Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, Chu Công, mở đầu cho sự hưng thịnh của Nho Giáo tại Đại Việt cùng các kỳ thi khoa bảng sau này. Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép rằng: “Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học”. Đến thời nhà Nguyễn, đất nước đã trải dài đến tận vùng cực nam, các vua chúa Nguyễn muốn xây dựng Văn Miếu ở cả miền Trung và miền Nam, nhằm phát dương Nho Giáo và khuyến học để có thêm nhiều bậc hiền tài phụng sự Xã Tắc.

nhà Lý
Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng vào thời nhà Lý (Ảnh: Duy Phương, Wikipedia, CC BY 3.0)

Năm 1808, vua Gia Long cho xây Văn Miếu – Quốc Tử Giam ở Huế, đồng thời cho xây dựng cả ở các vùng đất khác trong cả nước. Nhưng vua Gia Long không gọi là “Văn Miếu” mà gọi là “Văn Thánh Miếu” với hàm ý tôn thờ các vị Thánh Nhân: Khổng Tử , Chu Công cùng tứ phối là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử.

Ở miền Nam có 3 Văn Thánh Miếu/Văn Miếu tiêu biểu nằm tại Gia Định, Trấn Biên (Biên Hòa, Đồng Nai), Vĩnh Long.

Văn Miếu Trấn Biên

Văn Miếu Trấn Biên là Văn Miều được xây dựng đầu tiền ở miền nam.

Đầu thế kỷ 16, vùng Đồng Nai đã được khai phá với thương cảng Cù Lao Phố sầm uất nổi tiếng. Để xây dựng văn hóa tinh thần ở khu vực này, năm 1715 chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn Miếu ở Trấn Biên.

Các Văn Thánh Miếu tiêu biểu của miền Nam
Khu Văn miếu Trấn Biên. Đây là công trình xây mới trên nền công trình cũ. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)
Các Văn Thánh Miếu tiêu biểu của miền Nam
Văn Miếu Môn: Cổng chính đi vào khu Văn miếu Trấn Biên. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Cuốn “Đại Nam nhất thống chí” mô tả địa thế Văn Miếu này như sau:

“Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt…Bên trong rường cột chạm trổ, tinh xảo… Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây tòng, cam quýt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối và quả hồng xiêm đầy rẫy, sum sê, quả sai lại lớn”.

Khi Nguyễn Phúc Ánh chưa lên ngôi Vua và còn là Nguyễn Vương ở miền Nam, Vương thường đến Văn Miếu Trấn Biên mỗi năm 2 lần vào mùa xuân và mùa thu cúng tế các vị Thánh Nhân, đồng thời cũng khuyến học trong dân chúng.

Bên cạnh Văn Miếu, trường học lớn cũng được xây dựng gọi là Tỉnh học. Xuất hiện đầu tiên ở miền Nam, Văn Miếu Trấn Biên trở thành trung tâm văn hóa giáo dục miền Nam khi xưa, nơi tạo những nhân tài phụng sự cho Xã Tắc.

Là người chú trọng phát triển văn hóa giáo dục, năm 1794 Nguyễn Vương đã cho trùng tu Văn Miếu bề thế hơn. “Gia Định thành thông chí” chép:

“Giữa làm Đại Thành điện và Đại Thành môn, phía Đông làm Thần miếu, phía Tây làm Dục Thánh từ, trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng Khuê Văn các treo trống chuông trên đấy, phía tả có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ đường. Chu vi bốn mặt ngoài xây thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn miếu, phía tả phía hữu có cửa Nghi môn, rường cột chạm trổ, quy chế tinh xảo, đồ thờ có những thần bái, khám vàng, ve chén và đồ phủ quỹ biên đậu đều chỉnh nhã tinh khiết”.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long ở Kinh thành Huế, giao cho Tổng trấn Gia Định và Trấn quan Biên Hòa đến Văn Miếu làm lễ và khuyến học trong dân chúng.

Năm 1852, vua Tự Đức lại cho trùng tu lần thứ 2, khiến Văn Miếu càng to đẹp và khang trang hơn trước.

Đến năm 1861 khi quân Pháp chiếm được nơi đây đã cho dỡ bỏ Văn Miếu. 

Đến cuối năm 1998, công trình mang tên “Văn Miếu Trấn Biên” được khởi công ngay trên nền Văn Miếu cũ nhằm khôi phục lại Văn Miếu Trấn Biên, với diện tích 5 ha, khu trung tâm xây dựng là 2 ha.

Văn Thánh Miếu Gia Định

Năm 1824 dưới thời vua Minh Mạng, Văn Thánh Miếu được xây dựng tại Gia Định ngay ở vị trí được gọi là Khu du lịch Văn Thánh ngày nay. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép rằng:

“Văn Thánh Miếu được xây dựng ở địa phận thôn Phú Mỹ, huyện Bình Dương phía đông tỉnh thành, sùng bái tiên thánh Khổng Tử, quy chế rộng rãi, phía hữu dựng miếu Khải thánh, dựng năm Minh Mệnh thứ 5”.

Từ đó Văn Thánh Miếu Gia Định trở thành trung tâm văn hóa, khuyến học của Gia Định.

Năm 1859 sau khi người Pháp chiếm được Gia Định đã cho dỡ mất Văn Thánh Miếu này. Di tích không được phục hồi và khu vực này ngày nay được gọi là “Khu du lịch Văn Thánh”.

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Sau khi người Pháp đánh chiếm và dỡ bỏ Văn Miếu Trấn Biên và Văn Thánh Miếu Gia Định, Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông đã họp cùng các sĩ phu Nam hà quyết định xây dựng Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long nhằm đề cao Nho giáo và khuyến học cho miền nam. Công trình khởi công năm 1864 và hoàn thành năm 1866.

Văn bia số 1 trong Văn Thánh Miếu Vĩnh Long do Phan Thanh Giản soạn hiện còn ghi:

“Năm Kỷ Mùi, Tự Đức thứ 12 (1859), Gia Định, Biên Hòa, Định Tường nối nhau thất thủ, sĩ phu ba tỉnh tỵ địa qua bản tỉnh (ý nói Vĩnh Long) và các hạt An Giang, Hà Tiên. Lúc bấy giờ binh mã bận rộn, sĩ tử mang bút tòng quân, việc học bỏ bê. Năm Tự Đức thứ 15 (1862), đốc học Nguyễn Thông họp các thân hào nhân sĩ bàn việc ấy, chọn đất ở địa phận thôn Long Hồ, cách tỉnh thành hơn 2 dặm về hướng Đông Nam, phía trước sông dài, phía sau là gò cao, hai bên vườn tược…Tháng 11 năm Tự Đức thứ 17 (Giáp Tý [1864]) khởi công, tháng 9 năm nay hoàn thành (năm Bính Dần, 1866)”.

Tuy nhiên công trình xây xong chưa được bao lâu thì năm 1867, quân Pháp đánh Vĩnh Long. 

Trước đó Phan Thành Giản đã đề xuất Triều đình cần đặt ngoại giao và buôn bán với phương Tây, cho người sang học hỏi đồng thời trang bị vũ khí phương Tây, tuy nhiên vua Tự Đức đều không nghe theo. Vì thế khi Pháp tiến đánh Vĩnh Long, Phan Thành Giản hiểu rằng quân Triều đình tất bại, bèn điều đình với Pháp và đồng ý dâng thành với điều kiện người Pháp phải đảm bảo an toàn cho toàn bộ binh sỹ và dân chúng.

Phan Thanh Giản sau đó tuyệt thực đến chết để tạ tội với Triều đình. Tuy nhiên trước khi chết ông rất quan tâm Văn Thánh Miếu, di huấn lại cho Bá hộ Trương Ngọc Lang tìm mọi cách bảo vệ Văn Thánh Miếu bằng được.

Pháp chiếm được Vĩnh Long liền chiêu dụ các sĩ phu hợp tác với mình, tuy nhiên Đốc học Nguyễn Thông cùng các sĩ phu khác đều không hợp tác và rời đi đến Bình Thuận.

Quân Pháp lấy cớ không đủ gỗ để xây dựng Dinh Tỉnh trường, nên định dỡ bỏ Văn Thánh Miếu, dân chúng liền cử Bá hộ Trương Ngọc Lang đại diện ngăn người Pháp. Cũng nhờ vậy, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn được giữ gìn cho đến tận ngày nay.

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xây cất rất công phu và bài bản, trở thành trung tâm văn hóa ở miền Tây. Sau này Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được tu sửa vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994, 2006 và năm 2007. Dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản.

Đến nay tại cổng chính Tam Quan của Văn Thánh Miếu phía trên vẫn còn ba chữ Hán “Miếu Văn Thánh”, hai cột hai bên có đôi câu đối cũng chữ Hán, đắp nổi thể chân phương:

Khổng môn truyền Đạo thiên ban thượng
Thánh Miếu sùng văn vạn đại tôn

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: