Một cái cảm tưởng trong khi đọc Cay đắng mùi đời

Tôi đã có đọc qua một vài cuốn sách chuyên nghiên cứu về cái cười, thấy trong đó luận về cái cười nhiều điều tinh vi thấu đáo lắm. Phải chi tôi nhớ hết lý thuyết của họ, hay là tôi có những sách ấy trong tay, thì khi viết bài nầy đây, chắc tôi đã dẫn vào nhiều lời còn thiết thiệt ích lợi hơn nữa để cống hiến cho độc giả. Song tiếc thay, tệ quá, những lý thuyết ấy trải lâu ngày rồi, còn lại cho tôi rất ít!

Trong những sách ấy, tôi nhớ có một nơi nói như vầy: Loài người sở dĩ khác với các giống động vật tuy bởi nhiều cái mà cái cười là một. Kìa như nổi giận mà gầm hét, thì con hùm, con sư tử, buồn rầu mà sa nước mắt, thì con trâu, con bò, con ngựa, con chó cũng gần giống với người ta. Duy có cái cười, trừ ra con lười ươi – mà cái cười của nó cũng không phải do ý thức – thì duy người ta có mà thôi, các giống động vật khác đều không có. Bởi vậy, ta có thể nhìn cái cười là một cái bổn năng do đó mà người ta khác với các động vật kia.

Cái cười đã là cái biểu hiệu cho người khác với vật, cũng như cái lý tánh, cái tiếng nói; thế thì mấy cái kia quý bao nhiêu, cái cười cũng quý bấy nhiêu. Nếu người ta không quý trọng cái cười của mình, ấy là mình đem xài phí hết một cái bổn năng nhờ đó để khác với loài vật.

Lại một nơi khác nói như vầy: Đời người là đời phiễn não mà cái cười là cái để tỏ dấu vui mừng. Vậy ở trong đời phiền não nầy, cái cười quả là một thứ tường thụy (điềm lành), cũng giống như sao lành móc ngọt là thứ tường thụy của trời giáng cho, theo như đời xưa đã tin. Tuy vậy, sao lành móc ngọt mà hiện ra không phải thời, thì lại trở nên điềm yêu quái; cái cười cũng vậy, cái cười không phải thời, nghĩa là không đáng cười mà cười, thì nó lại cũng trở nên điềm yêu quái.

Những sách nghiên cứu về cái cười mà tôi đã xem, thật họ nói bao la rộng lắm, bao la những triết học, sanh lý học, tâm lý học, thành ra khó mà nhớ cho hết. Hai đoạn tôi đã dẫn đại ý trên nầy, chẳng qua là điều thiển cận dễ hiểu, cho nên dễ nhớ hơn. Tuy vậy, tôi mà biết chú ý đến cái cười của người ta, nhứt là biết dè dặt cái cười của mình thật là từ khi hiểu được điều thiển cận đó vậy.

Hồi nhỏ tôi đã học qua kinh Lễ, thấy trong đó có dạy rằng: Chớ lây lấc cười (vô cẩu tiếu); lại trong Luận ngữ có dạy rằng: Khi vui mới cười, nên người ta không nhàm cái cười của nó (Lạc nhiên hậu tiếu, nhân bất yếm kỳ tiếu). Những câu cách ngôn trong kinh truyện đây thật hay lắm, đáng cho chúng ta ghi lấy để răn mình luôn luôn; duy có một điều, những câu ấy chỉ nói cái lẽ đương nhiên, mà không nói đến cái lẽ sở dĩ nhiên, có ý để cho người học phải thể nhận, song nếu thể nhận không ra thì trợt lớt. Hai câu cách ngôn ấy bị tôi xem thường đi một độ lâu lắm, về sau nhờ đọc những sách kia mà mới nhìn lại cái giá trị của nó, bởi khi ấy tôi đã hiểu đến cái lẽ sở dĩ nhiên rồi.

Tại làm sao mà sách dạy chớ lây lấc cười? Tại làm sao mà sách dạy khi vui mới cười? Theo như cái lý thuyết đã dẫn trên kia, khi không đáng cười mà cười, thì cái cười ấy là yêu quái, mất cái tư cách con người đi, làm cho mình không còn cái chỗ phân biệt với loài vật nữa. Ấy, cái lẽ sở dĩ nhiên của sự cấm giới nầy là ở đó.

*

Cho nên, coi cái cười của một con người, có thể đoán được sự hiền ngu thiện ác của người ấy, không trúng lắm, chớ cũng không trật xa. Chẳng những thế thôi, coi cái cười của nhiều người đồng một máu, ở một đất với nhau, cũng có thể đoán được trình độ của một dân tộc là văn minh hay dã man nữa.

Xét trong tục ngữ của ta thì đủ biết người mình cũng từng chú ý đến cái cười lắm, cũng từng do nó mà xem người. Tức như chưa nói đã cười thì tục cho là người vô duyên; lại cười không hé môi thì cho là người hiểm độc.

Tuy vậy, mấy điều mà tục ngữ ta đã nhận thấy đó, chỉ mới quan hệ với cái tư cách của cá nhân mà thôi, chớ chưa quan hệ đến cái tư cách của một dân tộc, hay là của cả loài người.

Cả loài người hay là một dân tộc ở với nhau là cốt phải cho tương thân tương ái. Tuy rằng ở thế gian không khỏi có sự giết lẫn nhau, nhưng trong lý tưởng của nhân loại bao giờ cũng vẫn lấy sự tương thân tương ái làm cái nguyên tắc cho sự sanh tồn; vì nếu trái với cái nguyên tắc ấy thì chắc là loài người đã giết nhau chết hết từ đời nào rồi mà không còn có sự sanh tồn nữa.

Loài người hay là một dân tộc đã lấy sự thân ái làm nguyên tắc; mà cái cười là cái biểu hiệu đặc biệt của loài người. Vậy thì khi nào dùng cái biểu hiệu ấy để tỏ ra điều gì trái với cái nguyên tắc thân ái, ấy tức là làm kém mất cái tư cách của một dân tộc đi. Cái lý thuyết trên kia cho cái cười không đáng cười tức là điềm yêu quái, có lẽ là chỉ vào chỗ đó.

Nói rõ ra mà nghe, như có kẻ nào thấy người khác bị tai nạn đến chết mà lại mở miệng cười, thế thì ai cũng phải bảo kẻ ấy là vô lương tâm, không biết thương đồng loại, cái cười ấy so với ôn hoàng dịch lệ hay là thủy hạn thiên tai, lại còn thảm độc quá hơn nữa!

Nói cho phải, thấy kẻ khác bị tai nạn đến chết mà mở miệng cười, thì sự ấy thật chưa hề thấy ở chung quanh chúng ta. Nhưng những sự có cái tánh chất gần giống với sự ấy, đủ tỏ ra cái lòng không biết thương đồng loại, đủ tỏ ra là trái với cái nguyên tắc tương thân tương ái, đủ tỏ ra là kém mất cái tư cách loài người thì, tôi không nói dối, người nào đã rõ ý nghĩa của cái cười rồi, mà hay để ý xem, ắt thấy thường như cơm bữa.

Trời mưa đường trơn, ai đi vô ý rủi trợt té một cái, là người đi đường xúm cười ầm cả lên. Người già cả hoặc tật nguyền có cử động điều gì hơi khác thường một chút, tức thì những kẻ chung quanh rũ nhau cười. Người nào nói đớt nói ngọng, ở trong nhà mình quen thì thôi, chớ ra chỗ lạ cũng bị thiên hạ cười cho không ngất mặt lên được. Đàn bà con gái, rủi có lỡ lời nói ra tiếng thô tục, ấy là dịp cho kẻ nghe vui thích lắm dường như gặp vai tuồng hay trong rạp hát. Thậm chí, giữa đám đông, có ai lỡ chừng đánh ra tiếng nhỏ nhỏ, người ta cũng không bỏ qua cho, mà phải cười khúc khích với nhau để cho người kia mắc cỡ mới nghe.

Những cái cười vừa ngu dại vừa độc ác ấy, muốn kể cho hết thì kể làm sao được! Kể sơ như trên đó cũng đủ thấy giữa chúng ta đây, cái tình yêu thương nhau, cái lòng khoan thứ nhau, cái nghĩa cứu giúp nhau, nó nguội lạnh là dường nào! Gặp những dịp như trên đây, lẽ đáng là giúp đỡ, hoặc tha thứ, hoặc yên ủi; thế mà đã không làm thì chớ, lại còn mở miệng mà cười, thật là cái cười yêu quái! Theo sự thiệt, dầu không phải thấy người khác bị tai nạn đến chết mà cười, song dò cho đến cái tâm địa của những kẻ nhăn răng hả miệng đó thì cũng là do một niềm không biết thương đồng loại mà ra chớ gì?

Chúng ta cứ mở miệng ra thì tự xưng mình là con Rồng cháu Tiên, tưởng mình như là văn minh lắm, khôn ngoan lắm, có ngờ đâu có một cái cười mà cũng không nên dáng!

*

Sự quan sát trên đây tôi đã để ý lâu rồi. Tính có lúc cũng đem câu chuyện người ta cho là nhỏ mọn ấy ra mà nói trên báo để bà con nghe. Tình cờ đâu hôm nay nhơn đọc bộ tiểu thuyết Cay đắng mùi đời của ông Hồ Biểu Chánh, cái cảm tưởng riêng của tôi làm cho tôi không nín được mà phải viết ra đây.

Cay đắng mùi đời
Tiểu thuyết “Cay đắng mùi đời” của ông Hồ Biểu Chánh.

Bộ Cay đắng mùi đời hẳn đã có nhiều người đọc đến và thấy trong đó tả những gì. Khi tôi đọc chắc tôi cũng thấy như người ta: một bộ tiểu thuyết vẽ ra nhân tình thế cố, nhứt là sự khốn nạn của kẻ nghèo, thật là có ý vị thâm trầm lắm. Vậy mà những điều đó, tôi để ra ngoài hết, khi tôi đọc nó, tôi chỉ có một cái cảm tưởng về cái cười trong truyện mà thôi. Hẳn tác giả của Cay đắng mùi đời là ông Hồ Biểu Chánh cũng phải nực cười mà cho tôi là tọc mạch.

Cứ theo tiểu thuyết mà xét tâm lý của một dân tộc, ngó như là sự không nên, song là sự nên lắm, và có nhiều tay học giả đã từng làm. Bởi vì tiểu thuyết tuy là chuyện bịa đặt ra, nhưng tác giả vẫn gióng theo tâm lý của người đời mà bịa đặt; những sự bịa đặt trong tiểu thuyết có thể là chuyện xảy ra được ở đời nầy; cho nên những thứ tiểu thuyết ấy cũng là tài liệu tốt cho chúng ta dùng mà nghiên cứu. Huống chi tiểu thuyết của ông Hồ Biểu Chánh là thứ tiểu thuyết tả chơn, có thể coi nó là sự thiệt được nữa.

Ngộ quá! khéo quá! Trong Cay đắng mùi đời, ông Hồ Biểu Chánh, hữu ý hay vô ý không biết, đã tả ra nhiều cái cười không đáng cười của người Việt Nam chúng ta. Mà tôi tưởng ông hữu ý mới phải, vì có những cái cười ấy mới càng thêm tỏ ra mùi đời là cay đắng!

*

Lúc thằng Được đi với thầy nó là thầy Đàng, giữa đường mắc mưa, cả hai đều lâm bịnh. Thầy nó chết rồi mà thằng Được không biết, vì nó đau mê man, vào nằm trong nhà thương Chợ Rẫy. Hôm đó nó vừa tỉnh ra, có một thầy phạm nhe cầm cây viết chì vô hỏi tên họ quê quán nó đặng có ghi vào sổ. Thằng Được chẳng là con bị bỏ bờ bỏ bụi từ hồi mới sáu tháng, nên nó cứ thiệt mà khai là tên Được chớ không biết họ gì, cũng không có cha mẹ.

Đối với một đứa con nít mới 12 tuổi, tình cảnh đáng thương như thế, vả lại nó đau mê man mới vừa tỉnh ra, thầy phạm nhe kia dầu không phải ruột rà của nó chăng nữa, cũng động lòng thương mới phải. Vậy mà khi thầy nghe nó khai xong thì thầy liền cười gằn.

Cái cười gằn ấy chẳng những tỏ ra thầy phạm nhe kia là độc ác mà còn tỏ ra là ngu dại nữa. Vì tiếp theo cái cười ấy thầy nói với thằng Được rằng: Té ra mầy là con nhà hoang, đã không có cha mẹ mà lại không có xứ sở, như vậy ai biết đâu mà đòi tiền nhà thương? Tao chắc chừng mầy mạnh, nhà nước sẽ gởi mầy lên Ông Yệm(1).

Nhè một đứa trẻ mắc nạn mà phỉnh nó, gạt nó, thì không biết mục đích để làm gì? Nhà thương có hạng nuôi thí, thằng Được đã nghèo thì nhà nước có đòi tiền đâu. Còn nó là đứa đau, chớ không có phạm tội chi hết, thì việc gì mà gởi lên Ông Yệm? Vậy mà thầy phạm nhe dùng những lời ấy phỉnh nó, nó dại tưởng thiệt, thành ra cả một đêm ấy nó nằm thao thức lo sợ hoài không ngủ. Có phải một cái cười của thầy đã làm hại nó không? Mà làm như vậy thầy được gì? Chắc trong ý thầy cũng chỉ gạt nó mắc mớp chơi để mình cười cho thích. Rõ thật đã ác mà lại ngu!

*

Đến khi thằng Được và thằng Bỉ dắt con heo vô chợ Cần Đước, sắp con nít thấy lạ thì chạy theo cười cợt la lối om sòm. Chúng nó làm cho con heo hoảng kinh, giựt dây sẩy chạy, hai đứa kia chạy theo, chúng nó lại càng vỗ tay cười và la lớn hơn nữa.

Đoạn nầy thiệt tả ra cái thói thường của con nít xứ ta in như hệt. Chúng nó cốt chỉ làm cho kẻ khác thiệt hại, để chúng nó cười chơi. Song ta có thể khoan dung lũ con nít nầy, vì to cái đầu như thầy phạm nhe trên kia mà còn dại thay, huống chi là chúng nó!

*

Nguyên trước thằng Được có quen một bà Hội đồng ở Cần Thơ mà nó không biết tên. Khi nó với thằng Bỉ tới Cần Thơ, hai đứa đi rảo khắp các nẻo đường hỏi thăm bà Hội đồng có một chiếc ghe hầu tốt, có một đứa con trai chừng 9 – 10 tuổi, năm ngoái nó đau mà bà chở lên Sài Gòn uống thuốc. Ai nghe hỏi cũng cười, bởi vì ở Cần Thơ có nhiều bà Hội đồng, mà bà nào cũng có ghe hầu, cũng có con trai, nên có biết chắc bà nào mà chỉ.

Phép lịch sự ở đời cấm cái cười như vậy. Khi có người xa lạ đến hỏi điều gì, mình là người bổn thổ phải hết sức mà chỉ bảo giùm cho người ta. Huống chi hai đứa nó là con nít, sự nghe sự biết chưa được rộng, nếu có hỏi một cách minh mông như thế đi nữa, các người kia cũng nên suy nghĩ, dò la, hầu giúp ích cho chúng nó; bằng không được thì thôi, chớ có vui gì trong sự đó mà cười? Vả chăng trong câu hỏi của hai đứa có chỉ rõ rằng bà Hội đồng có đứa con trai đau lên uống thuốc trên Sài Gòn năm ngoái, thì cũng không đến nỗi minh mông không biết đàng như ý họ nghĩ vậy, thế mà cười thì lại càng vô lý nữa.

*

Sau lại, lúc thằng Được và thằng Bỉ ở trên lầu một cái nhà ngủ tại Cần Thơ, sáng sớm dậy, bồi dọn sữa cà phê với bánh mỳ cho hai đứa ăn. Hai đứa ngồi ăn mà lại ước phải chi có bánh cam ăn mới khoái. Nghề con nít, nó quen ăn giống chi, nó thích giống nấy, chúng nó quen ăn bánh cam thì ước bánh cam, chớ trong sự đó chẳng có tỏ ra là quê mùa hay thô kịch gì. Song thằng bồi nghe vậy cũng tức cười.

Thằng bồi cười là bởi trong ý nó khinh hai đứa con nít mà lại nghèo nàn, xưa nay chưa từng biết ăn điểm tâm theo kiểu sang trọng, cho nên mới đương ăn sữa cà phê với bánh mỳ mà lại đòi mua bánh cam. Cái thói người mình, ai biết được chút chi thì làm phách với người không biết; nào có hay đâu rằng cái điều mình ỷ là mình biết đó, kẻ khác đã coi như đồ bỏ. Thằng bồi đây chẳng qua là một người đại biểu cho những kẻ ấy. Còn riêng về phần nó, cái cười nầy lại thêm một điều lỗi nữa, là nó đã vô phép đối với hai vị khách nhỏ kia, trái với bổn phận làm bồi.

*

Cái cười vô nghĩa lý, vô ý thức, cái cười vừa ngu dại, vừa độc ác, ở trong xã hội ta, hình như đã coi làm thường. Đừng nói những kẻ không quen biết nhau đối với nhau như trên kia làm chi; gặp khi hai người thân cùng nhau, thương yêu nhau lắm mà cũng vẫn giữ cái thói ấy.

Tức như hồi thằng Được mua con heo xong, rủ thằng Bỉ cùng đi, đem về cho má nuôi nó là mụ ba Thời. Đi dọc đường, nó vui lắm, cất tiếng mà ca hát om sòm. Bấy giờ thằng Bỉ cũng vui, nên ca tiếp theo, mà vì nó nói ngọng, nên nó ca thì thằng Được cười ngả nghiêng ngả ngửa.

Ai có đọc Cay đắng mùi đời thì đều biết thằng Được với thằng Bỉ yêu mến nhau, nương nhờ nhau như ruột thịt. Vả lại thằng Được, chủ nhân ông trong truyện, là đứa trẻ hiền lành, ngay thật, trung hậu, chưa chắc người kẻ lớn mà ăn ở đã bằng nó. Thằng Bỉ, cái nết của nó cũng chẳng kém chi; còn cái ngọng liệu của nó thì là tật trời sanh. Tôi tin rằng thằng Được không có chút ác ý gì đối với thằng Bỉ hết, vậy mà nó nghe thằng Bỉ nói ngọng đến nỗi cười ngả nghiêng ngả ngửa, hình như nó không biết thương hại cái tật nguyền của người bạn thiết mình là sao? Chỗ nầy tỏ ra rằng cái kiểu cười ngu và ác kia đã thấm trong máu dân tộc nầy, dầu hiền lành như thằng Được cũng bị di truyền mà không tự biết.

Cho đến như khi bà Hội đồng xuống thăm thằng Được trên lầu nhà ngủ Cần Thơ lần thứ hai, khi ấy mười phần bà đã quyết thằng Được là con ruột mình hết chín rồi, cái tình mẹ con xa cách mười lăm năm, bây giờ gặp mà nhắc lại những nỗi gian truân, duy có khóc mà thôi, chớ làm thế nào cười được? Bà Hội đồng vẫn khóc vẫn chặm nước mắt luôn, nhưng khi nghe thằng Được kể đến chỗ mua con heo dắt về cho ba Thời, giữa đường xảy ra chuyện nọ chuyện kia, thì bà ta cũng cười ngất! Dường như con Rồng cháu Tiên có một cái tánh chung: dầu là con ruột đi nữa, hễ khi nghe đến nó bị thiệt hại một cách cớ trêu, thì, thương mấy đó mặc kệ, cũng phải cười cái đã.

*

Tôi biết, cái cười nhiều khi có thể làm cho kẻ khác tức muốn chết đi được. Như những cái cười trong Cay đắng mùi đời kể hồi nãy đến giờ đây, hoặc vì khinh thị người ta, hoặc vì trêu trọc chế nhạo kẻ có chỗ không bằng mình, hoặc vì tỏ ý vui thích khi thấy người khác bị thiệt hại: đều là có ác ý đối với người mình cười đó cả. Vậy mà người bị cười cũng chẳng lấy làm tức, những người chung quanh cũng thấy mà tự nhiên, là ý làm sao? Thật như tôi đã nói rồi, những cái cười khó chịu mà đáng khinh ấy, ở trong xã hội nầy đã lấy làm thường, cho nên có khi chính người cười và người bị cười cũng không biết nữa.

Khi nào người bị cười biết lấy làm tức thì thế nào cũng phải có lời đối phó lại với người cười. Cũng ở trong truyện Cay đắng mùi đời, hôm đêm mà thằng Được và thằng Bỉ bị Phán Lợi dắt đến nhà thằng ăn trộm cho thằng Được nhìn làm cha, thì hai đứa cũng ngủ trên chiếc ghe để ngoài trời. Thằng Bỉ nằm tức cười hoài không ngủ. Thằng Được phải hỏi chớ mầy cười gì? Trong ý nó tưởng thằng Bỉ thấy cha mẹ nó nghèo mà cười thì nó giận lắm. Chừng đó thằng Bỉ phải tỏ ra sở dĩ sao mà nó cười, chớ không phải thấy cha mẹ thằng Được nghèo mà cười như nó tưởng. Nó cắt nghĩa rõ ràng và có lẽ lắm nên thằng Được mới an tâm.

Ông Hồ Biểu Chánh mượn miệng hai đứa đối đi đáp lại trong chỗ nầy để tỏ ra cái cười là hệ trọng lắm chớ không nên khinh suất. Biết đâu rằng ông không có ý hé ra một chút ánh sáng ở đó để cho người đọc truyện ông ngẫm nghĩ mà suy xét lại hết thảy những cái cười đã bị bỏ qua trên kia?

*

Tôi tiếc rằng tôi chưa được đi ra ngoại quốc để xét qua cho biết cái cười của các dân tộc khác ra sao. Nhưng lấy ý mà lường, thì tôi tưởng, phàm một dân tộc đã văn minh, trong xã hội họ, chỉ có cái cười do sự vui mà thôi. Cái cười do sự vui, thì trong đó có cái vẻ đầm ấm của sự sống, nó hiệp với cái nguyên tắc của sự sanh tồn. Những dân tộc ấy mà kêu là văn minh, là phải, bởi vì họ giữ được cái tư cách loài người vậy.

Có một phần đông người Pháp ở đây, ta hằng ngày thấy họ cũng có thể chiêm nghiệm được cả một dân tộc Pháp. Ví dụ như gặp khi trời mưa, đường trơn, có người nào đó bất kỳ, đi vô ý mà trợt té, bấy giờ có năm ba người Pháp đứng đó họ có cười hay không? Tôi, và có nhiều người như tôi nữa, dám chắc rằng họ chẳng những không cười mà lại còn chạy lại để đỡ người bị té ấy lên nữa. Còn như con Rồng cháu Tiên ta, ai không biết, chớ tôi, tôi cầm chắc rằng trước khi chạy lại đỡ, họ phải cười một chặp cho no nê đã.

Xem vậy thì biết cái trình độ người mình, đừng đem so sánh với ai làm chi, so sánh với người Pháp ở đây cũng đã thấy thua họ xa lắm. Nói thua, không phải là thua về tài trí, sức vóc hay là quyền lợi gì đâu. Nội một cái biểu hiệu để tỏ ra người ta khác với vật mà mình cũng đã không biết dùng bằng họ rồi.

Phan Khôi
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.84 (28.5.1931)
Đăng lại từ trang lainguyenan.free.fr
Có bổ sung ảnh minh họa

(1) Ông Yệm thuộc về hạt Thủ Dầu Một, là chỗ để đày những trẻ con chưa đến tuổi thành nhân mà phạm tội (nguyên chú của PK).

Những tác phẩm của nhà báo, học giả Phan Khôi (1887-1959) đăng trên báo chí trong năm 1931, chủ yếu là trên nhật báo Trung lập và tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, báo Đông tây ở Hà Nội, sau hơn 70 năm bị rơi vào quên lãng, lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và tái công bố trên trang lainguyenan.free.fr.

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: