Hết thảy những phiền não của một người phần nhiều đều là do sự lo lắng trong tâm sinh ra. Người trí tuệ sống mà không bị ngoại vật phiền nhiễu, luôn giữ tâm đơn giản cho nên thế giới của họ cũng liền thanh tĩnh.

5 sự tình mà người trí tuệ thường không nghĩ nhiều
(Ảnh minh họa: JekLi, Shutterstock)

Có câu nói rất hay rằng: Khi chúng ta cảm thấy khoái hoạt vì ngắm một đóa hoa hay thưởng thức một món ăn nào đó thì không phải bởi vì hoa nở được tươi đẹp, hay đồ ăn hợp khẩu vị của chúng ta, mà chủ yếu là bởi vì trong lòng chúng ta không có lo lắng.

Đối với một người trí tuệ mà nói, trong cuộc đời họ sẽ không chấp nhất, không bị trói buộc, không suy nghĩ nhiều vào 5 sự tình dưới đây:

Người trí tuệ không màng tuổi tác

Một người đẹp nhất ở độ tuổi nào? 20, 30 hay 40 tuổi. Đối với mỗi người mà nói, quãng thời gian đẹp nhất lưu giữ trong ký ức của họ có lẽ sẽ là khác nhau. Nhưng đối với một người trí tuệ mà nói, họ không nghĩ nhiều đến tuổi tác. Những người như vậy, họ trân quý hiện tại, làm những việc mà bản thân muốn làm ngay ở thời khắc hiện tại mà không lo lắng về sự già đi trong tương lai, cũng không để khả năng của bản thân bị hạn chế bởi tuổi tác.

Cổ nhân có câu: “Tâm là chủ của thân”. Cho nên, người không nghĩ đến tuổi tác sẽ có một tâm hồn trẻ trung, yêu đời. Họ đối với thế giới bên ngoài, đối với vạn vật và cuộc sống bằng một tâm thái thưởng thức, yêu mến nhiệt tình, không suy tính thiệt hơn. Bởi vì có một tâm hồn như vậy nên cuộc đời của họ cũng luôn tràn đầy khoái hoạt, hạnh phúc.

Không so đo với người

Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Heo nói rằng giả như cho tôi sống thêm một đời nữa, tôi ước được làm một con bò, công việc tuy có vất vả một chút, nhưng danh tiếng tốt lại được con người yêu mến. Bò thì nói giả như cho tôi được sống thêm một cuộc đời nữa, tôi ước làm một chú heo, ăn no rồi ngủ, ngủ đủ lại ăn, không mất sức, không chảy mồ hôi, cuộc sống sung sướng. Chim ưng nói giá như cho tôi sống lại một lần nữa, tôi sẽ làm một con gà, khát có nước uống, đói có gạo ăn, ở có chuồng, lại còn có người bảo vệ. Nhưng con gà lại nói, giá như cho tôi sống lại thêm một lần nữa, tôi ước được làm một con chim ưng, có thể bay lượn trên trời xanh, vân du tứ hải, tùy thích muốn làm gì làm nấy.

Điều ước của các con vật trong câu chuyện ngụ ngôn kia cũng chính là những gì mà chúng ta vẫn thường làm: Luôn so sánh bản thân với người khác, rất ít người mong được làm chính mình, thay vào đó họ cứ đi ngưỡng mộ những thứ của người khác, ngưỡng mộ công việc của người khác, ngưỡng mộ con cái ưu tú của người khác, ngưỡng mộ chiếc xe mới của người khác…

Mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình. Người khác có thể ngưỡng mộ bạn là người tài hoa, ngưỡng mộ cuộc sống thanh nhàn của bạn, hoặc con cái ngoan hiền của bạn, chỉ là bạn không biết mà thôi. Trái lại, bạn cũng không biết người mà bạn hâm mộ có thể đang phải chịu đựng nhiều áp lực, ăn không ngon ngủ không yên, hoặc đang có những đau buồn mà họ không thể thổ lộ. Bởi vậy, sống tốt hơn trong cuộc đời của mình là cách để tâm thái thoải mái, giảm bớt ưu phiền.

Không sợ hãi bệnh tật

Trạng thái lý tưởng nhất trong cuộc sống chính là trong tâm không lo, trên thân không bệnh. Đây chính là trạng thái của người trí tuệ. Con người sống tuần hoàn theo quy luật sinh lão bệnh tử, thật khó để tránh được hết bệnh tật. Không ai dám cam đoan bản thân sẽ không mắc bệnh, cũng không thể làm cho người thân bên mình không bị bệnh tật xâm lấn.

Sinh mệnh quả thực là yếu ớt. Nhưng sự lo lắng, sợ hãi bị bệnh chỉ là sự phản kích vô dụng mà thôi. Thậm chí một người mà trong tâm luôn sợ hãi mắc bệnh, luôn nghĩ đến bệnh tật thì bệnh tật lại càng dễ dàng tìm tới. Khi sinh mệnh càng kiên cường, càng rời xa những sự vật sự việc làm thân thể không được khỏe mạnh thì bệnh tật tự nhiên cũng rời xa.

Khi thân thể khỏe mạnh, không nên nghĩ nhiều. Khi thân thể có bệnh càng không nên oán trách mà cần điều chỉnh tâm tính cho tốt hơn lên, chăm sóc tốt cho bản thân, giữ tâm thái lạc quan tích cực. Đó mới là cách tốt nhất, phù hợp nhất.

Quên nỗi buồn của ngày hôm qua và những lo âu của ngày mai

Người như thế nào sống khổ nhất? Đó chính là người bị vây khốn bởi phiền não ở quá khứ và lo âu ở tương lai. Người sống ở quá khứ luôn bị dính mắc bởi quá khứ, tâm của họ bị vây khốn ở quá khứ, cuộc sống luôn ảm đạm không có ánh sáng. Người sống ở tương lai sẽ luôn buồn lo vô cớ bởi những phiền não của tương lai, tâm của họ luôn bất an, không yên định.

Có câu chuyện kể rằng, một lão hòa thượng hỏi tiểu đồ đệ của ông: “Nếu chúng ta bước lên phía trước một bước sẽ bị chết, lùi về phía sau một bước cũng bị chết thì chúng ta nên làm gì?”

Tiểu đồ đệ không chút do dự, đáp: “Con sẽ bước sang bên cạnh!”

Đời người cũng nên là như thế. Khi chúng ta cảm thấy không còn đường để đi, hãy đừng ngại thay đổi một chút suy nghĩ, thay đổi một chút góc độ nhìn nhận. Khi ấy, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng: Con đường không chỉ có trước hay sau mà còn có con đường bên cạnh.

Người trí tuệ chẳng lấy lòng người khác

Mỗi người đều có đặc điểm và cá tính của riêng mình. Phẩm chất riêng biệt của một người tự nhiên sẽ thu hút những người cùng chí hướng. Cho nên, không cần phải hùa theo người khác để sống khác đi. Một người cứ mãi vì danh, lợi, tình mà lựa ý hùa theo người khác, lấy lòng người khác sẽ vô tình khiến bản thân mình dần bị hao mòn, mệt mỏi.

Bất luận là ở độ tuổi nào cũng nên học cách tán thưởng chính mình. Vô luận là sống như thế nào cũng hãy chấp nhận và tha thứ cho những điều không hoàn mỹ của bản thân mình. Vô luận là khỏe mạnh hay không cũng phải bảo trì tâm thái tích cực, vĩnh viễn không có suy nghĩ buông xuôi. Sống như vậy mới là cách sống trí tuệ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: