tổ chức vào năm tới, là dịp thay khóa và các chức vụ quan trọng như Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, và Ủy viên Bộ Chính trị đều sẽ phải thay người mới.

Trong hơn 8 năm từ khi ông Tập lên nắm quyền, đã đẩy mạnh tẩy sạch thao túng của phe Giang – Tăng, thông qua danh nghĩa chống tham nhũng để hạ bệ những quan chức quan trọng trong các hệ thống khác nhau của ĐCSTQ trước đây do phe Giang – Tăng cài cắm. Hiển nhiên, họ rất căm hận ông Tập, không ngừng bày mưu tính kế và hợp tác trong và ngoài nước để thực hiện kế hoạch trả thù.

Ông Tập ý thức rõ nguy cơ cận kề và đang cố gắng hết sức để tìm cách giữ quyền lực tiếp nhiệm kỳ thứ ba, đảm bảo các thân tín chiếm các vị trí quan trọng trong việc bố trí nhân sự tại Đại hội 20 ĐCSTQ.

Từ truyền thông trong và ngoài Trung Quốc cho thấy, có ít nhất 6 dấu hiệu chỉ ra vị trí của ông Vương Hộ Ninh có thể bị thay thế.

Thứ nhất, phe Giang – Tăng đã suy sụp

Ngày 7/6, Nhân dân Nhật báo của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đăng bài của bút danh “Tuyên Ngôn” có tiêu đề “Chủ nghĩa xã hội không phụ Trung Quốc”, bài đã được các báo lớn của ĐCSTQ đăng lại. Bài viết này nhắc tên Tập Cận Bình 4 lần, Mao Trạch Đông 3 lần, Đặng Tiểu Bình 1 lần, không nhắc đến Giang Trạch Dân. Ngày 8/6, Nhân dân Nhật báo lại đăng một bài ký tên “Tuyên Ngôn” có tựa “Trung Quốc không phụ chủ nghĩa xã hội”; bài viết 6 lần nhắc tên Tập Cận Bình, 1 lần nhắc tên Mao Trạch Đông, 1 lần Đặng Tiểu Bình, không nhắc đến Giang Trạch Dân.

Ngày 1/5, tờ Cầu Thị (Qiushi) của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đăng một bài của Phó Chủ tịch Chính hiệp Trương Khánh Lê (Zhang Qingli) có tựa “Bảo đảm thống nhất và tập trung của Đảng liên quan thành bại của Đảng”, bài cũng được các cơ quan thông tin ĐCSTQ đăng lại. Khi nói về các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ, bài chỉ nhắc đến Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình, không nhắc tên Giang Trạch Dân.

Từ lâu, ĐCSTQ đã lên kế hoạch trao tặng danh hiệu cao quý nhất “Huân chương 1/7” trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Ngày 31/5, Tân Hoa xã công bố danh sách đề cử “Huân chương 1/7” gồm tổng cộng 29 người, không có Giang Trạch Dân.

Tình cảnh của phe Giang – Tăng là báo hiệu không may cho số phận chính trị của ông Vương.

Thứ hai, vấn đề về tuyên truyền đối ngoại mà Vương phụ trách

Ngày 31/5, ông Tập nhấn mạnh trong cuộc họp Bộ Chính trị về công tác tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ: “Phải chú ý nắm bắt ý chính, cởi mở và tự tin, nhưng cũng phải khiêm tốn, cố gắng tạo hình ảnh về một Trung Quốc đáng tin cậy, đáng yêu quý, và đáng kính trọng”. Phát biểu cho thấy sự không hài lòng của ông Tập đối với hoạt động tuyên truyền đối ngoại dưới giám sát của ông Vương.

Sau đây có thể đưa một số minh chứng tiêu biểu:

Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) từng gọi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là “con bạc lưu manh” và “kẻ thù công khai của nhân loại”. Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương lên án Mỹ “không đủ tư cách để nói lời trịch thượng với Trung Quốc”, “Đa số các nước trên thế giới không công nhận các giá trị phổ quát do Mỹ chủ trương”…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên nhấn mạnh “Có thể quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán”; cảnh báo Liên minh Ngũ nhãn (Five Eyes) gồm Mỹ, Anh, Canada , Úc, và New Zealand “cẩn thận kẻo bị chọc mù mắt”; chỉ trích Nhật Bản làm chư hầu chiến lược của Mỹ …

Đại sứ quán ĐCSTQ tại Pháp đã gọi học giả Antoine Bondaz của Pháp là “chó điên”, Tổng lãnh sự ĐCSTQ tại Rio de Janeiro là Lý Dương (Li Yang) đã gọi Thủ tướng Canada Trudeau là “chó của Mỹ”.

Ngày 1/5, trang web của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ đã công bố bức ảnh tổng hợp nhạo báng tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại Ấn Độ bằng việc so sánh hình ảnh Trung Quốc phóng tên lửa và chuyện đốt thi thể người chết vì COVID-19 ở Ấn Độ…

Những phát ngôn “sói chiến” đầy hung hăng phi nhân tính đã khiến ĐCSTQ bị thất sủng trên toàn thế giới.

Thứ ba, Lưu Hạc cho xuất bản lại bài viết cũ lên án CMVH

Ngày 5/5, trang NetEase của Trung Quốc đã đăng một bài viết cũ vào năm 2008 của Phó Thủ tướng ĐCSTQ Lưu Hạc, nhưng đã đổi tiêu đề thành “Nếu không rút bài học từ CMVH thì không thể có tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngày nay”.

Đoạn đầu của bài có viết: “Trong những ngày đầu thúc đẩy cải cách, ông Đặng Tiểu Bình kiên quyết bác bỏ những sai lầm của CMVH và chấm dứt đường lối chính trị dựa trên đấu tranh giai cấp, trọng tâm của công việc là đưa đất nước chuyển sang tập trung vào xây dựng kinh tế. Thời điểm đó thế giới ít người nhận ra ý nghĩa phi thường của quyết định lịch sử này. Ngay cả ngày nay vẫn còn những người nhớ nhung cảnh nghèo do chủ nghĩa bình quân của thời CMVH và những đặc quyền tinh thần được hưởng tại thời điểm đó, nhưng Trung Quốc đã tiến về phía trước – một bước tiến lớn không thể đảo ngược”.

Lưu Hạc tin rằng “sự đồng thuận để phát triển được hình thành trên cơ sở suy nghĩ lại các bài học của CMVH” là lý do chính cho phép màu kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua. Nếu không học bài học về thảm họa CMVH thì sẽ không có tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc ngày nay. Chính bài học tồi tệ của CMVH mà người Trung Quốc đã nhận ra những sai lầm và phi lý của lý thuyết lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh, mới ý thức được bị kịch khi bế quan tỏa cảng, mới nhận ra những khủng hoảng và ác mộng khủng khiếp Trung Quốc đã trải qua, người Trung Quốc ý thức mãnh liệt khát vọng thoát khỏi đói nghèo, rối loạn, và thúc đẩy cải cách và mở cửa.

Bài viết cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc “mở cửa với thế giới bên ngoài” và ý nghĩa to lớn của việc “tuân thủ đường lối cải cách theo định hướng thị trường”.

Bài viết này của Lưu Hạc được đưa vào cuốn “Ba mươi năm kinh tế Trung Quốc” với tiêu đề ban đầu là “Ba mươi năm kinh tế Trung Quốc và các vấn đề dài hạn trong tương lai”.

Lưu Hạc nổi tiếng trong phe cải cách của ĐCSTQ. Ông Tập từng giới thiệu khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Donilon đến thăm: “Đây là Lưu Hạc, ông ấy rất quan trọng đối với tôi”. Chúng ta cũng biết, Lưu Hạc thường là trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ, đôi khi trực tiếp là đặc phái viên của ông Tập.

Do là cố vấn ra quyết định kinh tế quan trọng nhất của ông Tập, khi ông Tập đi đâu cũng thường có Lưu bên cạnh. Ví dụ, gần đây nhất là việc ông Lưu cũng được tháp tùng ông Tập trong chuyến thị sát ở Thanh Hải từ ngày 7 – 9/6.

Những quan điểm cơ bản nêu trên trong bài luận cũ của Lưu Hạc cho thấy hoàn toàn khác quan điểm cực tả về việc quay trở lại CMVH của Vương Hộ Ninh. Tờ NetEase đã xuất bản bài viết này với tiêu đề nhấn mạnh bất thường, đầy hàm ý phản bác quan điểm của Vương. Đằng sau động thái của Netease trong công bố bài viết này chắc chắn phải có “bảo lãnh”.

Thứ tư, công bố đối thoại giữa Triệu Tử Dương và học giả kinh tế Mỹ

Ngày 27/5, NetEase đã công bố bài viết tựa đề “Bản ghi hội thoại cấp cao hiếm có với lượng thông tin khổng lồ (cao thủ quyết đấu, không có lời thừa)”, truyền tải toàn văn cuộc đối thoại được ghi lại trong cuốn sách “Trung Quốc trong mắt Friedman” xuất bản tại Hồng Kông năm 1989, không quên đính kèm theo một bức ảnh màu của Triệu Tử Dương.

Cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương là một trong những đại diện theo chủ nghĩa cải cách trong hệ thống ĐCSTQ. Ông bị Đặng Tiểu Bình phế truất vì phản đối vụ thảm sát ngày 4/6/1989 do Đặng chủ trương. Tác giả Friedman nổi tiếng với chủ trương kinh tế thị trường tự do và đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976. Cuộc đối thoại giữa hai người này liên quan đến vấn đề nhạy cảm nhất ở Trung Quốc vào thời điểm đó là vấn đề cải cách giá cả.

Mở đầu cuộc đối thoại, Triệu Tử Dương nói: “Hôm nay là một cơ hội hiếm có, chủ yếu là tôi muốn nghe ý kiến ​​của Ngài, một người rất quan tâm đến những cải cách của chúng tôi. Về kinh tế, Ngài là một giáo sư lớn còn tôi là một học sinh tiểu học. Ngài đi đường xa tới, nên để Ngài nói nhiều hơn, còn tôi chủ yếu lắng nghe”.

Friedman chỉ ra chìa khóa vấn đề là trung ương ĐCSTQ nên từ bỏ tập trung quyền lực, càng cởi mở càng tốt. Cách duy nhất để kiềm chế lạm phát là hạn chế cung tiền, ở Trung Quốc đó là in ít tiền hơn. Ông tin rằng vấn đề lạm phát của Trung Quốc không phải là về đầu tư hay tiêu dùng, mà là về việc in quá nhiều tiền.

Friedman tin rằng tự do hóa giá cả và thực hiện cải cách giá cả sẽ hạn chế lạm phát. Nếu giá chính thức thấp nhưng người ta khó mua được thì đó thực sự không phải là giá thấp. Ông cũng cho rằng vấn đề mấu chốt nhất của cải cách là không được “cắm cọc” giữa chừng, không tiến cũng không lùi.

Cuối buổi đối thoại, ông Triệu Tử Dương nói: “Một lần nữa tôi cảm ơn vì những góp ý hữu ích của Ngài, tôi và các đồng nghiệp sẽ nghiên cứu kỹ những ý kiến của Ngài. Tóm lại, những cải cách của Trung Quốc sẽ không thay đổi. Tôi hoàn toàn đồng ý với những gì Ngài nói, đó là sự phát triển của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với lợi ích của người dân Hợp chủng quốc Mỹ”.

Giống như bài viết cũ của Lưu Hạc, cuộc phỏng vấn quan trọng này cũng được NetEase đăng tải với tiêu đề đậm và sắc nét gây chú ý, còn nội dung cũng đầy hàm ý hướng tới quan điểm của Vương.

Cuộc trò chuyện này hoàn toàn trái ngược với những lời rao giảng và tường thuật đầy giáo điều Marx-Lenin thường thấy của  ông Vương Hộ Ninh. Đằng sau động thái của Netease trong công bố bài viết này chắc chắn phải có “bảo lãnh”.

Thứ năm, bài cũ “Thực tiễn là tiêu chí duy nhất để kiểm tra chân lý”

Ngày 10/5/1978, ấn phẩm nội bộ “Xu hướng lý luận” của Trường Đảng thuộc Trung ương ĐCSTQ xuất bản bài “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm tra chân lý được ông Hồ Diệu Bang phê duyệt. Ngày 11/5, tờ Nhật báo Quảng Minh đăng lại trên trang nhất với danh nghĩa “bình luận đặc biệt”, cùng ngày Tân Hoa xã cũng đăng lại. Sau đó ngày 12/5, toàn văn bài viết được hàng loạt cơ quan truyền thông lớn đăng lại gồm Nhân dân Nhật báo, Giải phóng quân; ngày 13, một số tờ báo của tỉnh đã đăng lại. Bài viết này đã gây ra phản ứng lớn vào thời điểm đó, kéo theo cuộc thảo luận trên toàn quốc về tiêu chuẩn của chân lý.

Từ tháng 3 – 6 năm nay, các cơ quan truyền thông lớn ở Trung Quốc Đại Lục liên tục đăng tải lại bài viết, nhấn mạnh quá trình và ý nghĩa của việc xuất bản bài viết nói trên.

Ví dụ, ngày 24/3, Nhật báo Quảng Minh đã đăng một bài viết nói về việc Đặng Tiểu Bình khẳng định và ủng hộ bài viết trên, theo đó Đặng đã kêu gọi “tinh thần cởi mở” để giúp đỡ công bố bài viết này.

Một ví dụ khác, ngày 31/5, tờ Thecover của Trung Quốc đã đăng một bài viết đặc biệt nói về bài viết nói trên được ông Hồ Diệu Bang, lúc đó là Phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, cho đăng.

Điểm mấu chốt của “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm tra chân lý” nằm ở chỗ: phủ nhận CMVH và phủ nhận “hai phàm là” mà nhà lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Hoa Quốc Phong khẳng định (phàm là quyết định do Chủ tịch Mao đưa ra thì chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, phàm là chỉ thị của Chủ tịch Mao đưa ra thì tất cả chúng ta đều tuân theo).

Trong quá trình ủng hộ cuộc thảo luận về tiêu chuẩn chân lý này, Đặng Tiểu Bình đã cho thấy vai trò thay thế Hoa Quốc Phong với tư cách là lãnh đạo thực sự của ĐCSTQ. Sau đó Đặng dần tranh được các chức vụ của Hoa Quốc Phong như Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Thủ tướng, đồng thời cách chức tất cả các quan chức cấp cao thân cận Hoa Quốc Phong.

Gần đây, đông đảo truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng loạt bài viết “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm tra chân lý” thể hiển rõ tiếng nói phe cải cách trong ĐCSTQ, có thể xem là đòn phản công nhắm vào trào lưu trở lại thời CMVH mà Vương Hộ Ninh chủ trương.

Thứ sáu, xu thế chống Tập của truyền thông bên ngoài Trung Quốc

Ngày 10/6, nhiều cơ quan truyền thông hải ngoại mang màu sắc phái Giang – Tăng đã đăng bài “Ai sẽ giám sát Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nội dung nhắm thẳng vào Tập Cận Bình.

Ngày 11/6, các cơ quan truyền thông hải ngoại nói trên đã đăng bài “Truyền thông Nga tập trung vào bài phát biểu của Tập Cận Bình với người Tây Tạng ở Thanh Hải: phong cách Stalin”, theo đó đầy dụng ý sử dụng truyền thông Nga để ngấm ngầm chỉ trích Tập Cận Bình như Stalin.

Ngày 8/6, khi các cơ quan truyền thông hải ngoại nói trên đưa tin rằng Nhân dân Nhật báo đăng hai bài bình luận vào các ngày 7 và 8/6 đề cập đến vấn đề không “đếm xỉa” tới Giang Trạch Dân, họ đã đặc biệt kèm theo một bức ảnh được sắp xếp theo thứ tự là Mao, Đặng, Giang, Hồ, và đã đặt Giang vào giữa còn Tập ở bên.

Ngày 28/5, các cơ quan truyền thông hải ngoại nói trên đã đăng bài viết công kích việc ĐCSTQ huy động toàn xã hội tìm hiểu 4 bộ sử mới, chỉ trích rằng Tập Cận Bình “đã thay thế chủ nghĩa hư vô lịch sử này bằng một chủ nghĩa hư vô lịch sử khác”. Cuối cùng bài viết đặt câu hỏi: Liệu ‘lịch sử’ được xây dựng giáo điều như vậy thì là nghiên cứu hay kiểm soát tinh thần?

Ngay từ ngày 3/12/2018, các cơ quan truyền thông hải ngoại nói trên đã đăng bài “Cực tả xé toang Trung Quốc, Tập Cận Bình nên có trách nhiệm”, yêu cầu phải tiến hành kiểm điểm toàn diện đối với ông Tập.

Kết luận

Thực tế thủ đoạn hãm hại ông Tập của Vương Hỗ Ninh rất vụng về. Ví dụ, vào tháng 3/2020 khi đại dịch viêm phổi từ Vũ Hán lan ra thế giới và mang đến những thảm họa nghiêm trọng cho người dân các nước, ông Vương Hộ Ninh đã đi đầu trong công bố sách “Nước lớn chống dịch bệnh”. Tân Hoa xã đưa tin, “cuốn sách làm nổi bật tình cảm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đối với nhân dân, thể hiện sứ mệnh, tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo xuất sắc với tư cách là nhà lãnh đạo của một nước lớn”. Tưởng như đây là ca ngợi ông Tập, nhưng không khác gì chửi rủa ông Tập. Ngay sau khi thông tin được đưa ra, Internet lập tức bùng nổ làn sóng đánh giá và chửi bới thậm tệ.

Tuy nhiên, ông Tập dường như đã bối rối trước “bùa mê” chủ nghĩa Marx-Lenin từ ông Vương, trong một thời gian dài đã không thể nghe hoặc nhìn thấy tình hình thực tế, đi từ đánh giá sai này kéo theo một đánh giá sai khác, kết quả là nhiều vấn đề nội chính và đối ngoại không bình thường, làm xu thế chống Tập bùng nổ khắp nơi trong và ngoài nước.

Ngày nay, ông Tập đang ở trong tình thế nguy cấp nên có thể đã nhận ra một số vấn đề do ông Vương gây ra, nên không loại trừ sẽ bố trí thân tín thay thế.

Vương Hữu Quần, Epoch Times
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: