Hậu thế bàn rằng Khổng Tử có 3000 đệ tử, 72 hiền sĩ, nhưng người có thể hô phong hoán vũ thì không nhiều, do đó có thể ví Khổng Tử là tôn sư của thời trị. Còn Quỷ Cốc Tử thì có ít đệ tử hơn, nhưng đều là những nhân vật khuấy đảo thiên hạ như Tô Tần, Trương Nghi, Tôn Tẫn, Bàng Quyên, thậm chí có sách còn chép cả Lã Bất Vi, Địch Thanh, Bạch Khởi… Điều này cho thấy Quỷ Cốc Tử có thể ví là kỳ tài của thời loạn. 4 đạo lý nhìn người dưới đây được Quỷ Cốc Tử lưu lại, thật vô cùng sâu sắc.

4 đạo lý nhìn người của Quỷ Cốc Tử
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Phú khán kỳ vi: Giàu có thì xem việc họ làm

Người giàu có trong thiên hạ rất nhiều, nhưng người giỏi sử dụng tài phú của mình lại rất ít. Khi một người giàu có hãy nhìn vào cách hành xử với của cải của họ, như vậy sẽ có thể nhìn ra giá trị quan của họ. Người giàu mà xa hoa dâm loạn thì đấy là cái giàu vô đức. Người giàu mà trọng đạo nghĩ thì đấy là cái giàu mọi người đều mong mỏi.

Trong “Sử Ký-Hoá Thực liệt truyện” của Tư Mã Thiên có câu: “Phú hiếu hành kỳ đức”, nghĩa là người giàu có thích cứu tế những người nghèo khó, nguy nan, làm những việc có đạo đức. Kỳ thực người giàu là có trách nhiệm với xã hội, nhưng trách nhiệm này chỉ có tự họ hiểu ra, không thể ép buộc.

“Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử xem trọng tiền tài, nhưng không tùy tiện nhận. Tiền tài hợp với đạo thì không thể không quý trọng, bởi đó là của cải do bản thân làm ra, không thể tiêu xài hoang phí. Còn những thứ không phải là của cải do lao động, thì dẫu nhận trong tâm cũng cảm thấy bất an.

Dẫu sao thì tiền bạc cũng là vật ngoại thân, khi sinh không mang theo đến, khi tử chẳng mang theo đi. Cuộc đời của một người không thể không có tiền, nhưng không thể sống vì tiền.

Quẫn khán kỳ bất vi: Khốn cùng thì xem việc họ không làm

Cổ nhân giảng “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, nghĩa là giàu sang không thể cám dỗ, nghèo khó không thể lay chuyển, quyền uy không thể khuất phục. Có thể thấy từ xưa tới nay tu dưỡng khí tiết là điều cổ nhân vô cùng coi trọng.

Trong văn hóa truyền thống, hình tượng của Tùng, Trúc, Mai là biểu tượng cho tiết tháo cao thượng. Ba loài cây này được gọi là “Tuế hàn tam hữu”, ba người bạn của giá lạnh. Mùa đông lạnh giá, cây cối héo rũ tiêu điều, nhưng tùng trúc vẫn hiên ngang, mai vẫn nở bất chấp sương gió. Bậc quân tử cũng như vậy, họ chính nghĩa, giữ vững khí tiết, không bị khuất phục hay lay chuyển trong nghịch cảnh.

Người quân tử dẫu rơi vào bước đường cùng vẫn kiên trì nguyên tắc làm người, kẻ tiểu nhân hễ gặp lợi ích liền làm điều xằng bậy. Càng là ở vào hoàn cảnh khó khăn cực điểm, càng có thể nhìn thấu phẩm chất của một người.

Rất nhiều người khi túng quẫn thì thường quên mất nguyên tắc của mình. Nếu những người này có thể kiên trì giữ vững chuẩn mực của bản thân, thì sẽ không có nhiều tham quan, đạo tặc, cướp bóc như hiện nay.

Cư khán kỳ sở thân: Ở thì xem người mà họ thân thiết

Hoàn cảnh sinh sống có ảnh hưởng rất lớn đến một người. Tục ngữ có câu rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.” Môi trường tốt sẽ giúp con người phát triển theo hướng tốt, môi trường xấu sẽ khiến con người dần sa ngã. Vậy nên, muốn xem xét một người hãy xem họ thường ở cùng ai và qua lại với những người như thế nào.

“Chu Dịch. Hệ từ thượng” có viết: “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”, đại ý là vật họp theo loài, người phân theo nhóm. Những thứ cùng loại thường tụ về cùng một chỗ.

Một người kết giao với bạn thế nào, chính là trực tiếp phản ánh ra cách làm người của người đó. Cổ nhân thông qua cách kết giao bạn bè của một người, cùng với quan sát thái độ ứng xử với bạn bè như thế nào, là đủ để phán đoán một người là tốt hay xấu rồi.

Quý khán kỳ cử: Khi được tôn quý rồi thì xem người mà họ tiến cử

Khi một người làm quan lớn, có quyền tước, thì hãy xem họ tiến cử người như thế nào. Nếu họ tiến cử người rất có tài năng, vậy người này ắt là người công bằng chính trực. Nếu họ tiến cử một người không có chí với công việc, thích an nhàn, hưởng lạc, chứng tỏ họ cũng không đáng tin cậy.

Bậc quân tử khi tiến cử người hiền tài thì không vị tư, thường lấy đại cục làm trọng, tiến cử người ngoài không tránh kẻ thù, tiến cử người nhà cũng đường đường chính chính.

“Tống sử, Sử Hạo truyện” có ghi chép một câu chuyện như sau. Sử Hạo, tự là Trực Ông, người huyện Ngân ở Minh Châu, là người hay tiến cử hiền tài, từng tiến cử Trần Chi Mậu lên triều đình nhận chức quan Châu Quận.

Hoàng thượng biết Trần Chi Mậu từng nói xấu Sử Hạo, bèn nói: “Khanh muốn lấy đức báo oán à?”

Sử Hạo đáp: “Vi thần không có khái niệm về thù hận.”

Mạc Tế từng chửi rủa Sử Mậu vô cùng thậm tệ, Sử Mậu lại tiến cử ông ta phụ trách công việc chiếu mệnh. Hoàng thượng hỏi: “Mạc Tế chẳng phải luôn chỉ trích khanh hay sao?”

Sử Mậu thưa: “Vi thần không thể vì việc tư mà để ảnh hưởng đến việc công.”

Trong lịch sử quả thực có rất nhiều nhân vật tiêu biểu về việc tiến cử hiền tài không nhớ thù riêng. Họ lấy việc quốc gia đại sự làm trọng, đặt việc cá nhân mình ở phía sau. Thậm chí nhiều người trong số họ không màng đến ân oán cá nhân, lòng dạ khoan dung rộng lượng. Đó thực sự là những chính nhân quân tử có tấm lòng quảng đại, lưu danh sử sách. Người như vậy mới khiến người khác phải kính phục.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cẩm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: