Đại dịch luôn ở bên cạnh con người và chưa bao giờ rời xa. Sẽ luôn có một “ngòi nổ” kiểu này hay kiểu khác để khiến nó bùng phát. Những đợt bùng phát ấy xem ra có vẻ ngẫu nhiên, kỳ thực đều có điềm báo trước. Khi dịch bệnh chạm tới mọi thứ xung quanh, con người mới bắt đầu suy nghĩ sâu xa hơn về sinh mệnh của chính mình, nhưng cũng có những lúc người ta không thể tỉnh ngộ. Trận dịch hạch tại Ý từ 1629 đến 1631, gọi tắt là “Dịch hạch Milan 1630” chính là một trong số đó.

Vài suy tưởng về trận dịch hạch Milan khiến hàng trăm nghìn người chết
Tranh sơn dầu “Farewell to Cecilia During Plague in Milan” (Chia tay Cecilia trong Dịch hạch ở Milan), họa sĩ Carlo Belgiojoso. Quá nhiều người chết ở Milan và xác chết không kịp vận chuyển. Người dân phải chi trả một khoản tiền cao cho người vận chuyển thi thể. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Năm 1628, một ngôi sao chổi đi qua bầu trời Milan, Ý. Bấy giờ các nhà chiêm tinh học đã dự đoán rằng ngôi sao chổi này là một điềm cực kỳ xấu. Cũng trong một khoảng thời gian trước năm 1630 định mệnh, hàng loạt sự kiện khiến Milan gặp khó khăn. Cuộc chiến tranh nổ ra ở châu Âu bấy giờ khiến thành phố rơi vào tình trạng không có người cai trị, rơi vào tình trạng vô luật lệ. 3 tới 4 năm liền mất mùa khiến cho nạn đói xảy ra, người dân khốn khổ tấn công các cửa hàng bánh mì, phá hủy các dụng cụ và lò làm bánh. Trong ghi chép về nạn đói này (Report on the Plague of Milan 1630, Manzoni), có những người thậm chí đã chết đói trên đường phố, trong mồm đang nhai đầy cỏ. Mặc dù vậy về cơ bản, Milan vẫn là một thành phố thương mại giàu có.

Mùa Thu năm 1629, những người lính đánh thuê đã mang dịch hạch đến Mantua. Dịch bệnh nhanh chóng lan đến miền Trung và miền Bắc nước Ý. Bấy giờ người dân Ý rất hoảng sợ, vì trong dân gian vốn đã lưu truyền một lời tiên đoán rằng năm 1630, người Milan sẽ bị ác quỷ đầu độc. Dịch bệnh bất ngờ đảo lộn mọi thứ, người dân Ý đột nhiên nhận ra, thảm họa thực sự đã đến.

Vào tháng 10, dịch hạch tấn công vào Milan. Thành phố nhanh chóng đưa ra các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường nguồn lực y tế, tiến hành cách ly và kiểm dịch nghiêm ngặt, binh lính Đức và giao thương bị hạn chế.

Kỳ thực chuyện cách ly vì dịch bệnh không phải chỉ có vào thời hiện đại. Ngay từ thế kỷ 17 này, Ý đã thiết lập một hệ thống cách ly hoàn chỉnh nhất ở châu Âu, có kinh nghiệm phòng chống và kiểm soát dịch tốt nhất vào thời điểm đó. Bản thân danh từ “Cách ly” trong tiếng Anh là “Quarantine”, thực chất có nguồn gốc từ Ý. Khi Cái chết Đen (dịch hạch) tràn qua lục địa châu Âu vào thế kỷ 14, nhiều thành phố như Venice ở Ý đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch và kéo dài thời gian cách ly lên 40 ngày. “Quarantino” có nghĩa là khoảng thời gian 40 ngày. Từ này sau đó đã được du nhập sang tiếng Anh và phát triển thành “Quarantine” như hiện nay.

Nhờ các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, vào tháng 3/1631, dịch bệnh dường như đã chấm dứt và người Ý nghĩ rằng bệnh dịch đã được loại bỏ. Vì vậy, như những năm trước, Lễ hội hóa trang lớn đã được tổ chức tại Milan vào mùa Xuân năm 1631.

Không ngờ, sau thời gian lễ hội ngắn ngủi, dịch bệnh lại bất ngờ bùng phát và trở nên mất kiểm soát. Hàng nghìn người chết mỗi ngày trong thành phố, không phân biệt nam nữ, già trẻ, khỏe yếu, giàu nghèo. Tốc độ vận chuyển xác chết không thể theo kịp tốc độ của người chết, Milan đã trở thành một “thành phố của nỗi kinh hoàng”. Người ta nói rằng 4.000 xác chết đã bị ném trên đường phố vào tháng Tám, mùi của những xác chết thối rữa thật ngột ngạt. Chỉ đến mùa Thu, dịch bệnh mới bắt đầu dịu bớt, Milan với 130.000 người đã mất đi một nửa dân số, số người chết vì bệnh dịch lên tới 64.000 người.

Vài suy tưởng về trận dịch hạch Milan khiến hàng trăm nghìn người chết
Milan trong trận dịch hạch năm 1630. Những chiếc xe đang chở xác chết đi. Họa sĩ Melchiorre Gherardini vẽ những năm 1630. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Nhiều thành phố lớn ở Ý cũng bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch, bao gồm Naples, Lombardy và Venice. Bologna, do Giáo hoàng cai trị, cũng mất 15.000 người do bệnh dịch, Modena và Parma gần đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bệnh dịch xâm nhập vào miền Tây nước Áo qua Tyrol. Cuối cùng, dịch bệnh ở Milan đã khiến 280.000 người chết trên khắp nước Ý. Đất nước giàu có nhanh chóng suy tàn vì dịch bệnh, nền kinh tế mạnh mẽ của nó trở nên yếu đuối so với các quốc gia châu Âu khác.

Nhìn bề ngoài, đại dịch ở Milan bắt nguồn từ đợt bùng phát dịch hạch thứ hai sau lễ hội hóa trang. Trên thực tế, sự lây nhiễm chéo do tụ tập quy mô lớn chỉ là ngòi nổ cho sự bùng phát của ôn dịch. Ý chẳng phải là nơi có Giáo hoàng sao? Chính là nơi có Thánh địa của Kitô giáo sao? Mà theo Kitô giáo thì dịch bệnh là hình phạt đối với tội lỗi của con người. Như vậy thì những biện pháp cách ly không gian mà con người thực hiện, sao có thể chống lại sự khiển trách của Thiên Chúa?

Những người Milan đã trải qua đợt bùng phát thứ nhất không hề ngẫm lại xem lý do tại sao dịch bệnh lại xảy ra. Việc cách ly quá lâu khiến họ khao khát được quay trở lại cuộc sống hưởng thụ, họ khao khát một lễ hội hóa trang không bị ước thúc.

Lễ hội hóa trang được tổ chức vào mùa Xuân tháng 3 hàng năm là một lễ hội dân gian của Ý. Thật ra nguồn gốc của Lễ hội hóa trang này là do ham muốn phóng túng của người dân. Lễ hội hóa trang còn được gọi là Lễ hội tiễn mùa Đông (Maslenitsa) và Lễ hội Thứ Ba béo (Mardi Gras) ở một số khu vực. Nó xảy ra trước một lễ ăn chay lớn trước Lễ Phục sinh. Theo đó, trong suốt 40 ngày ăn chay, mọi người nghiêm túc nhìn lại bản thân, sám hối, cấm giải trí và ăn chay để tưởng niệm Chúa Jesus tử vì đạo trước Lễ Phục sinh. Do cuộc sống đơn điệu trong Mùa Chay, người ta thích các lễ hội phóng túng trước Mùa Chay. Từ đó dần dần phát triển thành “Lễ hội hóa trang”. Phát triển tiếp nữa, không còn nhiều người tuân thủ các quy tắc và giới luật truyền thống của Mùa Chay, nhưng trò giải trí mùa lễ hội trước đó thì vẫn được giữ lại.

Sau thời Trung cổ, mặc dù một số người tuân thủ nghiêm ngặt việc ăn chay và tiếp tục tín phụng Chúa, nhưng rất nhiều người khác đặt hy vọng vào Nhà thờ lại thất vọng vì sự sa sút của Nhà thờ và không còn tin Chúa nữa. Việc đi Nhà thờ thậm chí trở thành một hành động duy trì ở bề mặt, phát triển đến ngày nay có thể gọi là “một hành động văn minh” mà thôi. Điều này có nguyên nhân sâu xa.

Từ đầu thế kỷ 16, nhiều mâu thuẫn đã xuất hiện bên trong Giáo hội Kitô, chủ yếu xoay quanh việc lý giải giáo lý Kitô thuần túy dựa trên Kinh Thánh, hay dựa trên sự diễn giải của Giáo hội tại Rome.

Giọt nước làm tràn ly là vào năm 1515, Giáo Hoàng cho phép bán các chứng chỉ ân xá cho giáo dân để kiếm tiền. Theo quy định trong sắc dụ Giáo Hoàng, người sở hữu chứng chỉ ân xá khi chết và sau khi xưng tội trên giường bệnh sẽ được Chúa ban ơn, lúc trở về thế giới bên kia, khỏi phải đi qua tầng sám hối cực khổ gian nan. Nói theo phong cách ẩn dụ, mua chứng chỉ ân xá là “mua vé vào cửa để bước thẳng lên Thiên Đường”. Điều này về cơ bản không tồn tại trong Kinh Thánh và cho thấy phần nào vấn đề bên trong Giáo hội tại Rome

Tháng 10 năm 1517, mục sư trẻ Martin Luther, giáo sư môn thần học thuộc đại học Wittenberg, đóng lên cửa chính nhà thờ Schlosskirche một bản cáo trạng bao gồm 95 luận đề chống lại đợt vận động “bán chứng chỉ”. Trong vòng hai tuần, 95 luận đề đó được lan truyền ra khắp nơi ở Đức, và sau hai tháng đã lan rộng khắp châu Âu.

cách mạng tôn giáo
Martin Luther treo 95 luận đề trên cửa nhà thờ Schlosskirche. (Họa sĩ: Ferdinand Powels. Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Hành động của mục sư Martin Luther đã châm ngòi cho một cuộc cải cách tôn giáo mang tính toàn diện nhất trong lịch sử tôn giáo phương Tây. Về mặt tôn giáo, nó vĩnh viễn thay đổi thế giới Kitô, phân hóa cộng đồng tôn giáo thành nhiều tông phái khác nhau cùng tôn thờ một Đức Chúa Trời, thay đổi cách nhìn của giáo dân về cách diễn giải Thánh Kinh. Đấy là chưa kể, danh hiệu cao quý Giáo hội Kitô không còn ý nghĩa để tồn tại, mà thay vào đó, người ta chỉ còn gọi là Giáo hội Công giáo La Mã, tức là đại diện cho cộng đồng Công giáo, một nhánh của Kitô giáo.

Đến cuối thời kỳ Phục Hưng ở Ý vào thế kỷ 17, sau cuộc chia rẽ sâu sắc, ánh mắt của con người ngày càng đặt vào “cá nhân” nhiều hơn, lấy con người làm “thước đo của vạn vật”. Cũng từ đó, việc mưu cầu thú vui trần tục đã trở thành mục đích của cuộc sống, theo đuổi sự giàu có, lạc thú và tự do cá nhân được coi là chính đáng. Con người ngày càng xa rời Chúa.

Cũng từ đó, nhiều điều đã ngầm thay đổi trong xã hội Ý. Chẳng hạn những việc như đồng tính luyến ái từng bị Nhà thờ lên án đã được thịnh hành công khai. Việc giữ gìn sự trong trắng đã trở thành một quan niệm lỗi thời và lạc hậu khi gái mại dâm trở thành thượng khách của các công tử và nghệ sĩ, trở thành hình mẫu cho các tác phẩm nghệ thuật. Trong một số tác phẩm nghệ thuật miêu tả cái gọi là “nữ Thần”, kỳ thực hình mẫu lại chính là những kỹ nữ với sự trần truồng lõa thể. Người giàu lấy đó làm cớ để có thể thỏa mãn dục vọng của bản thân.

Ở Ý, nơi sự giàu có ngày càng tăng và nền kinh tế trở nên thịnh vượng, mọi người tôn sùng việc đi tìm lạc thú. Từ các tài liệu ghi chép và các tác phẩm văn học nghệ thuật thời bấy giờ, chúng ta có thể thấy toàn bộ xã hội từ trên xuống dưới, đầy rẫy những hành vi gian dâm, loạn luân, nghiện rượu, bội tín, giết người, trộm cắp, cướp giật, v.v.. (Xem thêm bài: Nhìn lại một giai đoạn hưng suy của nghệ thuật nhân loại)

Vào thời điểm đó, một số ít nhà hiền triết đã tiên đoán rằng Ý rồi sẽ phải chịu chung số phận với Sodom và Gomorrah (Xem bài: Vài suy cảm về Sodom, đô thành tội lỗi bị “lửa trời” phá hủy). Nhưng không có lời khuyên nào có thể kìm hãm người Ý thỏa mãn dục vọng theo ý họ. Họ cho đó là quyền tự do, là quyền lợi của họ.

Trong lễ hội hóa trang của Milan vào năm 1631, đám đông huyên náo có mặt ở khắp nơi, mọi người diễu hành, tiệc tùng và nhảy múa. Có thể tưởng tượng được, Thiên Chúa đã ban cho người Milan một cơ hội để tỉnh ngộ sau đợt bùng phát thứ nhất, nhưng trong lễ hội đó, mọi tiêu chuẩn đều bị phá vỡ, con người đắm chìm trong men rượu, nhảy múa, loạn tính. Lễ hội truy tìm hoan lạc và say xỉn này cuối cùng lại gây ra dịch bệnh.

Làm thế nào những người xa rời và không biết tôn kính Thần linh có thể tự cứu mình bằng sức người khi Trời giáng thảm họa? Bài học kinh nghiệm từ trận ôn dịch của Milan hàng trăm năm trước liệu có thể khiến nhân loại hiểu ra?

Theo The Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lý Tinh Thành
Thiên Cầm biên tập

Tài liệu tham khảo:

  • “Báo cáo về dịch hạch Milan 1630, dịch và tóm tắt từ tài liệu của Manzoni”, M. Donova
  • “Đại ôn dịch viết lại lịch sử châu Âu”, Uông Nhữ Hội
  • “Dịch bệnh ở các nước Địa Trung Hải”, Monte Roberto

Mời xem video: