Cổ ngữ nói: “Không có quy củ, sao thành được vuông tròn”. Vạn vật trong trời đất đều có quy luật vận hành của mình, nhờ đó mà được suôn sẻ dài lâu. Con người sống trên đời cũng nên là như vậy, tuần hoàn theo các quy tắc nhất định thì mới tránh được tai ương. Dưới đây là 4 câu cảnh tỉnh của cổ nhân, cũng là 4 quy tắc giúp một người an thân lập phận.

4 câu cảnh tỉnh của cổ nhân giúp một người an thân lập phận
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan)

Tâm hại người không thể có nhưng cần biết lý trí phòng người

Sách Thái Căn Đàm viết: “Tâm hại người không thể có, tâm phòng người không thể không có”, làm người vừa phải có lý trí thận trọng an toàn vừa phải có tấm lòng khoan dung nhân đức. Trong sách Tăng Quảng Hiền Văn viết: “Vẽ rồng vẽ hổ khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng”. Sách Cảnh Thế Hằng Ngôn cũng viết: “Người vốn không có ý hại hổ nhưng hổ lại có ý muốn cắn thương người”.

Đây đều là những câu giáo huấn cảnh tỉnh một người khi làm việc thì không được lơ là, khinh suất. Việc đời vốn phức tạp lại hay biến đổi, không thể chỉ dựa vào mặt ngoài mà đối đãi và xử lý vấn đề. Phàm là mọi việc phải nắm được chừng mực, không thể chủ quan, sơ ý không phòng bị gì. Điều này nói nhẹ thì là không lý trí, nói nặng thì là thiếu trách nhiệm.

Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải vừa thiện ý vừa lý trí. Bởi vì nếu khuyết thiếu lý trí, một người sẽ khó minh bạch được thật giả, thiện ác. Vậy thì sẽ rất dễ dàng rơi vào tình huống “giúp người xấu làm việc ác” hoặc “bị người xấu lợi dụng”, từ đó rước họa vào thân mà bản thân không hay biết.

Dục vọng nặng thì tâm trí bị mê mờ

Trang Tử có câu: “Người có dục vọng nặng thì tâm trí bị phong bế”, người nhiều ham muốn thì sẽ dễ mê lạc mất. Hơn nữa, khi dục vọng của một người càng nhiều thì người ấy sẽ càng phiền não hơn, cũng khiến cho phúc mỏng mệnh bạc.

Dục vọng không có chừng mực của con người chính là nguồn gốc sinh ra cái ác. Dục vọng mạnh sẽ che mờ tâm trí của con người, khiến cho người ấy lâm vào xu hướng suy tàn, mê muội mà không tự thoát ra được. Người như vậy thì trí tuệ sẽ không sáng suốt, khả năng phán đoán và đánh giá sự tình cũng sẽ kém đi.

Vậy nên giảm bớt dục vọng, ham muốn của bản thân là điều mà cổ nhân thường răn dạy. Trong sách Lễ Ký cũng khuyên con người phải có hạn độ trong dục vọng, phải dùng lễ để tiết chế dục vọng: “Dục nhất dĩ cùng chi, xá lễ hà dĩ tai?”. Người mà không biết chế ngự dục vọng của mình thì sao có thể an thân lập phận được.

Phúc khí lớn nhất là tâm không có sự lo phiền

Sách Thái Căn Đàm viết: “Cái phúc của con người là ở có ít sự tình trong tâm, còn tai họa của con người là vì có quá nhiều tâm không bỏ. Chỉ có người biết giữ cho tâm ít phiền muộn thì mới có phúc, chỉ có người bình tâm tĩnh khí mới hiểu rằng ‘đa tâm’ chính là họa vậy.”

Những người có tâm tình bình thản thì sẽ ít sinh ra sự tình rắc rối. Cổ nhân có câu: “Lòng chẳng có sự lo phiền chính là thời tiết đẹp ở chốn nhân gian”. Những chuyện phiền não trong cõi hồng trần thế gian là rất nhiều. Nếu một người không thể đối đãi bằng tâm bình thường, coi nhẹ chúng thì người ấy sẽ luôn cảm thấy những phiền não này dính mắc trong tâm. Giống như Tô Đông Pha từng cảm khái rằng: “Nơi nào tâm an thì đó là cố hương”.

Người đa tâm thì sẽ hay nghi ngờ, từ đó mà có những hành vi không đoan chính, mang đến tai bay vạ gió hay những sự tình phiền phức vô cớ. Biểu hiện ra bên ngoài chính là giống như lời của Khổng Tử nói: “Người quân tử vô tư thản đãng, kẻ tiểu nhân lo lắng ưu tư”. Đa tâm chính là thể hiện của nội tâm lo lắng được mất, thiệt hơn, tính toán chi li của một người. Người mà trong tâm luôn lo được lo mất thì sẽ không thể an tường.

Người tài không tự hiển lộ mình

Trong Tiểu Song U Ký có câu: “Đem trí tuệ thông minh giấu sau vẻ ngoài vụng dại, dùng cách kín đáo mà lại thấy được rõ, giấu thanh khiết ở nơi bẩn đục, lấy cúi mình làm chính trực”. Lão Tử giảng: “Rất thẳng mà lại ngỡ như cong, tuyệt khéo mà lại ngỡ như vụng về, rất hùng biện mà ngỡ như là ấp úng”. Hai đạo lý này chính là tương đồng với nhau.

Mọi sự việc đều có hai mặt của nó, bởi vậy người quá mức thanh cao thì lại hay khuyết thiếu nhân từ, người có tài lại thường chết vì kiêu ngạo. Người chân chính có phẩm cách thanh cao, có đại trí tuệ thời xưa sẽ chọn cách không hiển lộ chính mình. Từ bề ngoài mà nhìn thì họ cũng chất phác mộc mạc giống như mọi người khác. Họ không chê khuyết thiếu của người, cũng không khoe khoang sở trường của mình. Bởi thế Nho gia giảng Trung Dung, Đạo gia giảng khiêm tốn và thiện như nước, đây chính là đạo giữ mình và xử thế của người xưa.

Trong Chu Dịch có viết: “Quân tử tàng khí vu thân, tý thì nhi động”, ý rằng người quân tử cất giấu vũ khí, chờ thời cơ mà động. Năng lực xuất chúng cố nhiên đáng để tự hào, nhưng nếu không biết tiết chế, trước mặt người khác mà khoe khoang, thì sẽ nhận phải tai bay vạ gió. Một người khi bắt đầu ở trước mặt người khác mà khoe khoang năng lực thì cũng chính là lúc nhân phẩm của người ấy bị giảm sút.

Theo Sound Of Hope
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: “4 điều thận trọng” trong tu tâm dưỡng đức của người xưa