Khương Tử Nha tên thật là Khương Thượng, tự là Tử Nha, tên thường gọi là Khương Tử Nha. Ngoài ra cũng có ghi chép rằng, tổ tiên của ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó lấy Lã làm họ. Ông là công thần giúp Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương diệt Trụ vương tàn bạo.

khương tử nha
(Hình minh họa: Qua read01)

Trong lịch sử Trung Hoa, Khương Tử Nha là nhà chính trị, nhà quân sự và mưu lược nổi tiếng nhất. Nhiều đời sau này, Khương Tử Nha được tôn là Võ Thánh, bậc thầy về binh gia, có thể nói ông là nhà quân sự bậc nhất của Trung Hoa.

Cuối thời nhà Thương, Trụ Vương bởi vì mê đắm, mù quáng nghe theo Đát Kỷ, không nghe lời can gián của trung thần, tàn bạo bất nhân, lạm sát dân chúng, xao nhãng việc triều chính. Khương Tử Nha là người tinh thông binh pháp, âm dương thuật số nên rất được Trụ Vương trọng dụng, thăng làm ti hộ tham quân. Nhưng về sau, Khương Tử Nha biết rõ được những việc làm tàn bạo của Trụ Vương, liền từ bỏ chức vị, quyết chí rời xa vị bạo quân này. Cũng chính vì dựa vào tài trí của mình, đoán biết được tương lai, Khương Tử Nha tránh được Trụ binh truy sát.

Khương Tử Nha một mạch đi về hướng Tây, trên đường nghe thấy dân chúng đều nói Tây Bá Hầu (tức Chu Văn Vương sau này) là người có nhân có đức, bảo vệ dân chúng, hơn nữa còn đang chiêu mộ hiền sĩ. Vì vậy, Khương Tử Nha đã đến ẩn cư tại một nơi bên bờ sông Vị thuộc tỉnh Thiểm Tây, khu vực thuộc cai quản của thủ lĩnh Chu tộc là Cơ Xương (tức Chu Văn Vương). Ông hy vọng Cơ Xương chú ý đến mình, qua đó trị quốc an bang, tạo dựng sự nghiệp.

Ngày ngày Khương Tử Nha đi thả câu bên sông Vị, tĩnh tâm, kiên nhẫn chờ thời cơ đến. Thông thường những người đi câu cần câu phải có lưỡi câu và móc mồi câu rồi thả xuống nước, để cá đớp mồi. Nhưng lưỡi câu của Khương Tử Nha lại thẳng tắp và không có mồi câu, cũng không thả chìm xuống nước mà để cách mặt nước tới hơn ba thước. Ông vừa giơ cao cần tre vừa lẩm bẩm: “Cá không muốn sống thì hãy tự mắc vào cần câu đi!”

Suốt mấy năm liền, Khương Tử Nha vẫn ngồi bên bờ sông câu cá. Tay cầm cần câu cá, vừa thở dài than: “Ta giờ đây đã là ông lão 80 tuổi rồi, vẫn còn chưa gặp được minh quân để phụ tá ngài an bang trị quốc. Ngồi câu cá mà không phải mục đích câu cá, chỉ mong câu được minh chủ tài đức thôi!”

Một hôm, khi Khương Tử Nha đang ngồi câu cá thì gặp người tiều phu tên là Võ Cát. Khương Tử Nha nhìn Võ Cát liền đoán ra anh ta có nạn, vì thế đã dùng âm dương thuật số chỉ cho anh ta cách tránh nạn, không chỉ lừa được Tây Bá Hầu mà còn tránh được cái chết.

Về sau Tây Bá Hầu biết được Khương Tử Nha chính là người đã chỉ bảo cho Võ Cát tránh được kiếp nạn. Tây Bá Hầu từ trước đến nay vốn tự nhận rằng bản thân mình là người tinh thông thuật số, người đương thời không ai sánh được. Nhưng cuối cùng lại thua một ông lão câu cá, nên trong lòng biết rõ đây chính là bậc kỳ tài. Vì thế, Tây Bá Hầu dựa vào cách đi tuần, săn thú, phái Võ Cát dẫn đường đến gặp Khương Tử Nha.

khương tử nha
(Hình minh họa: Qua chinaculturetour.com)

Chu Văn Vương ngồi xe, dẫn theo con trai cùng binh lính đi săn ở bờ bắc sông Vị. Khi đến chỗ, Chu Văn Vương thấy bộ dạng câu cá kỳ lạ của Khương Tử Nha thì lệnh cho tùy tùng đến hỏi thử. Tùy tùng đến bên cạnh Khương Tử Nha nhưng ông vẫn thờ ơ, vừa bình thản câu cá vừa lẩm bẩm: “Câu này, câu này, cá không cắn câu, tôm tép đến quấy rối!”

Sau khi Tây Bá Hầu nghe người lính bẩm cáo lại liền phái một viên quan to đến hỏi dò, nhưng Khương Tử Nha vẫn không để ý, miệng vẫn lẩm bẩm: “Câu này, câu này, cá lớn không cắn câu, cá nhỏ đừng quấy rối!”

Khương Tử Nha vì muốn biết Tây Bá Hầu có thật tâm muốn cầu hiền tài giúp dân trị quốc hay không nên vẫn một mực thể hiện thái độ hờ hững. Tây Bá Hầu vì muốn thể hiện thái độ kiên định của mình nên thường xuyên tới đây mời Khương Tử Nha. Thậm chí mỗi lần đến lại thêm một phần cung kính, thành ý.

Đến lần thứ ba, Khương Tử Nha rốt cuộc đã bị thành ý của Tây Bá Hầu làm cảm động. Vì thế, ông đồng ý cùng Tây Bá Hầu trao đổi lý niệm trị quốc. Hai người trao đổi với nhau rất ăn khớp. Khương Tử Nha hiểu rõ Tây Bá Hầu là minh quân mình đang chờ đợi nên quyết tâm vì Tây Bá Hầu mà dốc sức, phụ tá ông hưng bang lập quốc. Tây Bá Hầu cũng biết Khương Tử Nha đích thực là người có tài nên đã tôn phong ông làm Thái công.

Còn có tư liệu ghi chép rằng, Tây Bá Hầu khi gặp Khương Tử Nha đã vui mừng nói: “Khi tổ phụ ta còn sống từng nói với ta rằng sẽ có một người hiền tài đến giúp Chu tộc hưng thịnh. Thì ra chính là Ngài. Tổ phụ của ta đã trông mong Ngài từ rất lâu rồi”. Nói xong, Tây Bá Hầu liền mời Khương Tử Nha lên xe rồi cùng hồi cung. Vì Khương Tử Nha là người mà tổ phụ của Tây Bá Hầu trông ngóng từ lâu, nên sau đó mọi người đều gọi ông là Thái Công Vọng.

Sau này Khương Tử Nha phò tá Chu Văn Vương hưng bang lập quốc, còn giúp Chu Vũ Vương tiêu diệt triều Thương vô đạo. Được Chu Vũ Vương phong đất Tề, thực hiện nguyện vọng dựng công lập nghiệp, trở thành thủy tổ của nước Tề thời Chu.

Những câu chuyện về Khương Tử Nha thực sự để cho hậu nhân rất nhiều bài học sâu sắc, phải biết phân biệt thiện ác, rời xa cái ác (từ bỏ Trụ Vương) theo cái thiện, không gặp được minh quân thì thà rằng ở ẩn, không thể hiện tài năng của mình. Càng là ở vào thời điểm “tối tăm, u ám” thì càng có thể là lúc bình minh sắp hửng sáng. Càng là ở vào lúc vô vọng, thì càng là có thể hy vọng đang ở ngay trước mắt. Thân ở vào nghịch cảnh, chính là cơ hội tốt để tôi luyện bản thân mình, phải nhẫn bởi vì nhẫn có thể đạt được “vật cực tất phản” (tức là sự vật phát triển đến cực điểm thì sẽ chuyển hoá theo hướng ngược lại), khiến con người đạt được cảnh giới “phủ cực thái lai” (hết cùng lại thông).

An Hòa (dịch và t/h)

Xem thêm: