Đại đa số người ta cả đời bươn chải, theo đuổi, nỗ lực đều là vì một chữ “phúc”. Nhưng cổ nhân cho rằng chữ “phúc” ấy rất nhiều khi là do chính bản thân mỗi người tạo ra, nó không chỉ là sự phản ánh của tâm thái, mà hơn hết còn là nhân quả của sự ma luyện và mài giũa đến thành thục.

3 đường nhân quả cần tránh để tạo phúc cho gia đình
(Ảnh minh họa: Vectorx2263, Shutterstock)

Cổ ngữ có câu: “Phúc nhân cư phúc địa, phúc địa phúc nhân cư”, ý tứ rằng một người phải có phúc thì mới có thể sống được ở nơi đất lành. Hơn nữa một nơi vốn có phong thủy không được tốt, nhưng được người phúc đức đến sinh sống một khoảng thời gian thì tự nhiên hoàn cảnh sẽ thay đổi, trở thành mảnh đất may mắn.

Khi nội tâm của một người là an tĩnh tự tại thì “tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, nơi mà họ sinh sống cũng tự nhiên trở thành phúc địa mà mọi người đều yêu thích. Hơn nữa “vật họp theo loài, người phân theo nhóm”, trên mảnh đất lành ấy lại không ngừng có nhiều người cùng chung giá trị và chí hướng mà đến, từ đó tập hợp được càng nhiều “phúc nhân” hơn. Nơi này sẽ dần trở thành vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Phật gia cho rằng hết thảy điều này đều là quan hệ nhân quả. Nếu một người muốn trở thành một người có phúc, một gia đình muốn càng ngày càng hưng vượng thì nhất định phải gieo trồng nhân tốt, tương lai mới có thể gặt hái được quả ngọt. Để tạo phúc cho bản thân và gia đình, chúng ta cần tránh 3 đường nhân quả sau:

Nhân quả của khẩu nghiệp

Cuộc đời của người có phúc thường là một cuộc đời tích đức hành thiện. Họ không bao giờ tùy tiện phán xét người khác, cũng không tung tin đồn nhảm, bịa đặt gây chuyện thị phi. Bởi vì nói lời ác độc không những gây tổn hại cho người khác mà cũng đem đến tổn hại cho mình, kết cục là đưa tới tai họa. Như thế họ đã tự làm tiêu giảm phúc báo của bản thân và gia đình rồi.

Người thường xuyên có khẩu nghiệp sẽ đắc tội với rất nhiều người. Gia đình của người ấy tự nhiên sẽ không được người khác yêu thích, thậm chí bị xa lánh, vận may và cơ hội cũng mất dần. Dần dà gia đình sẽ bị suy bại.

Người xưa răn dạy rằng: “Ngồi yên tĩnh thì nghĩ về lỗi của mình, khi nói thì không bàn lỗi người khác”. Trên thế giới này vốn không có người nào hoàn hảo hoàn mỹ. Vì vậy, thay vì đàm luận người khác thì hãy tu dưỡng bản thân mình. Làm được như vậy chính là vừa khiến bản thân cao thượng hơn, vừa tích được phúc báo cho gia đình.

Nhân quả của tâm tham dục

Con người sống trên thế gian thật khó tránh khỏi tâm tham dục. Nhưng dù thế nào đi nữa, mỗi người đều phải biết khắc chế lòng tham của mình, phải cố gắng kiềm nén, thậm chí trừ bỏ tâm tham đi. Một người khi bị lòng tham khống chế, thôi thúc thì làm gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cho bản thân. Lâu dần mọi người sẽ không ai còn muốn kết giao, hợp tác và tiếp xúc nữa.

Từ xưa đến nay, những người bởi vì lòng tham nhất thời mà làm ra chuyện hại người hại mình có không ít. Nhà Phật có giảng rằng phúc từ bố thí mà đến. Một người chỉ có trừ bỏ tâm tham dục của mình, cho đi nhiều hơn, thì bản thân và gia đình mới có thể đắc được phúc lành.

Nhân quả của tâm oán hận

Những điều không vừa ý trong đời người có đến tám, chín phần, do vậy trong lòng có nảy ra tâm oán trách cũng là điều khó tránh khỏi. Nhưng cuộc sống là những ngày dài đằng đẵng nối tiếp nhau, nếu một người cứ mãi sống trong oán hận thì chẳng những không đem lại điều gì tốt đẹp cho mình mà còn là một sự phiền nhiễu đối với gia đình, thậm chí là những người xung quanh. Vì vậy, chúng ta hãy luôn giữ cho mình một suy nghĩ lạc quan và điều chỉnh tâm thái của mình để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Khi người ta không gieo trồng ác nhân thì đương nhiên cũng sẽ không gặt phải ác quả, lực cản trên con đường nhân sinh tự nhiên cũng sẽ ít đi. Khi ấy, gia đình cũng trở nên tốt đẹp hơn, trở thành “phúc địa”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: