Ngày nay, việc tặng lễ vật trước khi chia tay không phổ biến như thời xưa nhưng vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên thông thường việc tặng quà xuất phát từ việc người nhận quà có địa vị nhất định trong xã hội, ví như trưởng phòng thăng chức đến bộ phận khác, hay giám đốc về hưu… Người hiện đại cũng rất coi trọng giá trị của món quà, cho rằng việc này chính là mặt mũi của bản thân. Trong văn hóa của người xưa, việc tặng quà trước khi chia tay là lễ tiết rất phổ biến và cũng là nét đẹp trong đời sống hàng ngày. Món quà được tặng thông thường là món mà người tặng sẽ rất yêu thích và quý trọng, không nhất thiết phải là món quà mới hay có giá trị.

Đạo xử thế của người xưa: Dĩ hòa vi quý
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Lễ tiết tặng quà khi chia tay của người xưa thể hiện mong muốn lưu giữ một mối giao hảo tốt đẹp và cũng thể hiện tấm lòng trân quý đối phương. Ngoài ra, việc tặng quà khi chia tay cũng ẩn chứa rất nhiều ý vị và nỗi niềm rất sâu sắc của người tặng nhắn nhủ đến đối phương.

Trong cuốn “Quảng nhân vật chí” có ghi chép một điển cố về đô đốc Lý Tích thời nhà Đường. Sau khi Đường Thái Tông đăng cơ, vào năm Trinh Quán thứ nhất, Lý Tích được phong làm đô đốc Tịnh Châu. Lúc ấy, Trương Văn Quán đảm nhận chức Tham quân sự. Lý Tích từng cảm thán nói: “Tiền đồ tương lai của ta không bằng được Trương Văn Quán”. Lý Tích luôn đối đãi với Trương Văn Quán một cách kính trọng. Lúc ấy còn có hai vị quan viên dưới quyền Lý Tích cũng được ông rất quan tâm.

Khi Lý Tích được vời về triều, ông đã chuẩn bị hai phần quà khác nhau tặng cho hai quan viên cấp dưới là một bội đao và một đai ngọc. Riêng Trương Văn Quán, Lý Tích không chuẩn bị tặng thứ gì.

Trương Văn Quán tiễn Lý Tích hơn hai mươi dặm đường. Lý Tích nói: “Dân gian nói ngàn dặm đưa tiễn cuối cùng cũng có từ biệt, vì sao ngài lại tiễn tôi xa như vậy? Có thể trở về được rồi.”

Trương Văn Quán thành thật đáp: “Tất cả mọi người đều được ngài tặng quà và quay trở về. Duy chỉ có tôi là ngài không tặng thứ gì, cũng không nói gì nên trong lòng tôi cảm thấy nghi hoặc.”

Lý Tích nói: “Ngài không cần lo lắng. Hai người họ, một người khi xử lý sự việc thì hay do dự không quyết, nên tôi đã tặng bội đao, với ý khuyên khi xử lý sự tình cần phải quyết đoán. Người còn lại thì phóng túng, không biết tiết chế, nên tôi đã tặng một chiếc đai ngọc, để nhắc phải chú ý giữ mình. Tài năng của ngài hơn người, tấm lòng rộng lớn, sự tình nào cũng xử lý được tốt, vậy thì cần tặng thứ gì nữa đây?”

Trương Văn Quán hiểu được ý tứ của Lý Tích và hai người từ biệt nhau.

Lý Tích tuy không tặng tài vật quý giá gì cho Trương Văn Quán, nhưng ông lại thật tâm tiến cử Trương Văn Quán ở triều, tạo cơ hội cho Trương Văn Quán thi triển tài năng và đức hạnh.

Nhờ Lý Tích nhiều lần tiến cử, Trương Văn Quán đã không ngừng thăng tiến. Đến thời Đường Cao Tông trị vì, ông làm các chức Tham tri chính sự, Thị trung, Tể tướng, giúp ích rất nhiều cho việc xây dựng đất nước. Bốn người con của Trương Văn Quán là Trương Tiềm, Trương Phái, Trương Thiệp, Trương Hiệp cũng đều làm quan Tam phẩm. Gia đình họ Trương được hậu nhân gọi là “Vạn Thạch Trương gia”.

Tình bạn giữa Lý Tích và Trương Văn Quán là như vậy, đạm bạc về mặt vật chất, coi trọng thổ lộ tâm can, hiểu điểm mạnh điểm yếu của đối phương, thật tâm thật lòng trợ giúp, ấy cũng chính là món quà vô giá rồi.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Thông minh vĩnh viễn không bù đắp được thiếu hụt đạo đức