Trong mắt cổ nhân, vũ trụ là vũ trụ của sinh mệnh, “Đạo” là nguồn gốc của vạn vật, là cội nguồn của sinh mệnh, cũng là ngọn nguồn của Thiện và Mỹ. Bản thân cái đẹp vốn đã nằm trong những sinh mệnh bình thường của tự nhiên, và có liên quan mật thiết tới Đức. Khi đạo đức quan, nhân sinh quan và thế giới quan đạt tới thiên nhân hợp nhất thì mới có thể lĩnh ngộ nội hàm và ý nghĩa của cái đẹp chân chính.

Cảnh giới của cái đẹp trong lý niệm truyền thống
Tranh trong cuốn “Họa Lệ Chu Thúy Tú”, Hác Đạt triều Thanh. (Public Domain)

Văn hóa nhân loại có một hiện tượng chung thế này, khi nói đến cái đẹp thì người ta thường nhấn mạnh sự đồng nhất giữa Thiện và Mỹ, vậy nên khi nói về cái đẹp cũng đồng nghĩa với nói về cái Thiện. Kỳ thực bất kỳ một môn nghệ thuật nào cũng không thể tách rời khỏi đạo đức và nguyên tắc về luân lý.

Trong “Sở Ngữ thượng – Quốc Ngữ” có đoạn bàn luận về cái đẹp như sau: Sở Linh Vương mời đại phu Ngũ Cử cùng đăng đàn Chương Hoá mới xây. Sở Linh Vương nói: “Đàn thật là đẹp!” Ngũ Cử phê bình nói: “Thần không biết đàn này đẹp ở chỗ nào. Đẹp là giúp tăng trí huệ, xa có thể trở nên cao minh, không nên tổn hại tới trên dưới, trong ngoài, lớn nhỏ, gần xa thì mới được gọi là đẹp. Vơ vét nặng nề, lãng phí nhân lực, vật lực, phóng túng vô độ, thì không gọi là đẹp.”

Điều Ngũ Cử nói tới ở đây chính là khi đánh giá cái đẹp thì phải lấy cái Thiện làm tiền đề, có Thiện mới có Mỹ.

Trong các nền văn hóa đồng văn ở phương Đông thì khúc nhạc Thiều luôn được tôn sùng, được gọi là khúc nhạc “tận mỹ hĩ, hữu tận thiện mỹ”, vừa tận mỹ, lại vừa tận thiện. Trong truyền thuyết, “Khúc Tiêu Thiều tấu tới chương thứ 9, thì phượng hoà bay tới múa lượn”. Sự bình hoà của khúc nhạc này đã khiến con người được đắm mình trong bầu không khí âm nhạc tường hoà, ngay cả chim thú cũng được cảm hoá, nên mới được gọi là đức âm nhã nhạc.

Sách Luận Ngữ chép rằng: “Đức Khổng Tử ở nước Tề nghe nhạc Thiều, ba tháng không biết mùi thịt. Nói rằng: Không ngờ nhạc được sáng tác đến mức tuyệt vời như thế!” Âm nhạc tận thiện tận mỹ, âm thanh tao nhã êm tai, hàm ý hướng thiện của Thiều nhạc đã khiến Khổng Tử bị hấp dẫn sâu sắc mà rơi vào trạng thái “ba tháng không còn biết mùi thịt”. Trạng thái này tức là ba tháng không muốn động đến thịt, hay ba tháng có ăn thịt cũng không thấy vị, một loại trạng thái từng được ghi lại trong giới tu hành. Từ đó Khổng Tử cảm thán rằng, không ngờ nhạc lại có thể đạt đến cảnh giới cao siêu đến như vậy.

Thiều nhạc giữ một vị trí kinh điển trong văn hoá Trung Hoa, không phải vì bản nhạc này vui tai, mà là vì nội dung của nó hoàn toàn phù hợp với “Lễ”, nên mới đạt tới vẻ đẹp tận thiện tận mỹ. Nếu nội dung không phù hợp với lễ nghi, thì âm nhạc cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Lễ nghi trong quan niệm của Nho giáo có hàm ý rất sâu, có thể ví với Đạo của Lão giáo. Trong “Lễ Ký” nói rằng: “Lễ nghi là trật tự và quy tắc quan trọng nhất giữa trời đất, âm nhạc là âm thanh mỹ diệu giữa trời và đất. Lễ giữ gìn trật tự của càn khôn, nhạc khiến trời đất hài hoà”. Cho nên, “Đại nhạc và thiên địa đồng hoà, đại lễ và thiên địa đồng tiết”. Con người khi đó đều vô cùng coi trọng và tôn sùng, tuân thủ chế độ lễ nhạc, nâng cao phẩm giá và đạo đức của con người, nên quốc gia mới được hưng vượng.

Khổng Tử đặt Mỹ và Đức lên cùng một vị trí, ông cho rằng điều thực chất quyết định Mỹ là lấy “Nhân” (Nhân ái) làm trung tâm. Ông đề xuất Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và nguyên tắc đạo đức “Khắc kỷ phục lễ”, coi trọng việc điều tiết mối quan hệ giữa trời với người, mối quan hệ giữa người với người, nhằm xây dựng một trật tự xã hội viên dung, an định và hài hoà. Mỹ đức của một người được sánh với sự “chính trực” như cây Tùng, “khí tiết” như cây Trúc, “cốt cách” như hoa Mai, “thánh khiết gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như đoá Sen.

Trang Tử nói “Trời đất có vẻ đẹp vĩ đại mà không nói, bốn mùa có minh pháp mà chẳng bàn luận, vạn vật có quy luật mà không thuyết giảng”. Vẻ đẹp vĩ đại (đại mỹ) ở đây chỉ vẻ đẹp hoàn mỹ nơi cảnh giới vô cùng cao. Trang Tử cho rằng chỉ khi con người cảm nhận được sự ảo diệu của tự nhiên, quy luật của vạn vật, thuận ứng với tự nhiên mới có thể cảm nhận được cảnh giới của cái đẹp.

Cổ nhân cho rằng, vạn vật trong thế gian thay đổi từng thời khắc, chỉ có thiên đạo là thiện mỹ, là vĩnh hằng bất biến. Lão tử giảng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”. Con người và tự nhiên có mối quan hệ khăng khít chẳng thể tách rời, vạn sự vạn vật luôn vận hành theo quy luật phục tùng tạo hoá. Khi con người tiến gần tới cảnh giới của chí Thiện, chí Đức mới có thể chạm được tới chí Mỹ, mới có thể biết đâu là cái đẹp chân chính.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: