Tham nhũng luôn là vấn đề phải giải quyết trong bất kỳ thời kỳ nào của lịch sử, thậm chí nó được xem là vấn đề tồn vong của quốc gia. Các triều đại Việt Nam xưa kia cũng có những bộ luật chống tham nhũng rất hiệu quả, điển hình là trong bộ luật “Hình thư” nhà Lý, bộ luật “Hồng Đức” nhà Lê, bộ luật “Gia Long” nhà Nguyễn.

Chống tham nhũng giúp Đại Việt có được thời kỳ toàn thịnh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nhà Lý chống tham nhũng

Năm 1042, vua Lý Thái Tông cho ban hành bộ luật gọi là “Hình thư”, trong đó tội tham nhũng được xử rất nghiêm khắc. Bộ luật này đến nay không còn, chỉ còn lưu lại những chiếu chỉ thể hiện nội dung của luật.

Nhận thấy các quan tham bòn rút tiền thu thuế của dân. Vua Lý Thái Tông quy định quan viên nào thu quá quy định thì số thu vượt sẽ bị xử theo tội ăn trộm; người dân báo lại sự việc sẽ được miễn dịch 3 năm, người ở kinh thành được thưởng bằng hiện vật thu được.

Năm 1044, vua ban chiếu quy định ai nhận riêng một thước lụa bị phạt 100 trượng, nhận trên một tấm lụa thì bị phạt trượng theo số tấm và 10 năm tù khổ sai.

Các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan tiền bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho.

Các quan coi ngục không được sai tù nhân làm việc cho riêng mình, ai vi phạm sẽ bị phạt 100 trượng, thích chữ vào mặt và bị giam vào nhà lao như tù nhân.

Luật “Hồng Đức” nhà Lê

Vua Lê Thánh Tông được lịch sử xem là bậc minh quân, bộ luật Hồng Đức của ông dược đánh giá cao. Trong 722 điều của bộ luật Hồng Đức thì có trên 40 điều thuộc về chống tham nhũng.

Trong đó điều 138 có đoạn quy định rõ như sau: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức. Từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày. Từ 20 quan trở lên, bị chém. Các người ăn lễ từ 1 đến 9 quan, phải phạt 50 quan. Từ 10 đến 19 quan, phạt từ 60 đến 100 quan. Từ 20 quan trở lên, phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”.

Việc thực thi luật cũng rất nghiêm khắc, cứ chiếu theo luật mà làm không phân biệt quan hay dân, giàu hay nghèo, cứ tham nhũng 20 quan tiền là bị xử tử.

Lịch sử còn ghi chép chuyện Lê Bôi tham ô trong khung 10 đến 19 quan tiền và bị xử bị đánh bằng trượng. Có quan Trần Phong xin dùng tiền chuộc tội để Lê Bôi không bị đánh. Nhưng Vua Lê Thánh Tông cho rằng làm thế thì người giàu sẽ dùng tiền chuộc tội, chỉ có người nghèo là phải chịu tội, nên không đồng  ý.

Luật “Gia Long” nhà Nguyễn

Bộ luật Gia Long của nhà Nguyễn cũng nổi tiếng là nghiêm khắc, trong 400 điều thì 79 điều liên quan đến tham nhũng. Trong đó quy định rõ quan lại nhận hối lộ thì bị phạt thấp nhất là đánh 70 trượng, cao nhất là treo cổ.

Quan lại được hưởng bổng lộc hơn so với dân nhưng khi phạm tội thì có những tội bị xử phạt cao hơn dân thường. Có những quy định như: Quan lại dùng uy thế vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ.

Theo cuốn “Đại Nam thực lục”, năm 1823 viên lại Phủ Nội vụ (ở trong Hoàng Thành) tên Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng, bị phát hiện. Theo luật thì ăn trộm trong Nội Phủ dù nhiều hay ít đều bị xử chém.

Bộ Hình xử án nhận thấy Hữu Diệm trước đây cũng có ít công trạng nên giảm án thành đi đày viễn xứ. Tuy nhiên vua Minh Mạng không đồng ý mà lệnh cứ y án mà xử, đem ra chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người thấy mà tự sửa mình.

Năm 1822 vùng Quảng Đức và Quảng Trị bị thiên tai, triều đình mở kho phát 25.000 hộc thóc cho dân. Tuy nhiên quan coi kho lại lấy bớt mỗi hộc một ít, vụ việc bị phát hiện viên quan này cũng bị xử chém .

Thời nhà Nguyễn các quan tham nhũng phạm tội đều bị tịch thu tài sản, tội nặng thì bị chém trước dân để thị uy.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: