Nói chuyện một cách chân thật và thẳng thắn là điều đáng quý, nhưng nếu một người nói chuyện quá thẳng, không để ý đến cảm nhận của người nghe thì rất nhiều khi lại đem đến sự tổn thương cho người nghe và tai ương cho bản thân, đồng thời cũng thể hiện sự khuyết thiếu tu dưỡng của chính mình. Bậc trí giả khi hành sự thì giữ vững chuẩn tắc của bản thân, nhưng cũng tránh hết mức việc làm tổn thương tới người khác.

Bậc trí giả biết cách khuyến thiện, không làm tổn thương người khác
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Trong cuộc sống, những người nói chuyện quá thẳng thường là những người muốn thể hiện, muốn biểu đạt suy nghĩ, đánh giá của bản thân mình một cách mạnh mẽ. Đôi khi, câu trả lời, câu nhận xét của họ không chủ đích có ác ý, nhưng cách nói của họ lại khiến người nghe không tiếp thu, thậm chí khó chịu. Một số người cho rằng họ chỉ đơn giản là muốn nhấn mạnh vào sự tình và xem nhẹ cảm xúc, nhưng kỳ thực điều đó lại khiến người khác cảm thấy họ khuyết thiếu về mặt tu dưỡng. 

Có không ít người nói rằng, tôi “khẩu xà tâm Phật“, hoặc tôi miệng nói vậy thôi chứ trong lòng không có gì. Nhưng khi nói chuyện mà không chú ý đến mức độ tiếp nhận của người nghe, không khởi tác dụng cho người khác tốt lên, lại còn khiến người khác tổn thương, bực tức, thì đó chính là suy nghĩ ác ý, cũng là ác khẩu vậy.

  • Mời quý vị xem video: Bậc trí giả biết cách khuyến thiện, không làm tổn thương người khác

Những người trí tuệ, có phong thái cao thượng, khi biểu đạt ý kiến hay khuyên can người ta, thì không chỉ thẳng một cách gay gắt mà dùng cách nói khéo léo mà vẫn giữ được cái tâm chính trực của mình. Câu chuyện về Yến Tử, tướng quốc nước Tề, can gián vua là một ví dụ.

Vua Tề Cảnh Công có thú vui đi săn, nên ông rất quý những con chim ưng săn thỏ. Một lần người nuôi chim ưng tên là Chúc Trâu sơ ý để một con chim ưng bay mất. Vua Tề Cảnh Công nổi trận lôi đình, lệnh binh sỹ đem Chúc Trâu ra chém đầu.

Yến Tử vội đến nói với Vua rằng: “Chúc Trâu có ba tội lớn, sao có thể để hắn dễ dàng ra đi như thế được, để thần công bố tội trạng hắn xong rồi hãy xử trảm”.

Vua Cảnh Công đồng ý, Yến Tử nói lớn với Chúc Trâu: “Chúc Trâu, ngươi nuôi chim cho đại vương mà lại để chim bay mất, đây là đại tội thứ nhất. Ngươi lại khiến cho đại vương vì chim mà giết người, đây là đại tội thứ hai. Giết ngươi rồi, khiến chư hầu và người khắp thiên hạ đều biết đại vương coi trọng chim, coi nhẹ sỹ tốt, đó là đại tội thứ ba”.

Nói xong, Yến Tử quay sang chắp tay tâu với Vua Cảnh Công: “Tâu đại vương, bây giờ có thể cho xử trảm được rồi”.

Vua Cảnh Công nghe xong, mặt đỏ gay, phẩy tay nói: “Không cần chém nữa, ta hiểu ý của khanh rồi”.

Nhờ sự khéo léo, Yến Tử vẫn biểu đạt được bản ý của mình mà lại không trực tiếp làm tổn thương lòng tự trọng, uy tín của Vua Cảnh Công, khiến vua vui lòng tiếp thu. Đây là trí tuệ và nghệ thuật của lời nói.

Nói chuyện quá thẳng và quá cứng nhắc dễ làm tổn thương lòng tự trọng của người khác, bởi vì ai cũng có vùng tự bảo vệ. Một khi chúng ta chạm vào vùng đó, chúng ta sẽ bị đối phương phản kháng, thậm chí chán ghét, xa lánh. Vậy làm thế nào để thay đổi cách nói chuyện này?

Nói chuyện chậm một chút

Một số người thường có thói quen nói chuyện thao thao bất tuyệt, nói nhanh và thẳng đến mức người nghe cảm thấy chán ghét. Kỳ thực, khi chúng ta nói chuyện nên nói chậm một chút. Như thế chúng ta sẽ kiểm soát được lời nói của mình, dễ dàng biết được bản thân mình đang nói gì, đồng thời cảm nhận được thái độ tiếp thu của người nghe. Chính điều này giúp chúng ta có thể điều chỉnh được nội dung, chủ đề và âm thanh của lời nói, làm cho người nghe không bị rơi vào cảnh khó xử, bất tiện, thậm chí là hổ thẹn.

Hạn chế ngữ khí phê bình

Chỉ ra sai trái, lỗi lầm của người khác là điều nên làm. Nhưng điều này cũng cần phải ở vào thời điểm, hoàn cảnh thích hợp thì người nghe mới dễ dàng tiếp thu hơn. Trong cuộc sống, một số người hễ gặp người khác là thường hay nhìn đến những mặt tiêu cực, mặt chưa hoàn thiện của họ để chỉ trích, phê bình một cách quá thẳng. Điều này kỳ thực là không nên.

Trong khi nói chuyện, chúng ta cố gắng hạn chế nói chuyện với người khác bằng giọng điệu hạ thấp, chỉ trích và mang tính dạy dỗ. Bởi vì cách nói đó sẽ khiến đối phương cảm thấy rất không thoải mái. Khi nhắc nhở người khác, chúng ta có thể cân nhắc dùng những câu nói đùa hài hước, sẽ khiến cho người nghe không cảm thấy cứng nhắc, có thể vui vẻ chấp nhận và tăng thêm thiện chí với chúng ta.

Khi cần im lặng thì nên im lặng

Trong cuộc sống, người trầm tĩnh im lặng thì có sức mạnh và chiều sâu hơn nhiều những ai “thao thao bất tuyệt”. Rất nhiều khi, im lặng lại có sức mạnh hơn ngàn lời nói. Khi nhận thấy đối phương sai lầm, nói nhiều lời chỉ trích có thể dẫn đến phản tác dụng, thậm chí đẩy đối phương đến đường cùng. Cổ ngữ nói: Trượt chân còn có thể đứng dậy đi tiếp, chứ lời nói lỡ thì rất khó vãn hồi”. Cho nên, nói lời không phù hợp, không nên nói, thì không bằng im lặng.

Không đặt mình làm trung tâm

Không ít người khi nói điều gì cũng lấy mình làm trung tâm, rồi đánh giá nhận định người khác. Những người như vậy thường xuất phát từ việc thỏa mãn dục vọng và tư lợi của bản thân mà nói những lời cứng nhắc để đối phương nghe theo, chứ không phải vì để góp ý muốn đối phương tốt hơn.

Nếu chúng ta có thể suy nghĩ cho người khác trước một chút, không coi mình là trung tâm thì chúng ta có thể lắng nghe và cảm nhận được tâm ý của người khác. Từ đó, chúng ta sẽ thay đổi được thái độ và cách thức nói chuyện của mình cho phù hợp.

Trong lời nói hay việc làm, “sự đúng mực” luôn là yếu tố vô cùng quan trọng từ xưa đến nay. Người tinh tế cần có sự thấu hiểu và tôn trọng thì mới có thể không làm tổn thương người khác, mới có thể chung sống cùng người khác một cách hòa hợp và vui vẻ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: