Cơ quan chức năng Trung Quốc có vẻ đang có những động thái nhắm vào nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart: chỉ trong một tuần có 2 lần cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc “phanh phui” Walmart vi phạm luật an ninh mạng của nước này.

Walmart
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo WSJ (Wall Street Journal), thông tin ngày 5/1 (Thứ Tư) từ  trang “Thông tin Chất lượng Trung Quốc” (CQN) thuộc Cục Quản lý Thị trường của Trung Quốc đưa tin rằng cảnh sát Thâm Quyến cho biết Wal-Mart bị cáo buộc vi phạm luật an ninh mạng quốc gia. Thông tin trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, vào tháng 11 [năm trước] cảnh sát Trung Quốc đã tìm thấy 19 lỗ hổng trong hệ thống mạng của Walmart và đã xử phạt họ.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh có phản ứng dữ dội chống lại Walmart trên Weibo sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc chỉ trích họ vì đã ngừng bán các sản phẩm Tân Cương. Tuy các hành động liên quan đến an ninh mạng mà cơ quan chức năng Trung Quốc nhắm vào Walmart không phải là hiếm, bao gồm cả các hình phạt hành chính kèm theo cảnh cáo (không phạt tiền), nhưng thông tin này rất đáng chú ý vì thời điểm của vấn đề.

Vào thứ Sáu (7/1), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Trung Quốc đã cảnh báo Walmart rằng nhà bán lẻ Mỹ sẽ phải đối mặt trả đũa từ người tiêu dùng Trung Quốc nếu họ rút các sản phẩm có nguồn gốc từ Tân Cương.

Theo thông tin trên trang về quản lý chất lượng Trung Quốc: “Từ năm 2017 – 2020 Walmart đã nhiều lần vi phạm các luật liên quan về thực phẩm, sản phẩm sức khỏe, quảng cáo, quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đã bị giám sát thị trường xử phạt theo pháp luật.”

Vấn đề từ khu vực nhạy cảm Tân Cương

Trong nhiều năm qua, các công ty phương Tây hoạt động tại Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều áp lực chính trị và quy định quản lý. Tháng 3/2021 thương hiệu H&M thuộc Hennes & Mauritz AB đã trở thành mục tiêu phản đối của cư dân mạng Trung Quốc sau khi họ tuyên bố ngừng sử dụng bông Tân Cương, và từ đó hoạt động kinh doanh trực tuyến của công ty Thụy Điển này cũng không còn trên Internet Trung Quốc.

Tháng 12/2021 người dùng Weibo ở Trung Quốc tuyên bố rằng Walmart đã ngừng bán các sản phẩm từ Tân Cương trong các cửa hàng Walmart và Sam’s Club. Nhiều cư dân mạng đe dọa sẽ hủy bỏ tư cách thành viên của Sam’s Club và tẩy chay chuỗi cửa hàng của Walmart.

Tân Cương đã trở thành khu vực nhạy cảm về căng thẳng địa chính trị. Các cơ quan nhân quyền và nhiều phương tiện truyền thông trên thế giới đưa tin cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc đã giam giữ đến cả triệu người dân tộc thiểu số, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, trong các trại giam giữ như một phần của chiến dịch đồng hóa, thủ đoạn gồm giám sát hàng loạt, lao động nô lệ và cưỡng bức triệt sản. Chính phủ Mỹ đã chỉ định cuộc đàn áp này là tội ác diệt chủng. Nhưng Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc.

Tháng 12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký “Đạo luật Ngăn chặn nạn Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ”, theo đó cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương vào Mỹ trừ khi có thể chứng minh rằng những sản phẩm đó được sản xuất mà không bị cưỡng bức lao động.

Tuần này, nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Mỹ đã bị giới hoạt động nhân quyền và lập pháp Mỹ coi là “đồng lõa với tội ác diệt chủng” sau khi hãng này mở một trụ sở trưng bày ở Tân Cương, cho rằng danh tiếng của hãng sẽ bị ảnh hưởng. Còn tập đoàn Intel của Mỹ, sau khi gã khổng lồ sản xuất chip này yêu cầu các nhà cung cấp tránh tìm nguồn cung ứng từ Tân Cương, họ cũng có bức thư ngỏ giải thích và xin lỗi người Trung Quốc [rằng đó không phải là chủ ý riêng của họ].

Tiêu Nhiên, Vision Times

Xem thêm: