Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị.

Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc, nhất là đối với “Trung Hoa thập đại danh khúc” – 10 khúc nhạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

  • Xem loạt bài tại đây

Hồ Già thập bát phách (胡笳十八拍 – Mười tám điệu phách của kèn Hồ Già) là một thiên trong kiệt tác Bi phẫn thi (悲憤詩) của nữ sĩ Thái Văn Cơ thời Kiến An. Bi phẫn thi bao gồm một bài theo thể ngũ ngôn cổ phong, một bài theo thể “Tao”, và thiên Hồ già thập bát phách. Đây là tác phẩm nổi tiếng với tâm trạng bi thảm triền miên, khiến người xem không khỏi rơi lệ. Nguyên nhân Thái Văn Cơ sáng tác Hồ Già thập bát phách cũng giống như nguyên nhân Vương Chiêu Quân gảy nên khúc Bình sa lạc nhạn vậy, cả hai người phụ nữ tài sắc này đều trải qua số phận bi thảm, phải sống nơi đất khách quê người (Xem bài: 10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ III: Bình sa lạc nhạn).

Thái Văn Cơ hay Thái Diễm (蔡琰) là con của Thái Ung, một nhà văn, nhà sử học làm quan cuối thời Đông Hán. Bên cạnh đó, Thái Ung còn là người thông thạo âm luật. Tương truyền ông đã nói với một người chụm củi, rằng: “Tôi nghe tiếng củi nổ, biết là củi tốt, chớ nên chụm”. Ngay sau đó, ông xin khúc củi cháy dở đem về, làm thành một cây đàn, tiếng rất trong.

Nhờ có người cha như vậy, nên từ khi tám tuổi, Thái Văn Cơ đã giỏi đàn. Năm mười sáu tuổi, Thái Văn Cơ lấy chồng là Vệ Trọng Đạo (衛仲道), một danh sĩ khá nổi danh, thuộc một gia tộc lớn ở Hà Đông. Nhưng chẳng bao lâu thì chồng bị bệnh chết. Nhà chồng cho là nàng khắc mệnh, lại chưa có con, nên cho về nhà mẹ đẻ. Sau đó trong loạn lạc thời Hán mạt, nàng bị quân Đổng Trác bắt đi rồi đi lưu đày ở đất Hung Nô, kết hôn với Tả Hiền Vương, sống ở đó mười hai năm và sinh được hai con. Sau nhờ Tào Tháo, vốn là bạn thân của Thái Ung, thương xót nàng nên cho sứ giả đem vàng ngọc tới chuộc về. Nhưng hai con nàng là cốt nhục người Hồ nên bị giữ lại.

10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại - Kỳ VIII: Hồ Già thập bát phách
Cảnh Thái Văn Cơ bị quân Đổng Trác bắt. (Tranh: Metmuseum.org, Public Domain)

Hồ Già thập bát phách kể lại toàn bộ quá trình Thái Văn Cơ nhục nhã khi bị bắt, bị đi đày, cho đến nỗi cô đơn nơi đất khách, rồi niềm vui hồi hương xen lẫn với nỗi đau chia lìa cốt nhục. Hồ Già chính là cây kèn của người Hồ, về Hán rồi lại dùng kèn Hồ, ấy là bởi vì nàng Văn Cơ thương nhớ con khôn nguôi. Khúc Hồ Già thập bát phách tuy vậy thường được biểu diễn bằng cổ cầm.

Tao ô nhục hề đương cáo thùy?
Già nhất hội hề cầm nhất phách
Tâm phẫn oán hề vô nhân tri!

Dưới đây là diễn nghĩa (và một số là dịch thơ) nội dung 18 phách của Hồ Già thập bát phách:

1. Nỗi nhục lúc bị bắt

Tôi sinh ra không làm gì nên tội
Tôi bước vào đời nhà Hán suy vong
Trời không có lòng nhân, giáng xuống tao loạn chia cách
Đất cũng độc ác, sinh tôi ra gặp thời loạn
Ngàn giáo mác gặp hàng ngày, đường sá nguy hiểm
Dân chúng lưu vong, cùng chung nỗi buồn sợ
Khói bụi che lấp, người Hồ Lỗ thịnh
Ý chí dư thừa, tình nghĩa không có
Tục lạ xứ người, tôi không thích hợp
Gặp điều ô nhục, than thở cùng ai
Sáo nổi một hồi, đàn một phách
Nỗi lòng buồn oán, không ai biết cho!

2. Nỗi lòng khi bị bức hôn

Nhung Yết buộc tôi thành gia thất
Dẫn dắt tôi đi về phía trời xa
Mây núi trùng trùng đường về mờ mịt
Gió dữ ngàn dặm thổi tung bụi bay
Người quá hung bạo như rắn rít
Giương cung mặc giáp thật kiêu kỳ
Đàn bài thứ hai dây căng muốn đứt
Chí tàn tâm gãy tự sầu bi.

02 1
Thái Văn Cơ rời Hán vào Hồ. (Tranh: Public Domain)

3. Cảnh rời Hán vào Hồ

Vượt đất Hán nhập thành Hồ
Nhà tan thân mất như không sinh ra
Vải lều làm áo da thịt đau đớn
Mùi Yết làm thơm ngăn cấm ý mình
Trống trận vang rền suốt đêm đến sáng
Gió Hồ khắp nơi mịt mờ doanh trại
Thương nay nhớ xưa thành bài ba
Ngậm sầu nuôi hận lúc nào yên bình?

4. Nhớ quê hương và than thở cảnh đời bạc mệnh

Không ngày không nhà nhớ nơi hương thổ
Ngậm hơi mà sống đừng làm tôi quá khổ
Nạn trời ách nước không chủ không người
Riêng tôi bạc mệnh đất Hồ trôi nổi
Tục lạ tâm khác xứ lạ khó khăn
Tâm ý bất đồng cùng ai tâm sự ?
Nhớ nhung đã trải gian truân lắm nỗi
Phách bốn đờn lên càng thêm buồn khổ

5. Thấy chim nhạn bay mà nhớ nghĩ xa xôi

Nhạn bay về nam muốn gửi tiếng nói biên cương
Nhạn trở về bắc chờ nghe giọng quê hương
Nhạn bay cao xa xôi khó tìm
Càng thêm đứt ruột âm thầm nỗi nhớ
Ngước mắt nhìn trăng đàn cầm ve vuốt
Phách năm êm êm đầy ắp ý tình

10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại - Kỳ VIII: Hồ Già thập bát phách
Thái Văn Cơ và chồng người Hồ cùng hai người con. (Tranh: Iipfs.io, Public Domain)

6. Chịu đựng cảnh rét lạnh ở đất Hồ, đói mà không thể ăn được

Băng sương lạnh giá tấm thân khổ vì rét,
Đói mà thịt đông không thể ăn.
Đêm nghe tiếng nước chảy như thút thít,
Hướng về trường thành thấy đường xa tít tắp.
Hồi tưởng những ngày đã qua mà khó cất hành lý,
Lục phách bi ai muốn buông đàn.

7. Cảnh tượng ở Hồ

Ngày tàn gió đau buồn âm thanh bốn bề nổi lên,
Không hay tâm sầu biết nói cùng ai.
Cánh đồng tiêu điều, lửa xe vạn dặm,
Thế tục coi khinh kẻ già yếu,
Thiếu niên trai tráng đắc ý.
Đi tìm cỏ nước dựng nhà đắp luỹ,
Bò dê ngoài cánh đồng, tụ hợp như kiến ong,
Cỏ hết nước cạn bò dê đều dời đi.
Thất phách lưu hận, chất chứa hổ hẹn ở đây.

8. Trách Trời giận người sao tạo chi một mối tình

Làm Trời có mắt sao không thấy chỉ có mình tôi trôi nổi lưu lạc,
Làm thần hiển linh cớ gì đẩy tôi đến đầu Trời Nam cuối biển Bắc.
Tôi không chống Trời tại sao để tôi thành hôn phối với người khác chủng tộc,
Tôi không phụ thần sao thần bắt tôi phải vượt hoang mạc gian truân.
Làm thành phách 8 cố gượng vui,
Nhưng khi phách đã thành lòng cũng sầu muộn theo.

9. Mối sầu vô biên, hỏi Trời cao mà không thấy trả lời

Trời vô tận đất vô biên,
Tâm ta sầu mà sao cứ thế.
Nhân sinh bất chợt như tuấn mã vút qua khe hở,
Vậy mà không được vui vẻ khi ta còn thịnh niên.
Oán trách muốn hỏi Trời,
Trời xanh xanh mà chẳng duyên cớ gì,
Ngẩng đầu ngưỡng vọng mây khói bay.
Cửu phách mang tấm lòng không biết kể cùng ai.

03 1
Sự cô đơn của Thái Văn Cơ. (Tranh: Asiasociety.org, Public Domain)

10. Chiến tranh không dừng, nỗi oán hận chiến tranh

Đầu thành khói lửa không thôi
Biên cương tranh chiến đời đời chưa ngưng
Sát khí chiều sáng ùn lên
Đêm đêm gió bấc thổi rung trăng mờ
Cố hương xa cách bến bờ
Khóc không thành tiếng cổ khô nghẹn ngào
Một đời cay đắng biết bao
Phách mười sầu thảm lệ trào máu trôi.

11. Không tham sống sợ chết mà chỉ hy vọng ngày nào đó sẽ hồi hương cùng hai con.

Tôi không ham sống nhưng ghét chết,
Không thể quyên sinh được
Sống, rất muốn trở về cố hương;
Chết, vùi thây ở đây cũng tốt thôi
Ngày đêm sống tại đồn lũy xứ Nhung,
Người chồng Hồ luyến ái tôi có hai con
Cực khổ nuôi nấng không sợ xấu hổ,
Thương nhiều tuy sống nơi biên cương hẻo lánh
Nên phách đàn thứ mười một nảy sinh,
Nỗi buồn triền miên vọng lại thấu tâm can.

12. Nỗi mâu thuẫn trong lòng khi sứ giả nhà Hán chuộc người mà phải ly biệt hai con còn thơ dại.

Gió Đông ứng luật, hơi ấm nhiều,
Biết là Bố Dương Hoà của thiên tử nhà Hán.
Vũ đạo Khương Hồ, cùng hát ca,
Hai nước giao hảo thu binh về.
Gặp sứ giả nhà Hán xưng là Cận Chiếu,
Đem nghìn vàng chuộc lấy người thiếp,
Mừng còn sống trở về gặp thánh quân,
Ôi đứa bé kia có biết nguyên nhân.
Thập nhị phách buồn vui cân bằng,
Hai tâm trạng đi ở khó tả cho đầy đủ.

13. Lúc xa biệt con để rời khỏi nước Hồ, lòng đau xót thương khốc thê thảm

Không thiếu khuyết mà lại trở về toàn vẹn,
Ôm ấp vỗ về Hồ nhi mà lệ rơi ướt áo.
Sứ giả nhà Hán nghênh đón ta, với bốn con ngựa,
Tiếng kèn đau buồn thất thanh ai có biết,
Sinh tử cùng ta gặp đúng lúc này.
Buồn cho đứa bé không có ngày tươi sáng,
Cánh chim ở đâu mang ngươi về.
Mỗi bước một xa chân khó nhấc,
Hồn tiêu tan ân ái mất.
Thập tam phách dây gảy gấp điệu nhạc đau buồn,
Ruột gan rối bời không ai hiểu được ta.

14. Về Hán mà hồn trong mộng dẫn dắt nàng về hai con ở đất Hồ.

Ta về nước con chớ đi theo,
Lòng nao nao ruột như đói thắt.
Tứ thời vạn vật có thịnh suy,
Chỉ có ta sầu khổ hãy đừng đi.
Núi cao đất rộng gặp con không biết khi nào,
Canh thâu mộng lúc con đến.
Trong mộng nắm tay vừa buồn vừa vui,
Tỉnh lại tim ta đau mãi không thôi.
Thập tứ phách nước mắt tuôn rơi,
Nước sông chảy về Đông tâm tự tư.

15. Giấc mộng hai con cứ trở về không thôi.

Thập ngũ phách tiết điệu gấp,
Khí lấp đầy lồng ngực ai biết ẩn tình.
Căn nhà đơn sơ nơi hẻo lánh đôi lứa cắt đứt thế tục,
Trở về Hán quốc lòng vui vẻ đầy đủ.
Lòng ôm giữ mối sầu trở nên sâu nặng,
Nhật nguyệt vô tư chẳng soi xét.
Mẫu tử phân ly ý khó nhẫn,
Cùng Trời mà cách biệt như sao Thương sao Sâm,
Sinh tử chẳng biết nhau, biết tìm nơi đâu.

16. Tưởng nhớ hai con mà muốn trở lại nước Hồ

Thập lục phách tâm tư mang mang,
Ta với con mỗi người một phương.
Nhật Đông nguyệt Tây ngước nhìn nhau,
Không được theo nhau trống rỗng như đứt ruột.
Cỏ huyên ở kia mà không quên được ưu sầu,
Gảy đàn mà tâm tình sao mà đau thương.
Nay xa cách con trở về quê cũ,
Ân oán cũ nặng mà ân oán mới thì dài.
Rớt nước mắt ngẩng đầu kể với Trời xanh,
Sao sống mà một mình gặp phải tai hoạ này.

17. Lúc đi nhớ quê hương, lúc về phải biệt ly con dại

Thập thất phách tâm chua xót,
Quan san dài ngăn trở đường khó đi.
Lúc đi nhớ quê cũ, tâm trống rỗng,
Lúc về xa cách con tâm tư miên man.
Cỏ hoàng hao lấp kín, cành lá khô héo,
Bãi cát xương trắng, vết sẹo bởi tên đao.
Sương gió lạnh lẽo, xuân hạ hàn,
Người ngựa đói mệt sức yếu.
Há biết lần nữa vào Trường An,
Than thở chán chường dòng lệ khô.

18. Chịu đựng cảnh mẹ con cách biệt đông tây, nhớ thương da diết

Kèn hồ già vốn xuất từ nơi người Hồ,
Duyên cầm cho ra âm luật đồng.
Thập bát phách dù khúc đã hết,
Nhưng âm hưởng còn dư, tâm tư vô cùng.
Biết rằng tơ trúc đều là sản phẩm của tạo hoá,
Ai lạc tuỳ theo nhân tâm, có biến mà lại thông.
Hồ và Hán đất nước bất đồng,
Cách biệt Trời đất, con ở Tây mẹ ở Đông.
Những thanh âm cuối là nỗi khổ oán khí ngút trường không,
Bốn phương trên dưới tuy lớn nhưng không dung chứa được.

Hồ Già thập bát phách:

Cao Sơn

Xem thêm:

Mời xem video: