Sáu tư quẻ của Chu Dịch được sắp xếp theo một thứ tự nhất định, biểu thị trạng thái vận hành của vạn vật trong thế gian. Các nhà Nho thời Tiên Tần thông qua Chu Dịch mà ngộ được những đạo lý tu dưỡng đạo đức của người quân tử. Trong số ấy, có ba đạo lý cũng là ba định luật bảo toàn dưới đây giúp trí tuệ mọi người rộng mở, thủ giữ được chính đạo và thuận lợi trong hành sự xử thế.

Ba "luật bảo toàn" trong Chu Dịch giúp nhân sinh phóng khoáng
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Luật bảo toàn được mất

Trong “Chu Dịch. Hệ Từ hạ” viết: “Chu tiếp chi lợi, dĩ tể bất thông, trí viễn dĩ lợi thiên hạ”, nghĩa là sự tiện lợi của thuyền bè là ở chỗ có thể nối liền những địa phương xa xôi với nhau, khiến mọi người có thể tiến hành trao đổi mà đạt được lợi ích.

Thời nhà Đường, những con tàu vận tải đường thủy đã cũ nát, việc vận chuyển gặp tổn thất rất lớn. Một thạch (mười đấu) thóc gạo được chất lên tàu chở đến Trường An, nhưng trên đường đi bị mất mát đến nỗi không còn đủ tám đấu. Hộ bộ thị lang Lưu Yến sau khi nhậm chức đã hạ lệnh cho đóng tàu mới, người đóng tàu mới sẽ được trợ cấp một ngàn quan tiền. Có người đã nói với Lưu Yến rằng để đóng một con tàu mới thì không mất đến 500 quan, cho 1000 quan là quá nhiều.

Nhưng Lưu Yến đã nói: “Điều đó không thành vấn đề, chúng ta đưa nhiều tiền, nhà đò mới sẵn sàng sử dụng gỗ tốt. Nếu tiếc rẻ mà cấp ít tiền thì tàu thuyền đóng ra sẽ không đủ bền chắc, về lâu về dài có cho thêm tiền cũng chẳng ích gì”.

Trong những năm Lưu Yến đảm nhiệm chức vị, thuế vận tải đường thủy gia tăng hơn mười lần so với trước đó, quốc khố dồi dào, dân chúng cũng được ăn no mặc ấm.

Lão Tử nói: “Tương dục đoạt chi, tất cố dư chi”, nghĩa là trước khi muốn có được thì hãy học cho đi. Làm người làm việc, phải biết nhìn xa một chút, không nên so đo tính toán vào những cái lợi nhỏ trước mắt. Tổn và ích, được và mất là sự tuần hoàn của tài phú, tuân theo định luật bảo toàn. Mỗi một loại được và mất, mỗi một loại cho đi và hồi báo, cuối cùng khi tính toán cẩn thận, sau khi cộng trừ nhân chia chúng ta sẽ phát hiện ra rằng con số vẫn là như nhau, phó xuất đi bao nhiêu thì được lại bấy nhiêu, Thiên đạo là công bằng. 

Luật bảo toàn phúc báo

Trong “Quẻ hằng, Chu Dịch” viết: “Bất hằng kì đức, vô sở dung dã”, ý tứ là đức hạnh như đồ đựng còn phúc vận thì như nước chảy. Chỉ có phẩm đức cao thượng mới có thể có được phúc báo và tài phú, quyền lực và danh vọng. Một người có bao nhiêu đức thì có bấy nhiêu tài phú. Nếu một người không để tâm đến việc tích đức thì chính là chỉ mải tiêu hao phúc báo. Khi phúc báo tiêu hao hết thì tiền tài cũng không giữ lại được, nói không chừng còn có thể gặp phiền toái. Đây cũng là điều mà cổ nhân gọi là “Đức không xứng với vị”.

Thời Bắc Ngụy, thượng thư Phù Thừa Tổ nắm quyền lực lớn trong tay, lại có gia tài lớn. Người thân thích và bạn bè của Phù Thừa Tổ đều muốn được nhờ vả ông nên thường đến cửa nịnh bợ, tâng bốc. Họ muốn thông qua cách đó để được chiếu cố. Nhưng người dì của Phù Thừa Tổ là Dương Thị không bao giờ nhờ vả hay lên tiếng nói những lời ngon ngọt như vậy. Phù Thừa Tổ từng nhiều lần phái người mang áo gấm hoa đến tặng dì nhưng bà một mực từ chối không nhận.

Phù Thừa Tổ từng hỏi Dương Thị vì sao cự tuyệt như vậy, bà đáp rằng: Nhà dì nghèo, mặc quần áo đẹp như vậy tự dưng thấy trong lòng bất an”.

Phù Thừa Tổ thấy dì không muốn mặc quần áo đẹp thì lại phái một vài người hầu đến để giúp bà. Nhưng Dương Thị lại nói: “Nhà của dì nghèo như vậy làm gì có lương thực để cho họ ăn?”

Cứ như vậy, Dương Thị trước sau đều khéo léo từ chối nhận quà từ cháu trai. Hàng ngày bà đều mặc quần áo vá rách ra đồng làm ruộng. Không ít người cho rằng Dương Thị là người ngu si, gàn dở, có phúc mà không biết hưởng.

Mấy năm sau, Phù Thừa Tổ bị khép tội, gần như tất cả người thân thích đều bị liên lụy, người thì bị lưu đày, người thì bị giam vào tù ngục, chỉ có nhà Dương Thị là vẫn sống bình an, thanh tịnh như cũ.

Trong “Pháp cú kinh” có câu: “Đừng xem thường cái thiện nhỏ, cho nó là không phải phước đức. Nước giọt tuy ít nhưng lâu cũng đầy bình lớn, nếu phước đức sung mãn là do tích lũy từng chút lâu ngày”. Tục ngữ có câu: “Hưởng phúc không nên hưởng, tham của cải không nên tham, hưởng thụ phúc mà mệnh mình không có thì sẽ có tai họa lớn”.

Luật bảo toàn xử cảnh

Trong “Chu Dịch” có câu: “Quân tử dĩ chính vị ngưng mệnh”, ý nói người quân tử nhân đức có tu dưỡng căn bản sẽ không bởi vì sự thay đổi của hoàn cảnh và địa vị mà thay đổi ước nguyện ban đầu của mình. Họ sẽ hướng về đạo nghĩa không chùn bước, một mực hướng tới mục tiêu của mình. Làm người có thể trước sau đều bảo trì được tâm thái bình thản là điều đáng quý, nhưng lại là điều khó có thể làm được. Không bị danh lợi thúc ép, không bị ngoại vật hấp dẫn, phải là người có tu dưỡng mời làm được.

Thời Nam Bắc triều, Trần Lân Sỹ lúc nhỏ gia cảnh bần hàn, dựa vào nghề dệt mành kiếm sống. Có một lần, người hàng xóm của ông bị mất đôi giày, lại thấy Trần Lân Sỹ đi một đôi giày giống của mình nên một mực đổ cho Trần Lân Sỹ là kẻ ăn trộm.

Trần Lân Sỹ vui vẻ nói: “Đây là giày của ông ư? Vậy ông cầm lấy đi!” Vừa nói xong, Trần Lân Sỹ liền cởi đôi giày đang đi kia ra đưa cho người hàng xóm còn mình thì đi chân đất.

Mấy ngày sau, người hàng xóm tìm lại được đôi giày của mình nên biết mình đã trách oan Trần Lân Sỹ, lập tức cầm đôi giày chạy ngay sang trả lại cho ông.

Trần Lân Sỹ thấy vậy lại cười nói: “Đây không phải đôi giày ông bị mất ư? Cảm ơn ông!” Vừa dứt lời, Trần Lân Sỹ lại xỏ đôi giày ấy vào chân mình mà đi.

Hàng xóm thấy vậy liền hỏi Trần Lân Sỹ tại sao không giải thích cho rõ ràng, tội gì phải chịu nhận tiếng oan như vậy. Trần Lân Sỹ đã đáp rằng: “Dùng tình cảnh của bản thân mà đi tranh cãi thì có ích gì? Chi bằng nhường ông ta một chút!”

Trần Lân Sỹ là người có đức hạnh cao cả, được mọi người khen ngợi. Sau này, đức hạnh của ông được cả triều đình biết đến nên đã chiêu mộ ông ra làm quan. Nhưng Trần Lân Sỹ nhất mực từ chối.

Có thể ở vị trí cao mà không kiêu, ở vị trí thấp mà không ưu phiền, chỉ người quân tử mới đạt tới cảnh giới bình thản ấy. Người đương thời bội phục tu dưỡng của Trần Lân Sỹ, ngay cả đại thi hào Tô Đông Pha cũng tán thưởng: “Xử thế phải như Trần Lân Sỹ!”

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm: